Tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn nhà nước

Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) kiến nghị, trong năm 2021 tập trung thực hiện thoái vốn tại Sabeco, Vinamilk, Tập đoàn FPT, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh. Đồng thời, tập trung hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu một số DN lớn như: Agribank, Công ty mẹ Tập đoàn VNPT, MobiFone.

Để tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN trong 6 tháng cuối năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp trình Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN và DN có vốn nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định phê duyệt danh mục DN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để các cơ quan đại diện chủ sở hữu, DN có cơ sở thực hiện. Rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội.

Để đảm bảo cân đối nguồn thu của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp trình Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chỉ đạo SCIC trong năm 2021 tập trung thực hiện thoái vốn tại Sabeco, Vinamilk, Tập đoàn FPT; Tổng công ty cổ phần Bảo Minh.

Về cổ phần hóa, Cục Tài chính doanh nghiệp trình Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành (cơ quan đại diện chủ sở hữu) tập trung hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu một số DN lớn trong năm 2021 như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Công ty mẹ Tập đoàn VNPT; MobiFone.

5-1625535776.jpeg

Ảnh minh họa

Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, lũy kế giai đoạn từ 2016 đến tháng 6/2021, đã có 183 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 489.943 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.944 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 183 DN đã cổ phần hóa chỉ có 39 DN cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa (128 DN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đạt 30% kế hoạch), số DN còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 6 tháng còn lại năm 2021 là 89 DN (trong đó còn 88 DN chưa công bố giá trị DN để cổ phần hóa).

Về thoái vốn, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 đã thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 3 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng. Thoái vốn tại 9 DN thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.

Về nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn, số tiền nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN từ đầu năm đến nay là 276 tỷ đồng. Theo dự toán, số thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số DN do Trung ương quản lý là 40.000 tỷ đồng. Ngoài ra trong năm 2021, khi Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu DN, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển nhượng vốn nhà nước được Chính phủ ban hành thì trước khi quyết toán, Quỹ sẽ phải hoàn trả số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn các DN địa phương về NSNN địa phương số tiền dự kiến là 4.600 tỷ đồng. Theo đó, tổng nguồn thu Quỹ phải cân đối trong năm 2021 là 44.600 tỷ đồng.

Như vậy, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2021 chưa đạt kế hoạch đề ra, dù cơ chế, chính sách đã được ban hành đầy đủ.

Theo thuonghieucongluan.com.vn

Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/ta-p-trung-thoa-i-vo-n-ta-i-ca-c-doanh-nghie-p-nha-nuo-c-lo-n-a139448.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tap-trung-thoai-von-tai-cac-doanh-nghiep-lon-nha-nuoc-a252531.html