Cựu quan chức 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên bị “xộ khám” do sai phạm đất đai: Cần điều tra làm rõ có hay không động cơ làm trái để trục lợi ?

(Pháp lý) – Vi phạm quy định về quản lý đất đai và vi phạm các qui định trong quản lý sử dụng tài sản công gây thất thoát, thiệt hại  rất lớn… khiến loạt nguyên cán bộ “chóp bu” của 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên bị khởi tố hồi  đầu tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên vấn đề dư luận quan tâm hiện nay và mong các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ động cơ cố ý làm trái của các quan chức này. Có hay không động cơ làm trái để trục lợi, nhận hối lộ, rất cần cơ quan công an  điều tra làm rõ.

Mù mờ pháp luật hay cố ý làm trái và vì động cơ gì…?

1. Vài ngày trước khi bị khởi tố và bị bắt giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai”, ông Nguyễn Chiến Thắng – cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã kịp giải bày “nỗi oan” của ông với các cơ quan báo chí về những dự án có liên quan đến sai phạm bị điều tra. Điều lạ là xuyên suốt nội dung các bài trả lời phỏng vấn, người đã từng đứng đầu chính quyền của một địa phương có nguồn thu ngân sách lớn nhất nhì ở miền Trung lại tỏ ra rất mù mờ về pháp luật (?)

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và khoản 2 Điều 24 của Luật Xây dựng thì quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị gồm hai loại: Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Quy hoạch chi tỷ lệ 1/500 là cụ thể hóa quy hoạch  tỷ lệ 1/2000, là cơ sở để lập các dự án đầu tư¬ xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Hay nói cách khác, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 chính là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng. Nó thể hiện rõ phần diện tích đất nào và của ai “dính” vào công trình hay dự án đầu tư nào, và dựa vào đó, mức đền bù mới có thể thỏa đáng được. 

91-1624877751.jpg
Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự trên núi Chín, chưa có phê duyệt quy hoạch 1/500, nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cho chủ đầu tư giải phóng mặt bằng…

Thế nhưng trong lúc dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự trên núi Chín, chưa có phê duyệt quy hoạch 1/500, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cho chủ đầu tư giải phóng mặt bằng. Giải thích cho việc làm bất thường này, ông Thắng cho biết: “Vì họ đã thỏa thuận bồi thường cho dân rồi, cho làm trước để khỏi bị xâm lấn đất lại” và “tôi nghĩ quy hoạch 1/500 là thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh ký phê duyệt, thôi thì cái đó sẽ ký sau” nên “tôi có sai chỗ đấy”. 

Năm 2016, ông Đào Công Thiên – lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã ký giao không qua đấu giá theo quy định của pháp luật 20.112m2 đất vàng, tại 28E Trần Phú - nằm ở vị trí mặt biển đắc địa nhất TP Nha Trang, cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng làm dự án Nha Trang Golden Gate. Ông Thắng phân trần: “Tài sản trên đất lúc đó có 49% của tư nhân, 51% của Nhà nước vì là công ty cổ phần của ngành Điện lực nên Nhà nước đâu thể đem đi đấu giá được. Tôi thấy rằng trường hợp này định giá thì Nhà nước có lợi hơn so với đem đi đấu giá tài sản trên đất rồi đấu giá đất”.

Trả lời nói trên của ông Thiên là đồng nghĩa với làm trái quy định tại Điều 31 Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công:  “Việc thanh lý tài sản công (đặc biệt là đối với tài sản khác gắn liền với đất – PV) theo hình thức bán được thực hiện thông qua hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật”. Cũng theo điều khoản này, “chỉ định thầu cho phép áp dụng trong trường hợp tài sản công có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản và giá trị đánh giá lại dưới 10 triệu đồng/01 đơn vị tài sản”. Rõ ràng là dù cố ý hay vô ý cũng không cho phép lãnh đạo cấp cao nhất một tỉnh vận dụng pháp luật theo kiểu cảm tính: Trước sau gì mình cũng ký nên để ký sau; và vì cảm thấy định giá có lợi hơn so với đem đi đấu giá nên bỏ qua quy định của pháp luật…

2. Tháng 10/2016, tỉnh Phú Yên khởi công dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa giai đoạn 1 (gọi tắt dự án Nam Tuy Hòa) trên diện tích hơn 38 ha đất để xây dựng hạ tầng và bán đấu giá quyền sử dụng đất ở (QSDĐ). Theo quy định tại Điều 194 Luật Đất đai 2013, việc chuyển nhượng QSDĐ gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đối với dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở, được thực hiện sau khi đã có Giấy chứng nhận, hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai…

Hai tháng sau (vào khoảng cuối năm 2016), trong lúc dự án Nam Tuy Hòa chưa xây dựng xong kết cấu hạ tầng, UBND tỉnh Phú Yên đã quyết định bán đấu giá QSDĐ toàn bộ 262 lô nhà ở liền kề trong tổng số 458 lô nhà ở theo thiết kế dự án. Việc đấu giá này được Hội đồng đấu giá “đặc biệt” tổ chức, do ông Nguyễn Chí Hiến – nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên (nhiệm kỳ 2016 – 2021) làm Chủ tịch. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng còn phát hiện, cả ba nhà đầu tư tham gia đấu giá 262 lô đất đều không đủ điều kiện để tham gia đấu, theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Nhà ở. Ngoài ra, UBND tỉnh này còn “vượt rào” ban hành quyết định xuất tiền từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ 5% trên tổng giá trị mỗi lô đất trúng đấu giá cho người trúng đấu giá (tương đương 8 tỷ đồng)…

92-1624877827.jpg
UBND tỉnh Phú Yên quyết định bán đấu giá QSDĐ toàn bộ 262 lô nhà ở liền kề dự án đô thị Nam Tuy Hòa, trong lúc chưa xây dựng xong kết cấu hạ tầng.

Trả lời các cơ quan báo chí, ông Hiến khẳng định, ông không làm sai pháp luật, các cơ quan tham mưu chuyên ngành (Sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính tỉnh...) và tổ giúp việc đã soi rất kỹ quy định tại khoản 2 Điều 55, điểm đ; khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai cũng như các quy định khác của pháp luật. Tất cả các nhà đầu tư tham gia đấu giá đã đáp ứng yêu cầu theo quy định và phương án đấu giá quyền sử dụng đất. Bình luận về giải thích của ông Hiến, Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) cho rằng, cách hiểu và vận  pháp luật của ông Hiến là biện hộ cho động cơ cố ý làm trái pháp luật. Theo ông Sơn, các nội dung quy định tại điều khoản này là điều chỉnh về đối tượng được Nhà nước giao đất và cho thuê đất, không có liên quan gì đến điều kiện để được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Vì lợi ích chung hay vì lợi ích riêng ? 

1.Đề cập đến việc ký giao không qua đấu giá theo quy định của pháp luật 20.112m2 đất vàng, nằm ở vị trí mặt biển đắc địa nhất TP Nha Trang, cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng làm dự án Nha Trang Golden Gate (trong đó có hơn 7.000m2 đất không thu tiền; 12.900m2 đất cho thuê với giá chưa đến 76 tỷ đồng, trong khi giá thời điểm trên thị trường trên dưới 300 triệu đồng/m2), ông Thắng thừa nhận có sai sót về trình tự, thủ tục trong một vài dự án BT nhưng “chỉ vì mục đích phát triển của tỉnh, làm lợi cho Nhà nước, chứ không nhũng nhiễu, tư lợi”.

93-1624877851.jpg
2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh và ông Nguyễn Chiến Thắng

Nếu vì cái chung thì tại sao ông lại bỏ ngoài tai góp ý của các bậc lão thành thành cách mạng, đặc biệt là vị lãnh đạo tiền nhiệm. Nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, Phạm Văn Chi nói rằng ông không hề bất ngờ trước việc ông Thắng, ông Thiên bị khởi tố. Theo ông Chi, ông đã góp ý nhiều lần trong các cuộc họp, đề nghị cái nào sai thì xóa quyết định, cái nào còn chấp nhận được thì chỉnh lại, ra quyết định mới nhưng mấy anh em vẫn chủ quan. Cán bộ, nhân dân đều rất bức xúc vì tất cả những mảnh đất vàng đều đội nón ra đi nhưng giá cả thì không thống nhất. Nhiều khu đất không thực hiện đúng việc đấu thầu, đấu giá theo quy định pháp luật.

Để thực hiện dự án BT Trường Chính trị, ngày 25/5/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản xin ý kiến Chính phủ được chỉ định thầu. Tuy nhiên tại Công văn số 3834 ngày 15/6/2011, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn: “Danh mục dự án của UBND tỉnh Khánh Hòa không thuộc một trong các trường hợp được áp dụng chỉ định nhà đầu tư. Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành”. Có nghĩa, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện theo hình thức BT là phù hợp với quy định pháp luật. Thế nhưng, UBND tỉnh Khánh Hòa đã bỏ qua ý kiến của Bộ KH-ĐT và chỉ định nhà đầu tư là Công ty CP Thanh Yến. Nếu vì cái chung thì tại sao lại phớt lờ hướng dẫn của Bộ có chức năng.

2. Trả lời cho động cơ bán “nóng” 262 lô đất của dự án Nam Tuy Hòa trong lúc chưa xây dựng kết cấu hạ tầng, ông Nguyễn Chí Hiến – nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên quả quyết: “Tôi khẳng định đây là quyết định của tập thể UBND tỉnh Phú Yên chứ không có bất kỳ cá nhân nào áp đặt ý chí cá nhân. Các quyết định đều tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch và vì lợi ích Nhà nước, lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển chung của tỉnh. Tôi cũng đã nghiêm túc thực hiện việc tự kiểm điểm, với nhận thức bản thân còn nhiều hạn chế trong một thời điểm có hoàn cảnh đặc thù của tỉnh, nhưng không hề vụ lợi cá nhân”.

94-1624877871.jpg
Ông Nguyễn Chí Hiến – cựu PCT UBND tỉnh Phú Yên trước khi bị khởi tố

Theo ông Hiến, trước khi đặt bút ký quyết định lấy tiền từ ngân sách Nhà nước ra hỗ trợ mỗi lô đất 5% giá trị trúng đấu giá cho người trúng đấu giá là địa phương đã học hỏi kinh nghiệm từ UBND TP Đà Nẵng. Không chỉ như vậy, Ban cán sự UBND tỉnh còn xin ý kiến và được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Thường trực HĐND tỉnh.

“Vì nhu cầu cấp bách, nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương nhằm giải quyết khoản tiền trả nợ cho ngân sách Nhà nước (thực hiện hoàn trả tạm ứng ngân sách năm 2015 cho Kho bạc Nhà nước 200 tỷ đồng - PV) phát sinh từ trước đó cả chục năm. Đây là nhiệm vụ cấp bách đối với UBND tỉnh Phú Yên lúc đó. Chính vì vậy chúng tôi mới quyết định bán đấu giá quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai, đây là trường hợp đặc biệt để giải quyết nhiệm vụ cũng đặc biệt cấp bách” - ông Hiến giãi bày.

Thay lời kết 

Cho dù thanh minh các kiểu và nêu nhiều lý do khác nhau, nhưng chốt lại, các ông đều cố ý làm trái các qui định của nhà nước về quản lý đất đai công sản. Theo đó, ngày 4/6, ông Nguyễn Chí Hiến – cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh (2016 – 2021) bị khởi tố và bắt giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (theo Điều 219 BLHS 2015), xảy ra trong vụ đấu giá bán sỉ quyền sử dụng đất toàn bộ 262 lô đất ở liền kề tại khu đô thị Nam Tuy Hòa. Bị khởi tố cùng tội danh với ông Hiến trong vụ án này còn có bà Nguyễn Thị Nở - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Phú Yên.

5 ngày sau đó (9/6), Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi, nhiệm kỳ 2011 – 2016) và ông Lê Đức Vinh (56 tuổi, nhiệm kỳ 2016 – 2021) về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, theo Điều 229 BLHS 2015. Ông Thắng, ông Vinh là các bị can tiếp theo bị khởi tố trong vụ án này, sau các ông Đào Công Thiên - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Võ Tấn Thái - cựu Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa. 

Việc khởi tố bắt giam loạt cựu cán bộ “chóp bu” của 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên trong thời gian ngắn không khiến dư luận ngạc nhiên. Bởi dư luận đã râm ran từ lâu rồi và việc các ông bị bắt tuy có phần hơi muộn. Các ông sẽ phải trả giá do sai phạm đã gây ra. Sự nghiêm minh của pháp luật là cần thiết để răn đe những công bộc khác phải chùn tay mà không dẫm vào “vết xe đổ”. Tuy nhiên sẽ là chưa đủ và chưa thỏa đáng nếu chỉ khởi tố và dừng lại ở tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” ? 

Phía sau các chữ ký và tờ trình, ông Thắng, ông Vinh, ông Thiên, ông Hiến và các cán bộ có liên quan trong vụ án liệu có thật sự là những chữ kí vô tư trong sáng vì việc chung như họ phân trần, thanh minh trước công luận ? Câu trả lời chỉ có thể chờ từ kết quả điều tra sắp tới đây của Cơ quan CSĐT có thẩm quyền. Tuy nhiên nhìn từ diễn biến của quá trình dẫn tới phạm tội của các bị can đối với các tội danh đã bị khởi tố, hoài nghi của dư luận không phải là không có cơ sở ? 

Bởi để leo lên được cương vị lãnh đạo “chóp bu” của một tỉnh, các bị can đương nhiên phải là người am hiểu pháp luật đến chân tơ kẽ tóc. Trước khi đặt bút ký, phía dưới các bị can là cả một bộ máy giúp việc lên tới con số hàng trăm. Điều đó có nghĩa các bị can thừa biết bán tài sản công mà không qua đấu giá, bán đấu giá đất nền dự án nhưng chưa xây dựng hạ tầng… là hoàn toàn trái quy định pháp luật. Tuy nhiên các bị can vẫn phớt lờ hạ bút ký, chấp nhận đánh cược sinh mệnh chính trị của mình thì không thể nói là vì cái chung (?!)

Vấn đề dư luận quan tâm hiện nay và mong các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ động cơ cố ý làm trái của các quan chức này. Có hay không động cơ làm trái để trục lợi, nhận hối lộ, rất cần cơ quan công an điều tra làm rõ.

VŨ LÊ MINH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cuu-quan-chuc-2-tinh-khanh-hoa-va-phu-yen-bi-xo-kham-do-sai-pham-dat-dai-can-dieu-tra-lam-ro-co-hay-khong-dong-co-lam-trai-de-truc-loi-a252453.html