Khởi tố, truy tố nhiều bị can tội tham ô, nhận hối lộ trong 3 đại án: “Liều thuốc” có công dụng cực mạnh để cảnh báo các quan tham khác.

( Pháp Lý). Ngày 21/6, Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Cuộc họp báo cho thấy những kết quả quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều “vùng cấm” tiếp tục bị “công phá” , đưa ra ánh sáng các đối tượng quan chức vi phạm pháp luật. Đồng thời, truyền đi thông điệp quyết tâm không ngừng nghỉ, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Nếu như trước đây, để kết tội một quan chức tội tham ô, đặc biệt nhận hối lộ là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể vì không chứng minh được. Thậm chí có nhiều vụ, dư luận nghi ngại cơ quan tư pháp. Nhưng nay đã khác. Đã có quan chức bị truy tố mức kịch khung tội nhận hối lộ. Đó là tín hiệu mới, liều thuốc đặc trị mới, sẽ có công dụng cực mạnh để cảnh báo các quan tham khác.

image001-1624411222.jpg

Đại diện C01 công bố thông tin liên quan đến ông Nguyễn Duy Linh tại cuộc họp báo hôm 21/

Mở rộng điều tra nhiều vụ án lớn, khởi tố bổ sung nhiều bị can tội tham ô, nhận hối lộ

Một trong những thông tin đáng chú ý nhất tại cuộc Họp báo, liên quan đến vụ án đưa hối lộ và nhận hối lộ liên quan Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79). Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an (C01) cho biết, đơn vị đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 3 bị can có liên quan, gồm: Phan Văn Anh Vũ về tội “đưa hối lộ’’; Hồ Hữu Hòa (trú H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) về tội “môi giới hối lộ” và Nguyễn Duy Linh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, về tội “nhận hối lộ” theo khoản 4 điều 354 bộ luật Hình sự.

Đây là kết quả của sự quyết tâm cao của cơ quan tố tụng, đặc biệt là Viện KSND Tối cao trong cuộc chiến chống tham nhũng. Bằng những quyết định chính xác của Viện kiểm sát đã đưa ra ánh sáng các đối tượng quan chức vi phạm pháp luật, trong đó có cả những quan chức cấp cao.

Cũng tại cuộc họp, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) nhận được nhiều câu hỏi về tiến độ điều tra vụ án mua sắm thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội và ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) có liên quan thế nào đến vụ án này?

Trả lời câu hỏi trên, đại diện C03 cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua C03 tập trung điều tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc mua thiết bị y tế tại một số bệnh viện và các đơn vị khác liên quan.

Theo đại diện của C03, hành vi sai phạm xảy ra trong các vụ án thuộc lĩnh vực y tế rất nhiều, trong đó nổi cộm là hành vi nâng khống giá thiết bị y tế để hưởng lợi bất chính.

Đối với sai phạm trong việc mua sắm thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số đơn vị liên quan, ngày 13/5 vừa qua, C03 đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can để điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015.

"C03 đang điều tra, củng cố tài liệu về hành vi vi phạm đối với các bị can đã bị khởi tố, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án. Quá trình điều tra nếu phát hiện người nào vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định", đại diện C03 nói…

Ở một diễn biến khác, ngày 21/6, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP Hồ Chí Minh cho biết, mở rộng điều tra vụ án “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến vụ án ông Tất Thành Cang và đồng phạm, Viện đã phê chuẩn quyết định khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố thêm 6 người nguyên là thành viên HĐQT, Trưởng ban Kiểm soát và Kế toán trưởng Công ty Sadeco về tội “Tham ô tài sản”.

image002-1624411268.jpg

 Mở rộng điều tra các sai phạm xảy ra tại IPC và Sadeco, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố thêm 6 bị can tội Tham ô tài sản

Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Công ty Sadeco) về hành vi “Tham ô tài sản”.   

Ngoài ra, Cơ quan này cũng đồng thời ban hành các quyết định khởi tố bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với các bị can đều là nguyên thành viên trong Hội đồng quản trị, Trưởng ban Kiểm soát và Kế toán trưởng Công ty Sadeco gồm: Phạm Xuân Trung (nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC), Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Sadeco), Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc IPC), Huỳnh Phước Long (nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy), Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng Sadeco) cùng về tội danh tham ô tài sản. Riêng bị can Trần Đăng Linh còn bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra ra quyết định bắt tạm giam.

Theo thông tin mà Phóng viên có được, các bị can nói trên bị khởi tố vì liên quan đến sai phạm trong việc sử dụng số tiền từ nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn không chuyên trách trong các năm 2016, 2017 và 2018.

Không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”…

Có thể thấy “ lò” luôn “ đượm lửa”, và nhiều “ củi tươi” bắt đầu cháy. Nếu như trước đây, để kết tội một quan chức tội tham ô, đặc biệt nhận hối lộ là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể vì không chứng minh được. Thậm chí có nhiều vụ, dư luận nghi ngại cơ quan tư pháp. Nhưng nay bắt đầu khác. Đã có quan chức bị truy tố mức kịch khung của tội nhận hối lộ.

Theo dõi kết quả điều tra các vụ án nói trên cho thấy sự quyết tâm của cơ quan chức năng (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát…), nhiều “vùng cấm” đã bị cơ quan chức năng “công phá”, các đối tượng quan chức vi phạm pháp luật bị đưa ra ánh sáng.

Điển hình như trong vụ án vụ án đưa hối lộ và nhận hối lộ liên quan Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), hồi tháng 3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án ‘’đưa hối lộ’’, chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 2 bị can Phan Văn Anh Vũ về tội “đưa hối lộ’’ và Hồ Hữu Hòa (trú H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) về tội “môi giới hối lộ”.

Đối với ông Nguyễn Duy Linh, Cơ quan điều tra xác định ban đầu ông Linh phủ nhận mối quan hệ với Vũ “nhôm”. Cơ quan Cảnh sát điều tra ban đầu cho rằng, hành vi của ông Nguyễn Duy Linh có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không đủ căn cứ để xem xét theo quy định. Do thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan điều tra có văn bản đề nghị Đảng ủy Công an T.Ư xem xét xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Nguyễn Duy Linh.

Tuy nhiên sau đó, Viện KSND tối cao đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Căn cứ quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Viện kiểm sát tối cao, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án, ngày 15.6, Cơ quan điều tra đã ban hành quyết định khởi tố bổ sung vụ án nhận hối lộ, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Linh, nguyên Phó cục tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, để điều tra về tội nhận hối lộ. Ngày 20/6, Cơ quan điều tra đã có kết luận điều tra bổ sung chuyển sang Viện kiểm sát tối cao đề nghị truy tố 3 bị can nêu trên.

Hay như trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản, xảy ra tại Công ty IPC, Công ty Sadeco, công ty con của IPC. Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố HCM đã nhiều lần trả hồ sơ, đề nghị Cơ quan Điều tra xác định lại thiệt hại trong vụ án; làm rõ vai trò của các đồng phạm và xác định chính xác trách nhiệm của từng bị can đối với việc làm thất thoát tài sản Nhà nước…

image003-1624411316.jpg
 Vụ án xảy ra tại Công ty IPC, Công ty Sadeco, Viện KSND TP HCM nhiều lần trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung (ông Tất Thành Cang tại cơ quan công an)

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã hai lần đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố bị can Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận - IPC) kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Sadeco về tội Tham ô hơn 1,7 tỷ đồng (theo khoản 4 Điều 353 BLHS) và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí (khoản 3 Điều 219 BLHS).

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Tất Thành Cang và 15 người khác bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” đối với hành vi thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim.

Ngày 11/1/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ban hành Kết luận điều tra, chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố đề nghị truy tố bị can Tất Thành Cang và 18 bị can khác về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản, xảy ra tại Công ty IPC (100% vốn nhà nước), Công ty Sadeco, công ty con của IPC.

Sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố đã trả hồ sơ, đề nghị Cơ quan Điều tra xác định lại thiệt hại trong vụ án; làm rõ vai trò đồng phạm Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim trong vụ án đối với việc mua 9 triệu cổ phần của Sadeco.

Hai tháng sau, Cơ quan Cảnh sát Điều tra hoàn tất Kết luận điều tra bổ sung, xác định thiệt hại trong vụ án từ 940 tỷ đồng lên 1.103 tỷ đồng (thiệt hại của Sadeco trong việc bán 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim là 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cho vốn của UBND TP. Hồ Chí Minh là 485 tỷ đồng, vốn Thành ủy TP. Hồ Chí Minh là 184 tỷ đồng, các cổ đông khác là 433 tỷ đồng) và chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đề nghị truy tố.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát Nhân dân trả hồ sơ cho rằng cần xác định lại thiệt hại và làm rõ vai trò đồng phạm của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim trong vụ án đối với việc mua 9 triệu cổ phiếu của Công ty SADECO…

Ngày 3/6/2021, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung liên quan đến các nội dung nhận tiền thù lao, tiền thưởng tại Công ty Sadeco và xác định chính xác trách nhiệm của từng bị can đối với thất thoát tài sản Nhà nước ở nhóm hành vi phát hành 9 triệu cổ phần của Công ty Sadeco…

Theo dõi diễn biến những vụ án này cho thấy, chính ý chí quyết tâm của các cơ quan chức năng, đặc biệt bằng những quyết định chính xác của Viện kiểm sát đã đưa ra ánh sáng các đối tượng quan chức vi phạm pháp luật, trong đó có cả những quan chức trong cơ quan phòng chống tham nhũng như bị can Nguyễn Duy Linh trong vụ án  Phan Văn Anh Vũ .

Nếu như trước đây, để kết tội một quan chức tội tham ô, đặc biệt nhận hối lộ là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể vì không chứng minh được. Thậm chí có nhiều vụ, dư luận nghi ngại cơ quan tư pháp. Nhưng nay đã khác. Đã có quan chức bị truy tố mức kịch khung tội nhận hối lộ. Đó là tín hiệu mới, liều thuốc đặc trị mới, sẽ có công dụng cực mạnh để cảnh báo các quan tham khác.

Thay lời kết 

Thiết nghĩ, với việc cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang được Đảng và Nhà nước quyết liệt đẩy mạnh, tới đây có lẽ sẽ còn những vụ việc khác được phanh phui, sẽ còn những quan chức hay cựu quan chức khác dính kỷ luật hay vướng vòng lao lý.

Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là cần rà soát lại hệ thống các quy định pháp luật xem còn kẽ hở nào có thể bị lợi dụng hay không? Cơ chế kiểm soát quyền lực hiện có đã đủ "nhốt quyền lực vào lồng" hay chưa? Vai trò giám sát của người dân đối với việc thực thi công vụ, ra quyết định của những người có trách nhiệm đã thật sự được đề cao và bảo đảm một cách thực chất chưa? Việc xử lý sai phạm đã đủ nghiêm minh để tạo sự răn đe chưa?.. 

Chỉ kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, chúng ta mới có thể chấm dứt nạn tham nhũng hoành hoành như thời gian vừa qua. Đặc biệt cần có biện pháp nghiệp vụ, đưa ra ánh sáng các vụ quan chức nhận hối lộ. Xử lý thật nghiêm, truy tố mức kịch khung tội nhận hối lộ. Chỉ có liều thuốc đặc trị mới này mới có công dụng mạnh để cảnh báo các quan tham khác.

Nam Kiên
 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/khoi-to-truy-to-nhieu-bi-can-toi-tham-o-nhan-hoi-lo-trong-3-dai-an-lieu-thuoc-co-cong-dung-cuc-manh-de-canh-bao-cac-quan-tham-khac-a252398.html