Vai trò của báo chí với hoạt động của Quốc hội

( Pháp Lý). Những năm qua, hoạt động của Quốc hội ngày càng trở nên gần gũi, gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân. Có được kết quả quan trọng đó, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, chính báo chí là cầu nối để Quốc hội gần dân. Vai trò của báo chí vì thế ngày càng được Quốc hội coi trọng, trong khi đó báo chí cũng không ngừng nỗ lực vươn lên để xứng đáng với sự tin cậy đó.

Quốc hội ngày càng coi trọng vai trò của báo chí

Báo chí chính thức được tham dự các kỳ họp của Quốc hội kể từ khi có Luật Tổ chức Quốc hội (TCQH) năm 1992. Đến Hiến pháp năm 2013 chính thức đưa vào cụm từ “Quốc hội họp công khai” (Điều 83) và Luật TCQH năm 2014 ban hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho báo chí tham dự các kỳ họp của Quốc hội.

Lãnh đạo Quốc hội gặp mặt và chúc mừng 187 nhà báo tiêu biểu tại Nhà Quốc hội nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí CMVN năm 2020

Theo đó, ngoài được mời tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội (khoản 2 Điều 93), trước khi khai mạc kỳ họp, chậm nhất là 15 ngày (đối với kỳ họp thường lệ) và chậm nhất là 4 ngày (đối với kỳ họp bất thường), dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội phải được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (khoản 2 Điều 91). Ngoài ra, trước phiên khai mạc và sau phiên bế mạc mỗi kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội (người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) còn phải có trách nhiệm tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ cho báo chí về kỳ họp và kết quả kỳ họp (điểm c, khoản 1 Điều 98). Trong trường hợp cần thiết, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thức về sự kiện diễn ra tại kỳ họp Quốc hội.

Các cơ quan báo chí, thông tấn còn được tạo điều kiện thuận lợi tác nghiệp tại khu vực dành riêng cho báo chí để tham dự, đưa tin về các phiên họp công khai tại kỳ họp Quốc hội, bảo đảm việc đưa tin chính xác, khách quan và kịp thời theo quy định của pháp luật về báo chí… Những “đặc cách” này chỉ mới được xuất hiện kể từ sau khi Luật TCQH năm 2014 có hiệu lực. Từ đây, báo chí thực sự trở thành cánh tay nối dài không thể thiếu, để truyền tải hoạt động của Quốc hội đến với cử tri, Nhân dân, tuyên truyền đưa Luật, Nghị quyết vào cuộc sống và ngược lại báo chí phản ánh “hơi thở” của cuộc sống tới Quốc hội.

Báo chí giúp Quốc hội, ĐBQH lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, phát hiện các vấn đề trong cuộc sống, đồng thời là “kênh” truyền tải hoạt động của Quốc hội đến với cử tri… Ngược lại, Quốc hội cũng rất muốn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, những phản ánh của cử tri, Nhân dân. Báo chí chính là cầu nối truyền tải thông tin đó đến với Quốc hội. Và ngược lại, để truyền tải hoạt động của Quốc hội đến với cử tri, Nhân dân. Tuyên truyền đưa Luật, Nghị quyết vào cuộc sống không ai khác chính là báo chí.

Vai trò của báo chí với Quốc hội ngày càng được coi trọng. Theo đó ý thức trách nhiệm của các nhà báo ngày càng được nâng cao từ trách nhiệm chính trị đến trách nhiệm công dân, giúp cử tri, cộng đồng xã hội tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, xây dựng chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật.

“Không có báo chí thì không thể thông tin kịp thời, đầy đủ đến Nhân dân”

Dân hướng đến Quốc hội bởi Quốc hội bàn chuyện của dân, lo cho dân cho nước. Các cuộc tranh luận nảy lửa từ Nghị trường (đặc biệt là Quốc hội khóa XIV) về các vấn đề: Thiên tai, rừng, thủy điện, môi trường, hay chuyện sách giáo khoa lớp một… cho thấy Quốc hội, các ĐBQH đã luôn bám sát những diễn biến đời sống xã hội và thể hiện đúng chức trách được cử tri trao gửi. Không chỉ thảo luận mà là tranh luận. Không chỉ nêu vấn đề mà chỉ mặt đặt tên những hiện tượng nổi cộm, nguy cơ, nguyên nhân của tồn tại, bất cập. Không chỉ bày tỏ nguyện vọng, mong muốn mà còn hiến kế cho tương lai… Trong đó, có những vấn đề được các ĐBQH “đeo bám” suốt từ phiên thảo luận sang các phiên chất vấn, nhằm đi đến tận cùng của vấn đề.

Tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu di dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu toàn quốc, nhân Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), Chủ tịch Quốc hội khi đó là đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Những năm qua, hoạt động của Quốc hội ngày càng trở nên gần gũi, gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân. Chính báo chí là cầu nối để Quốc hội gần dân. Nếu một kỳ họp của Quốc hội, một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hay những cuộc tiếp xúc cử tri, không có báo chí, thì không thể thông tin kịp thời, đầy đủ đến Nhân dân. Chúng tôi dành những sự quan tâm, ưu ái nhất cho lực lượng báo chí trong hoạt động của báo chí ở Quốc hội”.

Rõ ràng là ngoài những cuộc tiếp xúc cử tri theo định kỳ, qua mạng xã hội hay tự mình vi hành, các ĐBQH không thể phủ nhận phần lớn họ đã dựa vào nguồn tư liệu phong phú từ kênh báo chí. Những gì đang diễn ra nóng bỏng ngoài xã hội chính là những chủ đề nóng của Nghị trường và những gì Quốc hội đang bàn đến đều hướng tới phục vụ cho quốc kế dân sinh. Hay nói cách khác, nếu không có nguồn tư liệu phong phú và kịp thời từ báo chí thì gạch nối người dân với Quốc hội sẽ khó gặp nhau, không thể thăng hoa lên tầm cao.

Tại các phiên chất vấn, người đứng đầu Chính phủ, các “tư lệnh ngành” thường cố gắng trình bày các vấn đề một cách khúc chiết, rõ ràng, với nhiều số liệu và lập luận thuyết phục, không né tránh – trong điều kiện thời gian hạn hẹp, khiến cho các kỳ họp nào của Quốc hội cũng đều được cử tri cả nước mong ngóng dõi theo và hài lòng. Nếu như không có nguồn thông tin phong phú từ báo chí, các phần giải trình và trả lời của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ thiếu hơi thở cuộc sống, khó thuyết phục cử tri, khi mà chỉ dựa vào những con số báo cáo khô khan của các cơ quan có chức năng.

Sự kiện chính trị diễn ra gần đây nhất, báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành và làm tốt vai trò tuyên truyền để cử tri cả nước và cộng đồng quốc tế hiểu rõ và sâu sắc hơn về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021 – 2026). Đại sứ Italia tại Việt Nam, ông Antonio Alessandro, nhận xét: “Báo chí Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền về bầu cử. Báo chí Việt Nam hiện nay tự do, trung thực và đưa rất nhiều tin tức xoay quanh các sự kiện lớn của đất nước. Báo chí tích cực đưa tin, phản ánh đa chiều, giúp cho người nước ngoài hiểu hơn về cơ cấu tổ chức bộ máy chính trị của Việt Nam, tình hình phát triển của đất nước”.

Các nhà báo phỏng vấn ĐBQH tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng đánh giá, bên cạnh việc chuyển tải đầy đủ, kịp thời, sinh động những thông tin về hoạt động của QH đến với cử tri và Nhân dân cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH có thể xử lý một cách kịp thời những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội. Đời sống Nghị trường đã hòa mình vào đời sống của từng người dân, của xã hội. Sự trông cậy và kỳ vọng của người dân vào cơ quan đại diện cho mình ngày càng cao. Sự chuyển động này, không thể nói thiếu vắng vai trò đóng góp to lớn của báo chí cách mạng.

Đánh giá cao vai trò của báo chí, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV, Lưu Bình Nhưỡng nhận định, báo chí được Nhân dân đặt niềm tin. Báo chí nói chung và báo chí Nghị trường đã làm tốt vai trò của mình. Báo chí chính là người “truyền thần” các tư tưởng, quan điểm, ý kiến, quyết sách của Quốc hội từ Hội trường Diên Hồng đến với công chúng, cử tri, Nhân dân cả nước.

Thay lời kết

Những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội, sự bùng nổ thông tin với tính đa dạng, đa chiều… đã và đang làm cho cử tri, Nhân dân trở nên khó khăn hơn trong việc lựa chọn tiếp cận những thông tin từ hoạt động Quốc hội. Điều đó cũng đồng nghĩa, báo chí cách mạng đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn nếu như muốn làm tốt vai trò là cánh tay nối dài của Quốc hội.

Để bảo đảm thông tin về hoạt động của Quốc hội trở nên chuyên sâu hơn, hấp dẫn hơn, dễ tiếp cận hơn, thu hút hơn với cử tri và Nhân dân, đòi hỏi cơ quan báo chí, nhà báo phải không ngừng sáng tạo, đổi mới. Trong đó trước hết phải hết sức khách quan, trung thực trong truyền tin. Là người truyền đạt thông tin, mà không giữ cái tâm của người làm báo sẽ dẫn đến sự hiểu lầm của xã hội, gây ra những hệ lụy khó lường… Trong giai đoạn hiện nay, báo chí đồng hành và làm tốt vai trò với Quốc hội cũng chính là góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

VŨ LÊ MINH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vai-tro-cua-bao-chi-voi-hoat-dong-cua-quoc-hoi-a252264.html