Từ việc Báo điện tử VOV bị tấn công mạng: Chuyên gia luật khuyến cáo và kiến nghị gì ?

(Pháp lý) - Trước vụ việc Báo điện tử VOV bị tấn công mạng hôm 12/6 vừa qua, các chuyên gia cảnh báo, tất cả các trang báo hay website điện tử đều có thể là mục tiêu bị tấn công của các nhóm đối tượng hacker. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần phải quyết liệt điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời các chuyên gia cũng khuyến cáo, các cơ quan báo chí điện tử cần chủ động trang bị phương án, hệ thống và lên kế hoạch từ trước để xử lý những vụ việc tấn công bất ngờ tương tự.

Bộ Công an vào cuộc điều tra nhóm đối tượng tấn công báo điện tử VOV

Bộ Công an điều tra vụ báo điện tử VOV bị tấn công mạng

Ngày 14.6, theo thông tin từ Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam (VOV.VN), hệ thống nội dung số của cơ quan này mới đây đã bị tấn công mạng nghiêm trọng và trang báo điện tử không thể truy cập.

Cụ thể, từ tối 12.6, việc truy cập vào Báo điện tử Vov.vn đã gặp khó khăn, đường truyền bị chậm. Đến 12h ngày 13.6, độc giả hoàn toàn không truy cập được vào đường link Vov.vn.

Theo bộ phận kỹ thuật của Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, đây là kết quả của cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) làm tràn băng thông, khiến việc truy cập vào báo bị tê liệt. Đồng thời, Fanpage của tờ báo này cũng nhận hàng chục ngàn bình luận mang tính tiêu cực, công kích. Cơ quan này đã liên hệ với Google và Facebook để xử lý các vấn đề có liên quan.

Đại diện Báo điện tử VOV cũng cho biết việc tờ báo bị tấn công đã ảnh hưởng đến hoạt động của tòa soạn, ảnh hưởng đến quyền truy cập thông tin của độc giả.

Báo điện tử VOV đã khẩn cấp liên hệ với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp giải quyết, xử lý những sai phạm của các đối tượng quá khích khi cố tình tấn công các nền tảng kỹ thuật của một cơ quan truyền thông quốc gia. Cùng với đó, Báo điện tử VOV đã có nhiều giải pháp kỹ thuật khắc phục sự cố và truy cập bình thường từ tối ngày 13/6.

Được biết, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo Viettel và VNPT gấp rút xử lý việc báo điện tử vov.vn bị tấn công mạng. Đồng thời, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an đang điều tra các cuộc tấn công mạng nhằm vào trang báo điện tử vov.vn và nền tảng mạng xã hội của cơ quan này

Cảnh báo tất cả các trang báo hay website điện tử đều có thể là mục tiêu bị tấn công.

Trước vụ việc Báo điện tử VOV bị tấn công, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra cảnh báo, tất cả các trang báo hay website điện tử đều có thể là mục tiêu bị tấn công của các nhóm đối tượng hacker.

Do vậy, để có thể phòng tránh các tình huống từ thời điểm khởi đầu có dấu hiệu bị tấn công, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra khuyến cáo các phòng ban chuyên môn có nghiệp vụ làm việc tại cơ quan báo chí điện tử cần nắm bắt kịp thời các vấn đề thì thời gian xử lý sẽ rất nhanh và hiệu quả.

“Cụ thể, các báo cần chủ động trang bị phương án, hệ thống và lên kế hoạch từ trước để xử lý những vụ việc tấn công bất ngờ tương tự. Sau khi gặp sự cố sẽ biết các đầu mối chính xác và đơn vị xử lý sự cố có thể phối hợp bằng các biện pháp kỹ thuật để mở băng thông, ngăn chặn được địa chỉ nguồn tấn công. Làm được điều này thì chỉ mất từ 30 phút – 1 tiếng là có thể kiểm soát được một sự vụ”, đại diện Cục An toàn thông tin nói.

Các quy trình và việc lên phương án xử lý sự cố được đại diện Cục An toàn thông tin khẳng định và vô cùng quan trọng. Bởi, trong phương án này sẽ có đầy đủ từ các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật và con người tham gia. Qua đó xác định chính xác và kịp thời dấu hiệu bị tấn công. Từ đây mới có thể đưa ra phương án xử lý.

“Việc ngăn chặn đợt tấn công đối với Báo Điện tử VOV cơ bản đã hoàn thành. Tiếp đó sẽ là khâu điều tra, xác định đối tượng gây ra vụ việc”, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) : Hành vi tấn công vào đài phát thanh quốc gia có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời hành vi này có thể xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Hành vi tấn công vào cơ quan phát thanh quốc gia bằng hình thức tấn công trực tiếp hay tấn công mạng thì đều có thể ảnh hưởng đến việc hoạt động của cơ quan này, tổn hại đến tài sản, uy tín của cơ quan truyền thông quốc gia.

Cần phải quyết liệt điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của các đối tượng đánh sập trang thông tin điện tử của VOV và can thiệp vào các nền tảng số khác của đài tiếng nói Việt Nam là hành vi tấn công mạng. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần phải quyết liệt điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng có hành vi tấn công mạng này để xử lý theo quy định pháp luật.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Theo Luật sư Cường, Đài Tiếng nói Việt Nam, là đài phát thanh quốc gia trực thuộc Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đài có nhiệm vụ "tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và Quốc hội, góp phần nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân".

Đài được sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động báo chí, tần số, truyền dẫn và phát sóng. Hiện tại, Đài Tiếng nói Việt Nam là tổ hợp truyền thông đa phương tiện quan trọng hàng đầu cả nước, với đủ cả bốn loại hình báo chí: Phát thanh, truyền hình, báo in giấy và báo điện tử trực tuyến.

Do đó, hành vi tấn công vào đài phát thanh quốc gia có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời hành vi này có thể xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Hành vi tấn công vào cơ quan phát thanh quốc gia bằng hình thức tấn công trực tiếp hay tấn công mạng thì đều có thể ảnh hưởng đến việc hoạt động của cơ quan này, tổn hại đến tài sản, uy tín của cơ quan truyền thông quốc gia. Luật sư Cường phân tích.

Luật sư Cường cho biết thêm, những hành vi này được quy định tại Điều 19 Luật an ninh mạng năm 2018:

Cụ thể, hành vi tấn công mạng và hành vi có liên quan đến tấn công mạng bao gồm: Phát tán chương trình tin học gây hại cho mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử; Gây cản trở, rối loạn, làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, ngăn chặn trái phép việc truyền đưa dữ liệu của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử;

Xâm nhập, làm tổn hại, chiếm đoạt dữ liệu được lưu trữ, truyền đưa qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử; Xâm nhập, tạo ra hoặc khai thác điểm yếu, lỗ hổng bảo mật và dịch vụ hệ thống để chiếm đoạt thông tin, thu lợi bất chính; Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật;

Hành vi khác gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử.

Cũng theo luật sư Cường, hành vi tấn công mạng có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về một trong các tội như: Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286); Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287) hoặc về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289)… với mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù cao nhất lên đến 12 năm.

Điều 287, Bộ luật Hình sự 2015: Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử

Người nào tự ý xóa, làm tổn hại hoặc thay đổi phần mềm, dữ liệu điện tử hoặc ngăn chặn trái phép việc truyền tải dữ liệu của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử hoặc có hành vi khác cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 286 và Điều 289 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 30 phút đến dưới 24 giờ hoặc từ 03 lần đến dưới 10 lần trong thời gian 24 giờ;

d) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 24 giờ đến dưới 72 giờ;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

e) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử từ 24 giờ đến dưới 168 giờ hoặc từ 10 lần đến dưới 50 lần trong thời gian 24 giờ;

g) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức từ 72 giờ đến dưới 168 giờ.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin, giao dịch tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;

c) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 1.500.000.000 đồng trở lên;

đ) Làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử 168 giờ trở lên hoặc 50 lần trở lên trong thời gian 24 giờ;

e) Làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức 168 giờ trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nam Kiên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-viec-bao-dien-tu-vov-bi-tan-cong-mang-chuyen-gia-luat-khuyen-cao-va-kien-nghi-gi-a252200.html