Hiện nay, Việt Nam đã đặt mục tiêu bảo đảm miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 với khoảng 60-70% dân số được tiêm vắc xin Covid-19.
Dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có 110 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm cho người dân. Trong khi đó, vắc xin Covid-19 của Việt Nam cũng dự kiến sẽ thử nghiệm thành công.
Tùy theo tiến độ cung ứng vắc xin và loại vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế sẽ có quyết định phân bổ và hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh, thành phố triển khai để bảo đảm sử dụng vắc xin chống dịch kịp thời, công bằng và bao phủ được nhiều đối tượng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết trung bình một bệnh nhân mắc Covid-19 có thể lây truyền SARS-CoV-2 cho khoảng 2-4 người.
Vì vậy, với khoảng 60-75% người có miễn dịch trong cộng đồng, chúng ta có thể đẩy lùi và kiểm soát được Covid-19. Tỉ lệ 25-40% dân số còn lại sẽ hưởng lợi nhờ miễn dịch của người khác.
ThS Thái khẳng định vắc xin là chìa khóa để chúng ta tiến đến đủ số lượng người trong quần thể có miễn dịch, qua đó khống chế, kiểm soát được dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bác sĩ Thái cho biết hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm sai lầm về vắc xin Covid-19.
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai giải mã 8 quan điểm sai lầm về vắc xin Covid-19 - Ảnh 1.
Ảnh: Tiêm vắc xin tại Bắc Giang.
1. Tiêm vắc xin là đưa virus SARS-CoV-2 vào người?
Thực tế, tiêm vắc xin không phải tiêm virus vào người mà chỉ đưa 1 sản phẩm ARN, 1 mẫu virus loại khác vào trong cơ thể để sinh ra protein kích thích cơ thể sinh ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2.
2. Vắc xin ảnh hưởng xấu tới việc mang thai sau này?
Rất nhiều người trẻ chưa mang thai lo sợ việc tiêm vắc xin sẽ ảnh hưởng tới việc có con trong tương lai nhưng thạc sĩ Thái cho biết đến nay chưa có nghiên cứu nào nói vắc xin Covid-19 ảnh hưởng tới việc mang thai của người tiêm. Vì vậy, những người chưa sinh con, sắp sinh con hoàn toàn có thể tiêm bình thường.
3. Vắc xin phòng Covid-19 gây biến đổi gen?
Thạc sĩ Thái khẳng định hiện nay chưa có vắc xin nào gây biến đổi gen.
4. Tiêm vắc xin là bắt buộc?
Tiêm vắc xin không phải là bắt buộc, nó là giải pháp tự nguyện, tự giác. Người dân được nghe giải thích về việc tiêm vắc xin và tự quyết định mình có tiêm không. Tiêm không bắt buộc nhưng thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, góp phần phòng chống dịch bệnh.
5. Sau tiêm vắc xin xét nghiệm có sai lệch không?
Khi tiêm xong vắc xin Covid-19, việc xét nghiệm có âm tính hay dương tính sau tiêm đều không liên quan tới vắc xin.
6. Sau khi tiêm vắc xin Covid-19 dễ mắc Covid-19 hơn?
Quan niệm này xuất phát từ tin đồn có một giáo sư ở Ấn Độ đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn nhiễm Covid-19 và tử vong nên nhiều người né tránh vắc xin.
BS Thái cho biết tiêm vắc xin đạt khả năng bảo vệ là 90% và 10% còn lại là lỗ hổng của bất cứ vắc xin nào. Đến nay chưa có vắc xin nào đạt hiệu quả 100 % sau tiêm. Vì vậy, dù bạn đã tiêm vắc xin Covid-19 vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh cơ bản.
7. Vắc xin Covid-19 'đốt cháy giai đoạn' nên có nhiều tác dụng phụ?
Đến nay, thạc sĩ Thái cho biết ông theo dõi quá trình tiêm vắc xin ở Việt Nam thì các tác dụng phụ không cao, tác dụng phụ nguy hiểm sau tiêm chưa có gì nhiều.
8. Tiêm vắc xin đắt đỏ?
Thực tế hiện nay chưa có trường hợp nào tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam phải trả tiền. Phí trả để tiêm vắc xin vẫn là phí từ các tổ chức, quỹ khác nhau.
Ngoài 8 quan niệm sai lầm trên, thạc sĩ Thái khuyến cáo những ai đã tiêm vắc xin cần nhớ rằng vắc xin chưa tạo miễn dịch ngay sau khi tiêm, các biện pháp bảo vệ khác như 5K vẫn cần phải thực hiện nghiêm ngặt.
Theo soha.vn
Nguồn bài viết: https://soha.vn/bac-si-benh-vien-bach-mai-giai-ma-8-quan-diem-sai-lam-ve-vac-xin-covid-19-20210610223410057.htm
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bac-si-benh-vien-bach-mai-giai-ma-8-quan-diem-sai-lam-ve-vac-xin-covid-19-a252087.html