Tổng Thanh tra Chính phủ nói về hạn chế của việc thu hồi tài sản tham nhũng

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong thu hồi tài sản tham nhũng là do số tiền phải thu hồi rất lớn, nhưng người phải thi hành án lại không có tài sản, hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp.

Gửi đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 11, cử tri nhiều tỉnh, thành quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án.

Giải đáp vấn đề cử tri quan tâm, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định, công tác thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng ngày càng được thực hiện triệt để và hiệu quả hơn, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước.

Các vụ án tham nhũng được xét xử nghiêm minh, trong đó có bị cáo từng là cán bộ cao cấp. Qua đó khắng định quyết tâm của Đảng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai” trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nguyên nhân chủ yếu do số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án lại không có tài sản, hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu…

Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, ông Phong cho biết, các cơ quan chức năng sẽ chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam. Cùng với đó sẽ xử lý dứt điểm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng, kéo dài.

Bên cạnh đó, để việc thu hồi tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án đạt hiệu quả, tránh tình trạng tẩu tán tài sản, các cấp, các ngành cần phối họp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt…

Theo ông Phong, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để làm cơ sở cho việc xây dựng Nghị định (dự kiến tháng 12/2021 sẽ trình Chính phủ).

"Đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo tienphong.vn

Nguồn bài viết: https://tienphong.vn/tong-thanh-tra-chinh-phu-noi-ve-han-che-cua-viec-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-post1344553.tpo

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tong-thanh-tra-chinh-phu-noi-ve-han-che-cua-viec-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-a251985.html