Phát biểu trên đài BBC ngày 6/6, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann đã bày tỏ không đồng ý với quan điểm cho rằng thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu của G7 chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ.
Trong ảnh (từ trái sang): Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni, Chủ tịch Eurogroup Paschal Donohoe, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Italy Daniele Franco, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Tổng thư ký Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) Mathias Cormann và Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 ở London, Anh, ngày 5/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng thỏa thuận bước ngoặt về cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất ngày 5/6 sẽ mang lại lợi ích một cách công bằng cho Mỹ.
Phát biểu trên đài BBC ngày 6/6, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann đã bày tỏ không đồng ý với quan điểm cho rằng thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu của G7 chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ.
Ông Cormann cho rằng sẽ có nhiều công ty đa quốc gia lớn của Mỹ phải trả nhiều thuế hơn ở các nước trên thế giới, nơi mà hiện nay họ có thể chưa phải đóng thuế cao như vậy. Theo ông, Amazon sẽ là một trong số các công ty phải tuân thủ luật thuế mới.
Trong khi đó, Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nên có phương thức tiếp cận thực tiễn khi áp đặt các mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và thể hiện tính bao trùm.
Phát biểu với báo giới ngày 7/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết Bắc Kinh tin rằng G20 sẽ giải quyết được những mối quan ngại của tất cả các bên.
Trung Quốc, nước thành viên của G20, nhưng không nằm trong G7, hiện đang áp mức thuế doanh nghiệp là 25%.
Trước đó, ngày 5/6, tại hội nghị ở London (Anh), các bộ trưởng tài chính G7 đã nhất trí ủng hộ một thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có cam kết mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%.
Tuyên bố cũng khẳng định G7 sẽ điều phối hợp lý giữa việc áp dụng các quy định thuế quốc tế mới với việc xóa bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự đối với tất cả các công ty.
Thỏa thuận lịch sử này có thể gây sức ép đối với các quốc gia khác, bao gồm cả các nước trong G20, nhóm dự kiến họp vào tháng tới tại Italy, thực hiện điều tương tự./.
Theo bnews.vn
Nguồn bài viết: https://bnews.vn/thoa-thuan-thue-doanh-nghiep-toan-cau-va-cau-chuyen-thien-vi-nuoc-my/198506.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thoa-thuan-thue-doanh-nghiep-toan-cau-va-cau-chuyen-thien-vi-nuoc-my-a251917.html