Xung quanh khiếu nại việc thi hành án phần dân sự trong vụ án Phan Văn Anh Vũ : Ý kiến từ phía luật sư ?

Xung quanh khiếu nại của một số bên liên quan đối với nhà đất, tài sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong vụ án Phan Văn Anh Vũ, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Công ty Luật TNHH MTV An Pha Na ( Đoàn Luật sư TP HCM) để làm rõ thêm một số căn cứ pháp lý của sự việc.

Vì sao bà Nguyễn Thị Thu Hiền khiếu nại việc thi hành án phần dân sự?

Được biết, tại Bản án số 158/2020/HS-PT ngày 12/05/2020 của TANDCC tại Hà Nội xác định ông Phan Văn Anh Vũ có trách nhiệm phải bồi thường hơn 3.100 tỷ đồng và duy trì Lệnh kê biên đối với 28 tài sản để bảo đảm thi hành án cho ông Phan Văn Anh Vũ. Trong khối 28 tài sản này, bao gồm các tài sản đứng tên của vợ chồng ông Vũ và các tài sản của 03 công ty khác. Sau đó, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng thực hiện thi hành theo bản án của TANDCC tại Hà Nội, do Cục THADS TP.Hà Nội ủy thác.

Tuy nhiên, ngày 27/4/2021, Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng cho biết đã ra Quyết định số 02 về việc thu hồi quyết định thi hành án dân sự liên quan đến các bất động sản, tài sản đảm bảo thi hành án trong vụ án Phan Văn Anh Vũ.

Theo Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng, do Cục Thi hành án dân sự Hà Nội thu hồi quyết định ủy thác nên Cục ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án.

Nhà đất tại 32 Lê Hồng Phong, phường Phước Ninh, quận Hải Châu

Được biết, trong quá trình thi hành án trên đã vấp phải các ý kiến phản đối của bà Nguyễn Thị Thu Hiền và các công ty có tài sản bị kê biên . Trong đơn, bà Hiền cho rằng, 28 tài sản này không phải một mình ông Vũ đứng tên mà là tài sản đồng sở hữu với bà Hiền. Trong đó, có 23 tài sản ông Vũ cùng bà Hiền đứng tên chung và 03 tài sản đứng tên công ty Cổ phần xây 79, một tài sản đứng tên Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, và một tài sản đứng tên công ty TNHH I.V.C.

Luật sư nói gì?

Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - Công ty Luật TNHH MTV An Pha Na ( Đoàn Luật sư TP HCM): Về quyền khiếu nại đối với các quyết định thi hành án, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên trong quá trình thi hành án, Điều 140 Luật thi hành án dân sự 2008 (SĐBS 2014) quy định: “Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Đối tượng khiếu nại gồm quyết định thi hành án và hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên trong quá trình giải quyết thi hành án.

Những nội dung mà đương sự, người phải thi hành án có thể khiếu nại bao gồm: Cơ quan đã ra quyết định thi hành án không có thẩm quyền ra quyết định thi hành án; Quyết định thi hành án trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án, đương sự; Việc tổ chức thi hành án, kê biên, xử lý tài sản vi phạm trình tự, thủ tục và nội dung giải quyết việc thi hành án trái pháp luật…

Từ những căn cứ nêu trên cho thấy, ông Phan Văn Anh Vũ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền và những người liên quan đều có thể khiếu nại đối với các quyết định thi hành án, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên thi hành án.

Việc ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án có thể xuất phát từ khiếu nại của đương sự hoặc cơ quan thi hành tự nhận thấy các quyết định thi hành án đã ban hành là trái pháp luật, cần phải thu hồi. Căn cứ thu hồi được quy định tại Điều 37 Luật thi hành án dân sự 2008, theo đó các trường hợp phải ra quyết định thu hồi bao gồm: a) Quyết định về thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền; b) Quyết định về thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc; c) Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn.

Về khiếu nại của bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng trong quá trình tổ chức thi hành án Chấp hành viên đã không thực hiện các thủ tục để phân chia tài sản chung với ông Phan Văn Anh Vũ, tài sản riêng của bà trong khối tài sản bị kê biên bảo đảm thi hành án, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật thi hành án dân sự khá rõ “Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”.

Do đó, để bảo đảm cho quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ việc, bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật, trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên và Cơ quan thi hành án phải tuyệt đối tuân thủ các quy định để bảo đảm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Vào tháng 5/2020, TANDCC tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án hai cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng đất công sản, gây thiệt hại 22.000 tỷ đồng.

Tòa án tuyên phạt ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) 17 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Cùng tội danh trên, Phan Văn Anh Vũ lĩnh án 25 năm tù. Tổng hợp các hình phạt trong 4 vụ án khác, hiện ông Vũ đang chấp hành hình phạt chung là 65 năm tù.

Nhóm PV

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xung-quanh-khieu-nai-viec-thi-hanh-an-phan-dan-su-trong-vu-an-phan-van-anh-vu-y-kien-tu-phia-luat-su-a251793.html