Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo các cơ quan tình báo Mỹ “tăng gấp đôi nỗ lực” điều tra nguồn gốc COVID-19 và báo cáo cho ông trong 90 ngày.
Sau gần 15 tháng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được xác định và còn đang là vấn đề gây tranh cãi.
Những ngày qua, chủ đề điều tra nguồn gốc COVID-19 lại nóng lên. Theo các nhà quan sát, có một số yếu tố dẫn đến diễn biến này.
Tính đến ngày 27-5, COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 169 triệu người trên toàn thế giới, trong đó hơn 3,5 triệu người đã chết. Nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch tính đến thời điểm này vẫn là Mỹ với gần 34 triệu người nhiễm, trong đó hơn 606.000 người chết. Số liệu của TQ không thay đổi nhiều so với hồi cao điểm dịch: Hơn 91.000 ca nhiễm, trong đó 4.636 người chết, xếp thứ 98 thế giới về mức nhiễm-chết.
Yếu tố Mỹ
Có thể thấy hàng loạt động thái gần đây liên quan đến chuyện nguồn gốc virus SARS-CoV-2 hầu hết đều xuất phát từ phía Mỹ.
Chuyện nguồn gốc COVID-19 nóng lại sau khi báo Wall Street Journal tiết lộ một báo cáo tình báo của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng có ba chuyên gia làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán bị bệnh và nhập viện với các triệu chứng giống nhiễm COVID-19 hồi tháng 11-2019, một tháng trước khi Trung Quốc (TQ) chính thức thông báo dịch với thế giới. Hai ngày sau xuất hiện thêm thông tin Ủy ban Tình báo của lưỡng viện Quốc hội Mỹ đang điều tra nguồn gốc COVID-19.
Trang web Nhà Trắng ngày 27-5 đưa thông báo của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hồi tháng 3, ông đã chỉ đạo cố vấn an ninh quốc gia phối hợp với cộng đồng tình báo báo cáo về phân tích cập nhật về nguồn gốc COVID-19, bao gồm khả năng virus lây lan do người tiếp xúc với động vật bị nhiễm hay do tai nạn rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Nhưng báo cáo ông nhận được đầu tháng này chưa thỏa đáng, vì thế ông đã chỉ đạo các cơ quan tình báo Mỹ “tăng gấp đôi nỗ lực” điều tra nguồn gốc COVID-19, thu thập và phân tích các thông tin có thể giúp đưa ra một kết luận dứt khoát và báo cáo cho ông trong 90 ngày.
Ông Biden tuyên bố Mỹ và các nước có băn khoăn về nguồn gốc COVID-19 tiếp tục làm áp lực để TQ tham gia vào cuộc điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch, dựa vào chứng cứ cũng như sẽ buộc TQ tạo điều kiện tiếp cận tất cả dữ liệu và chứng cứ liên quan.
Những ngày qua, nhiều cố vấn, trợ lý của ông Biden cũng thúc giục Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra lại. Ngày 26-5, Cố vấn về COVID-19 của Mỹ - ông Andy Slavitt nói điều tra nguồn gốc COVID-19 là ưu tiên hàng đầu và cần WHO hỗ trợ. Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Xavier Becerra thúc giục rằng WHO cần thiết phải có “một cuộc điều tra minh bạch, dựa trên khoa học” về nguồn gốc COVID-19.
Theo nhiều nhà quan sát, các diễn biến này có thể có liên quan đến việc chính quyền Tổng thống Biden gia nhập lại WHO sau khi chính phủ người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ ra khi dịch bùng phát mạnh năm ngoái.
Báo cáo WHO chưa giải mã bí ẩn nguồn gốc COVID-19
Yếu tố thứ hai, theo các nhà quan sát là vì cuộc điều tra WHO công bố hồi tháng 3 chưa thỏa đáng khi không đưa ra kết luận rõ ràng. Báo cáo điều tra có đề cập giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm nhưng cuối cùng lại hạ thấp viễn cảnh này là “cực kỳ không có khả năng”, thay vào đó nói rằng virus có khả năng lan truyền trực tiếp từ dơi sang người, hoặc từ một loài trung gian bị nhiễm từ dơi sau đó lan sang người.
“Báo cáo thiếu dữ liệu, thông tin lẫn sự tiếp cận quan trọng. Nó đưa ra một bức tranh cục bộ và chưa hoàn chỉnh” - người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói vào thời điểm WHO công bố báo cáo.
Theo ABC News, báo cáo nhận sự chỉ trích nặng từ nhiều nhà khoa học. Đầu tháng này, một nhóm nhà khoa học nổi tiếng đã cùng gửi một bức thư đến tập san Science Magazine (của Hiệp hội Mỹ vì sự phát triển của khoa học) nói về sự cần thiết phải tiếp tục điều tra vì các giả thuyết tai nạn rò rỉ lẫn lây qua động vật vẫn chưa được làm rõ.
Ngày 26-5, TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ, thành viên cấp cao đội chống dịch của Nhà Trắng, nói khẩn thiết phải điều tra thêm để biết chắc chắn nguồn gốc virus.
Càng nhiều thông tin “chứng cứ” về chuyện virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm thì giả thuyết virus được tạo ra một cách cố tình như một vũ khí sinh học càng mạnh thêm. Theo CNN, việc TQ thiếu chia sẻ thông tin cũng làm đậm thêm giả thuyết này.
Phần lớn nhà khoa học không thiên về giả thuyết này, tuy nhiên nói với CNN, TS Paul Offit - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Perelman thuộc ĐH Pennsylvania (Mỹ) cho rằng cần thiết phải làm rõ điều này.
Báo Washington Post ngày 25-5 cũng cho rằng chuyện điều tra nóng lên lại vì cuộc điều tra ban đầu của WHO không khẳng định được nguồn gốc tự nhiên của virus. Thêm nữa, dù đã công bố báo cáo nhưng các quan chức WHO vẫn kêu gọi nên có một cuộc điều tra thêm và kêu gọi sự cởi mở từ TQ.•
Báo Trung Quốc đòi phải điều tra phòng thí nghiệm Mỹ
Ngày 27-5, Đại sứ quán TQ tại Mỹ ra tuyên bố việc chính trị hóa chuyện nguồn gốc COVID-19 sẽ cản trở điều tra và ảnh hưởng các nỗ lực toàn cầu kiềm chế đại dịch, theo hãng tin Reuters.
Viện Virus học Vũ Hán cực lực bác bỏ thông tin ba chuyên gia của mình bị bệnh hồi tháng 11-2019 với triệu chứng giống nhiễm COVID-19, theo CNN. Cơ quan này cáo buộc đây là thông tin dối trá nhằm làm mạnh thêm giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Một số nhà khoa học tại viện này từng nói viện không hề biết tới và tiếp xúc với COVID-19 cho tới ngày 30-12-2019.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu yêu cầu điều tra một phòng thí nghiệm sinh học Mỹ ở Fort Detrick, bang Maryland “nếu họ coi khả năng “virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm” là một trong những hướng điều tra đúng“.
Theo tờ này, “kể từ năm 2019, phòng thí nghiệm sinh học ở Fort Detrick đã có nhiều dấu hiệu đáng được để ý đến và nên được đưa vào nhóm mục tiêu được điều tra đầu tiên. Ngoài ra, Mỹ cũng đã xây dựng một số lượng đáng kinh ngạc cơ sở nghiên cứu sinh học ở châu Á, việc điều tra những cơ sở này là việc cần làm cấp bách trong quá trình truy nguồn gốc COVID-19”.
Theo hãng tin Sputnik, Fort Detrick từng là trung tâm phụ trách chương trình vũ khí sinh học của Mỹ, nghiên cứu một số căn bệnh nguy hiểm nhất trên thế giới, bao gồm bệnh đậu mùa, sốt xuất huyết và bệnh liên quan đến virus như Ebola.
Fort Detrick đã bị đóng cửa nhiều lần, bao gồm vụ việc năm 2009, khi cơ sở này bị phát hiện đang lưu trữ nhiều loại vi khuẩn, virus và độc tố nguy hiểm không có trong danh sách kê khai. Năm 2019, CDC Mỹ lệnh đóng cửa trung tâm này sau khi phát hiện các biện pháp xử lý chất thải của phòng thí nghiệm không bảo đảm an toàn.
Theo plo.vn
Nguồn bài viết: https://plo.vn/quoc-te/ly-do-nong-lai-chuyen-dieu-tra-nguon-goc-covid19-988362.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ly-do-nong-lai-chuyen-dieu-tra-nguon-goc-covid-19-a251519.html