Nhắc lại hai vụ tranh chấp nhãn hiệu lớn: Bài học đắt giá nào cho các doanh nghiệp Việt?

Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ tranh chấp nhãn hiệu diễn ra trên thị trường Hoa Kỳ như tranh chấp nhãn hiệu Catfish, Trung Nguyên, Petro VietNam, Vifon, Vinataba … Sau đây, Pháp luật và Bản quyền nhắc lại hai vụ tranh chấp nhãn hiệu lớn (Cá da trơn Catfish; Cà phê Trung Nguyên) và chỉ ra những bài học đắt giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ tranh chấp nhãn hiệu diễn ra trên thị trường Hoa Kỳ như tranh chấp nhãn hiệu Catfish, Trung Nguyên, Petro VietNam, Vifon, Vinataba … Sau đây, Pháp luật và Bản quyền nhắc lại hai vụ tranh chấp nhãn hiệu lớn (Cá da trơn Catfish; Cà phê Trung Nguyên) và chỉ ra những bài học đắt giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

11-1624368600.jpg
 

Cuộc chiến nhãn hiệu cá da trơn Catfish

Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá basa, cá tra (là hai loại cá da trơn) sang Mỹ từ năm 1997 và dần dần thâm nhập và tạo được chỗ đứng trên thị trường nhờ chất lượng tốt, giá rẻ hơn cá da trơn nội địa của Mỹ. Trong hai năm 1999-2000, lượng cá tra, cá basa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng khá nhanh (chiếm từ 2% đến 3% tổng sản lượng cá da trơn tiêu thụ ở thị trường này). Đó là lý do làm cho các nhà nuôi cá nheo Mỹ lo ngại.

Một trong các luận điểm mà các chủ trại cá nheo Mỹ đưa ra là, sản phẩm cá da trơn Việt Nam do cũng được gọi là Catfish nên đã tạo sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng Mỹ và vô hình chung đã được lợi theo uy tín của cá nheo Mỹ.

31-1-1624369388.jpg
Cá Catfish - Ảnh Wikipedia

Với những lập luận đưa ra, đầu tháng 2/2001, họ bắt đầu một chiến dịch quảng cáo kéo dài 9 tháng, tiêu tốn 5,2 triệu USD do Viện cá nheo Mỹ (TCI) phát động và được Hiệp hội các chủ trại cá nheo Mỹ (CFA) tài trợ để chống lại việc nhập khẩu cá tra và cá basa Việt Nam.

Về phía mình, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc quyết định số 178/1999/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định của Bộ thuỷ sản, Bộ Thương mại về việc ghi nhãn mác hàng hoá. Trên tất cả các bao bì của sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu đều ghi rõ dòng chữ “Product of Vietnam” (Sản phẩm của Việt Nam) hay “Made in Vietnam” (Sản xuất tại Việt Nam) và thực hiện việc ghi đầy đủ cả tên khoa học lẫn tên thương mại theo đúng quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Mỹ là Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đối với các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Việt Nam hoàn toàn có thể khiếu nại lên toà án có thẩm quyền của Mỹ, Uỷ ban thương mại Mỹ (ITC) hoặc Đại diện thương mại Mỹ (USTR) để đòi lại những quyền lợi mình được hưởng. Căn cứ vào điều 2.6B Chương 1, Thương mại hàng hoá tại Hiệp định thơng mại Việt - Mỹ, theo đó “các bên đảm bảo không ban hành hoặc áp dụng những quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm tạo ra sự trở ngại đối với thương mại quốc tế hoặc bảo vệ sản xuất trong nước”.

23-1624369422.jpg
 

Tuy nhiên, một điểm khá thú vị trong vụ việc này là những tranh cãi đã làm cho cá basa của Việt Nam trở nên nổi tiếng. Nhờ đó, ngày càng có nhiều người Mỹ biết đến cá basa Việt Nam và tiêu dùng loại cá này. Từ tháng 9/2001, Việt Nam không còn dùng nhãn hiệu Catfish cho cá da trơn khi bán vào thị trường Mỹ, mà dùng tên gọi cá basa và cá tra. Câu lạc bộ doanh nghiệp cá tra và cá basa đã chính thức nhờ White & Case (một công ty có tiếng của Mỹ), xúc tiến thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cá tra và cá basa ở thị trường này.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng hành động của phía Mỹ thời gian đó rất vô lý, mang tính bảo hộ mậu dịch không công bằng, trái với luận cứ khoa học cũng như trái với thông lệ quốc tế và chính sách tự do thương mại mà chính Mỹ đang theo đuổi. Song, câu hỏi đặt ra là: Liệu cuộc chiến nhãn mác này có xảy ra không, nếu cá basa Việt Nam đã xây dựng và đăng ký bảo hộ một nhãn hiệu cho mình và tìm cách chiếm lĩnh thị trường bằng nhãn hiệu đó?

Vụ tranh chấp nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên

Được thành lập năm 1996, cà phê Trung Nguyên lúc khởi đầu cũng chỉ ở quy mô nhỏ. Tuy vậy, với quán cà phê trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 1987, cà phê đã gây ấn tượng mạnh với cư dân đô thị vốn nghiên cà phê này.

Với chín loại cà phê do Trung Nguyên sản xuất và được pha chế theo cách riêng, đã nhanh chóng giúp doanh nghiệp mở rộng hệ thống đại lý lên gần 400 quán cà phê trong nước, theo hình thức nhượng quyền thương mại. Hình thức nhượng quyền này cũng được phát triển ra nước ngoài. Cà phê Trung Nguyên đã xuất hiện tại Singapore, Nhật, Hồng Kông, Trung Quốc, Australia …

Tuy nhiên, do không quan tâm đầy đủ đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu Trung Nguyên đã phải gánh chịu hậu quả khá nặng nề trong việc mở rộng kinh doanh tại Mỹ.

Tháng 7/2000, Trung Nguyên và Rice Field Corp (ở tiểu bang California) tiếp xúc với nhau lần đầu tiên và hai bên đàm phán việc nhập khẩu cà phê Trung Nguyên vào Mỹ. Tháng 1/2001, hợp đồng đầu tiên được ký kết và cà phê Trung Nguyên xuất hiện ở quốc gia này. Đầu năm 2002, thêm một hợp đồng nữa được ký, cà phê Trung Nguyên tiếp tục đi Mỹ.

Đến lúc này, Trung Nguyên mới nghĩ đến chuyện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, nhưng thật bất ngờ, từ 11/2000 (tức chỉ sau 3 tháng kể từ lần tiếp xúc đầu tiên giữa bên), Rice Field Corp đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ với cơ quan chức năng của Mỹ đối với những nhãn hiệu: “Trung Nguyên - Cà phê hàng đầu Buôn Ma Thuột" và nhãn hiệu “Trung Nguyên” (bằng Tiếng Việt).

Tháng 8/2001, Trung Nguyên lập tức khẩn trương nộp hồ sơ đăng ký với nhãn hiệu “Trung Nguyên - nguồn cảm hứng sáng tạo mới" (bằng Tiếng Anh) và yêu cầu tuyên bố Vô hiệu đối với hồ sơ của Rice Field Corp …

Công ty cà phê Trung Nguyên đã nhờ các luật sư tiến hành nộp đơn khiếu nại và đưa ra những bằng chứng quan trọng nhất, chứng minh sở hữu nhãn hiệu hàng hoá của mình là chính đáng. Trong số các bằng chứng quan trọng nhất là Giấy phép kinh doanh của công ty được cấp vào năm 1996, các nhãn hiệu của Trung Nguyên và biển hiệu đã được sử dụng tại Việt Nam, danh sách gần 400 quán cà phê tồn tại và hoạt động theo nhượng quyền thương mại của Trung Nguyên và các thị trường nước ngoài của Công ty này. Ngoài ra còn có bằng chứng về doanh thu ròng hàng năm từ việc bán các sản phẩm và những quyển kinh doanh của công ty này từ năm 1997 đến 2001.

Thiệt hại ước tính của Trung Nguyên trong vụ việc này lên đến gần 1 triệu USD, bao gồm các khoản phí thuê luật sư và thiệt hại do chiến lược kinh doanh mở rộng tại thị trờng Mỹ bị chậm lại (theo hợp đồng được soạn thảo cuối năm 2001, công ty cà phê Trung Nguyên sẽ là công ty đầu tiên của Việt Nam nhượng quyền thương mại sang Mỹ với giá khoảng 100.000 USD/ bang/ đối tác trong vòng 3 năm).

Đây là bài học đắt giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn mở rộng thị trường tại Hoa Kỳ.

Vậy nguyên nhân do đâu? Doanh nghiệp Việt bị mất nhãn hiệu trên thị trường Hoa Kỳ.

Có thể kể đến những nguyên nhân chính sau:

Nhận thức của doanh nghiệp về đăng ký nhãn hiệu còn hạn chế

Doanh nghiệp Việt Nam đang tiến theo đúng quy luật của các nước trên thế giới để đạt dần đến mức độ ổn định chung về chất lượng. Vấn để cạnh tranh về chất lượng vì thế không còn là ưu tiên số một, mà là cạnh tranh về nhãn hiệu, về giá cả, về dịch vụ hậu mãi và phân phối sản phẩm.

Song, các doanh nghiệp Việt Nam dường như còn xa lạ với việc xây dựng, khuếch trương một nhãn hiệu của riêng mình. Từ đó, dẫn đến việc các doanh nghiệp không có ý thức bảo vệ nhãn hiệu, mặc dù đó là thành quả mà doanh nghiệp không dễ dàng tạo dựng được. Hậu quả là hàng loạt các tên tuổi hàng hoá có tiếng của nước ta đã bị “nẫng tay trên”.

Từ nhận thức trên dẫn đến việc chiến lược bảo hộ nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa được chú ý đúng mức. Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam thường chờ cho đến khi có thị trường xuất khẩu rồi mới đăng ký nhãn hiệu. Đối với công ty nước ngoài thì quy trình này diễn ra theo chiều ngược lại, ít nhất là sáu tháng đến một năm trước khi đưa hàng hoá vào thị trường Việt Nam hay bất kỳ một thị trường nào, họ đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu.

Nhiều hãng nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam hàng trăm đơn, như hãng Unilever (Anh & Hà Lan) có tới 696 nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ. Nếu vào trang chủ của Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) chúng ta sẽ thấy số hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá mà người đăng ký có địa chỉ tại Việt Nam so với trên nhãn hiệu mà USPTO đang quản lý thì con số này thật nhỏ bé. Trong khi đó, Trung Quốc , Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác cùng sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ các mặt hàng tương tự Việt Nam đã đăng ký khá nhiều các đối tượng sở hữu công nghiệp tại Mỹ.

Liên quan đến vấn đề đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay, chỉ có một số ít các doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel, Viglacera… có bộ phận đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế, còn lại đa phần chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, số đông trong đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi, đối với các doanh nghiệp đa quốc gia trên thế giới, họ đều chú trọng đầu tư cho vấn đề quản trị nhãn hiệu, đăng kí bảo hộ độc quyền tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng, họ đang “đau đầu” khi phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đăng ký nhãn hiệu ở một số thị trường mục tiêu. Vì tại thời điểm này, đăng ký chỉ để giữ chỗ, nhưng nếu không đăng ký thì sẽ có nguy cơ mất nhãn hiệu.

Với một số doanh nghiệp Nhà nước, các Giám đốc còn ngần ngại hơn, vì đầu tư cho nhãn hiệu là một khoản đầu tư khá lớn nhưng sau thời gian dài mới nhìn thấy lợi ích cụ thể.

Luật sư Hoàng Mạnh Hùng – Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng nhận xét: “Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam cứ xuất khẩu chán chê rồi mới đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ làm một cách sơ sài rồi không theo đuổi đến cùng. Hậu quả là xảy ra các tranh chấp về nhãn hiệu hàng hoá thì mất bò mới lo làm chuồng”.

Vì vậy, Luật sư Hùng cũng đưa ra lời khuyên: “Tốt nhất là các doanh nghiệp nên đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trước khi xuất hàng vào thị trường Mỹ. Như vậy, các doanh nghiệp Việt nam mới có thể giữ gìn, phát triển uy tín, thị phần của nhãn hiệu, cũng như sẵn sàng đối phó với các tranh chấp và vi phạm nhãn hiệu của mình tại thị trường đầy rủi ro này”.

Hiểu biết hạn chế về luật bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá của Hoa Kỳ

Có thể nhận thấy rằng, chỉ sau khi hàng chục nhãn hiệu hàng hoá bị mất tại các thị trường lớn, các doanh nghiệp Việt Nam mới quan tâm tìm hiểu đến luật pháp quốc tế có liên quan. Dường như chỉ lúc này, các Công ty tư vấn luật sở hữu trí tuệ mới thực sự cảm nhận được vai trò của mình.

Rõ ràng con đường vào Mỹ của hàng Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam trên bình diện sở hữu công nghiệp thật cam go. Các cơ quan chức năng Nhà nước cũng như các doanh nghiệp hẳn đã tiếp thu được những bài học cần thiết để đi tới loại bỏ những rào cản trong tiến trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, nhất là ở thị trường nước ngoài, hiểu biết được pháp luật của nước sở tại để có thể tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá ở các thị trường đó, đồng thời áp dụng nguyên tắc chiến lược “nhãn hiệu đi trước hàng hóa” nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp và dần dần xây dựng được uy tín cho nhãn hiệu Việt, đó chính là điều mà chúng ta chờ đợi, mong mỏi ở các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp có làm được điều đó không, nhất là tại thị trường Mỹ, nơi mà nhiều cơ hội đang mở ra cùng với những thuận lợi mà Hiệp định thương mại Việt-Mỹ đem lại? Câu trả lời nằm ở nỗ lực bản thân từng doanh nghiệp và cao hơn nữa là sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc. Mặc dù, còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua, nhưng chúng ta đều hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể giải quyết có hiệu quả tình trạng mất nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để phát triển phát triển nhãn hiệu Việt không chỉ ở thị trờng Hoa Kỳ mà còn ở những thị trường tiềm năng khác nữa.

Theo phapluatbanquyen.phaply.vn

Nguồn bài viết: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/nhac-lai-hai-vu-tranh-chap-nhan-hieu-lon-bai-hoc-dat-gia-nao-cho-cac-doanh-nghiep-viet-bv215/

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhac-lai-hai-vu-tranh-chap-nhan-hieu-lon-bai-hoc-dat-gia-nao-cho-cac-doanh-nghiep-viet-a251455.html