Từ chuyện từ thiện của Hoài Linh: Cần bịt lỗ hổng pháp lý

“Nếu là tiền để trong ngân hàng, khi Hoài Linh chuyển tiền từ thiện cho đồng bào miền Trung cũng sẽ phải chuyển cả số tiền lãi phát sinh”, luật sư Vinh nói.

Dư luận đang quan tâm xung quanh câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh và hơn 14 tỷ đồng được người hâm mộ ủng hộ cho hoạt động cứu trợ, hỗ trợ đồng bào miền Trung vào đợt lũ lụt tháng 11/2020, thế nhưng sau 6 tháng, nghệ sĩ Hoài Linh vẫn chưa thể chuyển số tiền mà mình đã kêu gọi quyên góp đến đồng bào miền Trung.

Qua câu chuyện trên, một lần nữa dư luận băn khoăn, đặt vấn đề về đồng tiền từ thiện cần phải có những quy định chặt chẽ hơn, phải đảm bảo tính minh bạch, đúng ý nghĩa.

Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, theo quy định, sự ủng hộ, quyên góp từ thiện là qua chính quyền, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, hội Chữ thập đỏ… Luật pháp chưa có quy định cho phép các cá nhân đứng ra quyên góp làm từ thiện, nhưng cũng chưa có quy định cấm, bởi vì đây là giao kết dân sự. Vấn đề này đang bị “trống” quy định”.

Nghệ sĩ Hoài Linh.

Vị luật sư phân tích: “Sau khi câu chuyện ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi người dân quyên góp tiền ủng hộ đồng bào miền Trung đã nhận được sự đồng tình của dư luận và rất nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi các quy định của pháp luật trong vấn đề này để phù hợp với thực tế. Bởi vì, đây là các cá nhân được người khác ủy quyền dân sự để giúp đỡ mọi người trong lúc gặp khó khăn, bão lụt.

Ngoài Thủy Tiên cũng có nhiều nghệ sĩ khác, cá nhân khác đứng ra kêu gọi quyên góp tiền để ủy hộ người dân gặp khó khăn, hoạn nạn.

Bên cạnh những người có uy tín thì cũng có một số người lợi dụng lòng tốt của người dân, đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ các trường hợp thương tâm ở bệnh viện, xong rồi chiếm đoạt số tiền đó. Những trường hợp như thế đã bị cơ quan công an phát hiện và xử lý.

Như vậy, câu chuyện cá nhân kêu gọi làm từ thiện có 2 trường hợp xảy ra. Thứ nhất, nếu các cá nhân kêu gọi quyên góp từ thiện mà làm đúng, làm tốt và đầy đủ thì nên khuyến khích. Trường hợp thứ hai là lợi dụng việc quyên góp từ thiện để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Muốn xử lý được những trường hợp này thì phải có người tố cáo”.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh.

Quay trở lại câu chuyện của nghệ sĩ Hoài Linh, luật sư Nghiêm Quang Vinh cho rằng: “Hoài Linh nên sớm có kế hoạch cụ thể để thực hiện việc chuyển tiền ủng hộ tới đồng bào miền Trung. Việc chậm trễ là không nên và đặc biệt là phải công khai, minh bạch. Theo đạo lý, đáng lẽ ra Hoài Linh nên công khai việc này sớm hơn, tránh việc dẫn đến lùm xùm, ảnh hưởng đến uy tín của mình.

Một vấn đề nữa cũng cần làm rõ, đó là người dân chuyển cho Hoài Linh bằng tiền mặt hay là qua tài khoản ngân hàng. Nếu là tiền để trong tài khoản ngân hàng thì sẽ có một khoản lãi nhất định. Trong trường hợp này, khi Hoài Linh chuyển tiền từ thiện cho đồng bào miền Trung cũng sẽ phải chuyển cả số tiền lãi phát sinh, còn nếu không chuyển số tiền lãi đó, dù ít dù nhiều thì cũng sẽ bị coi là hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Hình ảnh của ca sĩ Thủy Tiên gây xúc động cho cộng đồng mạng khi đi vào vùng lũ làm từ thiện.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh nhấn mạnh: “Hiện nay chưa có quy định của pháp luật hướng dẫn cụ thể những hoạt động từ thiện kiểu như thế này. Do đó, cần sớm có quy định cụ thể, có cho phép cá nhân đứng ra quyên góp làm từ thiện hay không? Nếu cho phép thì cần phải quy định rõ ràng, kể cả quy định việc giám sát làm từ thiện, để đảm bảo khách quan, minh bạch”.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/tu-chuyen-tu-thien-cua-hoai-linh-can-bit-lo-hong-phap-ly-a515553.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-chuyen-tu-thien-cua-hoai-linh-can-bit-lo-hong-phap-ly-a251375.html