Thông tư 31 của Bộ Tài chính qui định về quản lý rủi ro trong quản lý thuế có gì đáng lưu ý ?

(Pháp lý) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế nhằm áp dụng quản lý rủi ro phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, thông lệ quốc tế, cũng như để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tạo ra công bằng giữa những người nộp thuế;…

Cụ thể, Thông tư qui định rõ việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế; trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp về quản lý rủi ro trong quản lý thuế ; tỷ lệ lựa chọn thanh tra, kiểm tra thuế ngẫu nhiên hàng năm…

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 31 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Ảnh: Tổng cục Thuế

Quản lý rủi ro để tạo ra công bằng giữa những người nộp thuế

Tổng cục Thuế khẳng định, việc áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế. Đồng thời, phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Cụ thể, thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài cơ quan thuế bao gồm cả thông tin từ nước ngoài theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác để phục vụ cho mục đích quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư này trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân đoạn người nộp thuế, các tiêu chí quy định tại Thông tư này và cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Công chức thuế được miễn trừ trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật trong trường hợp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này và các quy định, hướng dẫn về quản lý rủi ro.

Theo Tổng cục Thuế, kết quả áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tương ứng với các mức xếp hạng rủi ro phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế hoặc ứng dụng quản lý rủi ro đối với từng trường hợp cụ thể, phục vụ hoàn thiện và thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế trong kỳ tiếp theo.

Tổng cục Thuế khẳng định, việc áp dụng quản lý rủi ro góp phần đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế

Theo Tổng cục Thuế, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư này trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân loại người nộp thuế, các tiêu chí quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính và cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, thông tin có trên các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế, thông tin dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro khác được cung cấp tại thời điểm ra quyết định, cơ quan thuế thực hiện quyết định kiểm tra, thanh tra, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp; xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế dựa trên kết quả phân tích bản chất hành vi, nguyên nhân và quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro.

Trường hợp ứng dụng quản lý rủi ro gặp sự cố hoặc chưa đáp ứng yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro theo nội dung quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC, việc áp dụng quản lý rủi ro được thực hiện thủ công bằng phê duyệt văn bản đề xuất hoặc văn bản ký phát hành của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, trường hợp có thay đổi thông tin dẫn đến thay đổi kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, ứng dụng quản lý rủi ro chưa tự động điều chỉnh mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro, việc cập nhật thay đổi kết quả đánh giá được thực hiện thủ công bởi công chức, sau khi có phê duyệt của người có thẩm quyền.

Theo Tổng cục Thuế, kết quả áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tương ứng với các mức xếp hạng rủi ro phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế hoặc ứng dụng quản lý rủi ro đối với từng trường hợp cụ thể, phục vụ hoàn thiện và thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế trong kỳ tiếp theo.

Cụ thể, người nộp thuế là doanh nghiệp được phân loại mức độ rủi ro theo 5 thứ hạng sau: hạng 1 là người nộp thuế rủi ro rất thấp; hạng 2 là người nộp thuế rủi ro thấp; hạng 3 là người nộp thuế rủi ro trung bình; hạng 4 là người nộp thuế rủi ro cao và hạng 5 là người nộp thuế rủi ro rất cao.

Trong đó, mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp được phân loại dựa trên kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế theo các mức: mức 1: Tuân thủ cao; mức 2: Tuân thủ trung bình; mức 3: Tuân thủ thấp; mức 4: Không tuân thủ.

Đồng thời, mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp còn được phân loại dựa trên 97 tiêu chí được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 31/2021/TT-BTC như: Chi phí doanh nghiệp; lợi nhuận doanh nghiệp; khả năng thanh toán của doanh nghiệp…

Trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp về quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Theo Tổng cục Thuế, việc áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt trong các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế từ đăng ký thuế; khai thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ và các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế khác.

Đồng thời, Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp thực hiện các quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc đưa cơ chế áp dụng quản lý rủi ro vào quản lý thuế một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp trong công tác áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại Thông tư này.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có trách nhiệm ban hành các chỉ số tiêu chí quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Thông tư này để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ; định kỳ hàng năm có thể thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung chỉ số tiêu chí đảm bảo tính cập nhật, phù hợp thực tế. Đồng thời, ban hành các quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp, công chức thuế và biện pháp thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro; điểm số, trọng số và biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong quản lý thuế; các quy trình, quy chế, quy định, hướng dẫn việc thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Đơn vị quản lý rủi ro là đơn vị đầu mối, chủ trì có trách nhiệm quản lý, vận hành ứng dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro theo phân cấp; Tổ chức thực hiện và hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra việc thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro, các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro và việc áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế; quản lý bộ chỉ số tiêu chí do Tổng cục trưởng ban hành trên hệ thống thông tin quản lý rủi ro và các hệ thống thông tin liên quan; theo dõi, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các chỉ số tiêu chí đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ.

Các chi cục Thuế, chi cục Thuế khu vực, cục Thuế, các cục, vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, công chức thuế có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung quy định về thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro tại Thông tư này và các văn bản quy định khác có liên quan.

Theo Tổng cục Thuế, việc áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt trong các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế từ đăng ký thuế; khai thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ và các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế khác.

Tỷ lệ lựa chọn thanh tra, kiểm tra thuế ngẫu nhiên không quá 10% kế hoạch hàng năm

Cụ thể, tại Điều 19, Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định rõ, cơ quan thuế lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế phải đảm bảo các tiêu chí sau: trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế không dưới 90% số lượng trường hợp được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm; trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên không quá 10% số lượng trường hợp được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm.

Việc lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch thanh, tra kiểm tại trụ sở của người nộp thuế căn cứ danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro về hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế lựa chọn các trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế như sau:

- Lựa chọn trường hợp thanh tra: Lựa chọn người nộp thuế dự kiến đưa vào kế hoạch thanh tra năm tại trụ sở của người nộp thuế theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống.

- Lựa chọn trường hợp kiểm tra: Lựa chọn người nộp thuế dự kiến đưa vào kế hoạch kiểm tra năm tại trụ sở của người nộp thuế theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống và không trùng lặp với người nộp thuế đã được lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh tra năm tại trụ sở của người nộp thuế theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống.

Việc áp dụng quản lý rủi ro trong lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế phải tránh trùng lặp, chồng chéo theo quy định tại Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Đối với trường hợp cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế có thông tin tin cậy làm giảm mức độ rủi ro của người nộp thuế tới mức thấp hoặc có cơ sở cho rằng mức độ rủi ro của người nộp thuế là thấp chưa đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm thì cơ quan thuế quyết định không lựa chọn người nộp thuế đó vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra và lựa chọn người nộp thuế khác theo quy định để đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm.

Trường hợp trong công tác quản lý thuế, có thông tin được thu thập và xác minh được người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao thì cơ quan thuế lựa chọn bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm. Cơ quan thuế chịu trách nhiệm về các quyết định thay đổi của mình.

Việc xây dựng và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế; danh sách bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế tại Điều 19 được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Cơ quan thuế căn cứ kết quả phân tích rủi ro bằng ứng dụng công nghệ thông tin hoặc rủi ro từ phân tích nghiệp vụ, thông tin từ thực tế công tác quản lý thuế để xác định nội dung, phạm vi thanh tra, kiểm tra thuế.

Thông tư số 31/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/07/2021 đồng thời thay thế Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Hà Trang ( T/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thong-tu-31-cua-bo-tai-chinh-qui-dinh-ve-quan-ly-rui-ro-trong-quan-ly-thue-co-gi-dang-luu-y-a251104.html