Cần xử lý nghiêm minh những đối tượng tiếp tay nhập cảnh chuyên gia “ dỏm”

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc ngăn chặn và triệt phá nhiều vụ nhập cảnh trái phép. Song đáng quan ngại hiện nay là tội phạm dùng thủ đoạn tinh vi núp bóng Công ty, doanh nghiệp, tiếp tay nhập cảnh chuyên gia “ dỏm” . Cần phải xử lý nghiêm minh những đối tượng này.

Đà Nẵng bắt giám đốc tiếp tay nhập cảnh trái phép chuyên gia ‘dỏm’

Theo tuoitre.vn thông tin, ngày 12-5 cơ quan An ninh Điều tra, Công an TP Đà Nẵng đã bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Trần Anh Tuấn (34 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Người này lấy danh nghĩa là công ty muốn đưa chuyên gia vào làm việc nhưng thực chất là để tổ chức nhập cảnh trái phép.

Công an đọc lệnh bắt tạm giam nghi phạm Nguyễn Trần Anh Tuấn (thứ 2 từ phải).

Trước đó, cuối tháng 4-2021, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Công an quận Ngũ Hành Sơn kiểm tra hành chính một số căn hộ nằm trên đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn) phát hiện 14 người mang quốc tịch Hàn Quốc hoạt động không đúng mục đích thị thực tại Việt Nam.

Qua điều tra, công an xác định đầu tháng 2-2021, những công dân Hàn Quốc này có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam. Họ đã thông qua các trang quảng cáo trên trang mạng xã hội như Naver, Kakao talk, Telegram của Hàn Quốc, liên hệ với một người Hàn Quốc là Giám đốc Công ty ở Việt Nam để làm thị thực nhập cảnh Việt Nam. Khách muốn nhập cảnh chỉ cần gửi hình ảnh hộ chiếu, hồ sơ còn lại do công ty lo các thủ tục nhập cảnh với giá khoảng 2.500 USD.

Tiếp đó, người Hàn Quốc này đã liên hệ với bạn mình là ông Tuấn- chủ sở hữu của ba công ty (công ty TNHH MTV Thương mại và Tổng hợp J. D.K; DK GLOBAL và Công ty TNHH GUPPO) đứng ra bảo lãnh cho các công dân Hàn Quốc vào Việt Nam dạng 'chuyên gia' nhập cảnh để làm việc cho các công ty của ông Tuấn.

Mặc dù biết rõ các công dân Hàn Quốc mà mình bảo lãnh không phải chuyên gia và các công ty của mình cũng không cần chuyên gia nhưng Tuấn vẫn đồng ý bảo lãnh.

Ông Tuấn đã giả chữ ký của bà Gan Gwang Eun- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Main và mượn con dấu của công ty này đóng vào hồ sơ bảo lãnh cho ba người Hàn Quốc. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam thành công, 12 người Hàn Quốc đã chuyển cho ông Tuấn tổng số tiền 2.400 USD.

Cơ quan An ninh điều tra cũng yêu cầu các công ty có liên quan đến việc bảo lãnh những người Hàn Quốc này liên hệ để cung cấp thông tin phục vụ quá trình điều tra.

Trước đó, trả lời PLO, thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết qua nắm tình hình, công an phát hiện đường dây có dấu hiệu lợi dụng việc nhập cảnh của chuyên gia và chính sách giải cứu nhân đạo của Chính phủ để tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép nhằm trục lợi bất chính.

“Những người này lấy danh nghĩa doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh để mời chuyên gia nước ngoài có trình độ, tay nghề cao nhập cảnh vào Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, sau khi cách ly xong, những người này ở lại làm việc tự do, thậm chí có người còn không biết đơn vị nào bảo lãnh mình nhập cảnh”- Thiếu tướng Viên nói.

“Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” là một trong số 34 tội danh mới được quy định trong BLHS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Đây là tội ghép nhiều tội danh, cụ thể quy định tại Điều 348 BLHS 2015 như sau:

“ 1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Đối với từ 05 người đến 10 người; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Đối với 11 người trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết người.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

“Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm khi chuyên gia nước ngoài lây COVID-19 ra cộng đồng”

Đó là ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc chiều 7/5. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, tại Việt Nam, đây là đợt dịch COVID-19 thứ 4, với 2 điểm phức tạp hơn các đợt dịch trước, với nguồn lây, có mầm bệnh đã có trong cộng đồng. Virus lần này được xác định là chủng Ấn Độ có tốc độ lây nhiễm rất nhanh.

Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, thứ nhất, dù có diễn biến dịch có thay đổi thế nào thì những bước, những nguyên lý là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị là không thay đổi.

Thứ 2 là trong điều kiện bình thường mới, các cá nhân phải tuân thủ khẩu hiệu 5K, đặc biệt là khẩu trang.

Thứ 3 là phương châm tại chỗ, song một số địa phương đã làm chưa tốt. Trong đó, vấn đề xuất nhập cảnh, phải ngăn chặn hiệu quả nhập cảnh trái phép. Ngoài lực lượng biên phòng, công an… quan trọng là cùng nhân dân, cùng cộng đồng phát hiện người nhập cảnh không khai báo. Kêu gọi người dân vận động người thân ở nước ngoài ở tại chỗ, trong trường hợp buộc phải về nước thì nhập cảnh hợp pháp, khai báo y tế đúng quy định. Các trường hợp nhập cảnh trái phép sẽ bị xử lý rất nghiêm, đặc biệt là hành vi tổ chức đưa người về trái phép.

Ngoài ra, việc quản lý người nhập cảnh hợp pháp cũng rất quan trọng. Với các chuyên gia nước ngoài, phần lớn cách ly tại các khách sạn. Tuy nhiên, theo kiểm tra, rất nhiều khách sạn thực hiện không nghiêm cách ly phòng dịch. Điều quan trọng nữa là quản lý sau thời gian cách ly đi về doanh nghiệp làm việc, bởi đây vẫn là diện giám sát y tế sau cách ly. Kể cả người Việt Nam sau cách ly tập trung xong cũng lơ là theo dõi y tế khi về nhà.

Theo Ban Chỉ đạo, khi đưa chuyên gia vào phải do UBND tỉnh đề nghị và khi đề nghị phải biết chuyên gia đến doanh nghiệp nào và phải có kế hoạch chuẩn bị về cách ly, theo dõi y tế thế nào… Nhưng nhiều nơi đã làm không chặt chẽ, y tế, công an, quân đội không có phương án cho các trường hợp này.

“Do vậy, chúng ta phải siết lại. Với tinh thần cụ thể, người ra khỏi khu cách ly nếu là người Việt Nam, phải bàn giao cho các tổ dân phố. Với chuyên gia nước ngoài khi ra khỏi khu cách ly tập trung về doanh nghiệp làm việc phải thực hiện theo đúng kế hoạch ban đầu và doanh nghiệp phải có trách nhiệm. Các tỉnh vừa qua đã kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan y tế địa phương, của một số cá nhân, nhưng lại bỏ sót trách nhiệm của các doanh nghiệp trên địa bàn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trong thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh biên giới phía Tây Nam và cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, có nội dung: Cần rà soát, kiểm điểm việc cho phép chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nước ngoài nhập cảnh trong thời gian qua khi không có ý kiến của tổ công tác 5 cơ quan;

Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải tổ chức rà soát, kiểm điểm việc trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nước ngoài nhập cảnh trong thời gian qua khi không có ý kiến của tổ công tác 5 cơ quan.

Hồng Anh ( T/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/can-xu-ly-nghiem-minh-nhung-doi-tuong-tiep-tay-nhap-canh-chuyen-gia-dom-a250792.html