(Pháp lý) – Trong bối cảnh tình hình dịch covid -19 trên thế giới đang diễn biến cực kỳ phức tạp, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã tăng cường siết chặt biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm khống chế tốc độ lây nhiễm hiện nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại Việt Nam có nhiều người “ nhờn luật” cố tình không chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng trong công tác phòng chống dịch. Điều này không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn làm phức tạp thêm tình hình dịch bệnh, cản trở công tác phòng chống dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho xã hội. Liệu rằng, so với các nước, chế tài xử lý người vi phạm các quy định phòng chống dịch của Việt Nam có đủ mạnh, đủ sức răn đe(?)
Nhiều quốc gia tăng nặng chế tài đối với các hành vi vi phạm quy định phòng dịch
Điển hình như tại Anh, vào hồi đầu năm 2021, Anh đã nâng mức phạt và bổ sung đối tượng bị phạt do vi phạm lệnh phong tỏa được áp dụng để ngăn chặn dịch COVID-19. Theo đó, những người bị bắt gặp tham gia tiệc có hơn 15 người tham dự sẽ bị phạt lần đầu ở mức 800 bảng (khoảng 1.110 USD) và phạt tối đa 6.400 bảng (khoảng 8.890 USD) nếu tái phạm.
Còn tại Đức hồi cuối tháng 3 vừa qua, chính quyền một số bang nước này đã đưa ra mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm những quy định chính phủ liên bang công bố hôm 22/3 trong nỗ lực đối phó và ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Theo đó, bang Nordrhein-Westfalen là bang đầu tiên ở nước này đưa ra các mức phạt tiền dành cho người vi phạm, theo đó tiền phạt sẽ được chia thành nhiều mức khác nhau tùy theo từng trường hợp.
Cụ thể, đối với trường hợp tự ý đến viện dưỡng lão, bệnh viện hoặc nơi ở của người già, người vi phạm sẽ phải chịu mức tiền phạt lên tới 800 euro (khoảng 865 USD).
Việc tụ tập tại nơi công cộng từ hai người trở lên sẽ chịu mức phạt 200 euro và 250 euro đối với trường hợp cố tình tổ chức các buổi dã ngoại và tiệc nướng ngoài trời.
Ngoài ra, bất cứ người nào tiếp tục mở cửa các quán rượu, câu lạc bộ hay phòng tập thể thao mà trước đó đã được yêu cầu dừng hoạt động sẽ bị phạt 5.000 euro, trong khi mức phạt đối với các nhà hàng là 4.000 euro.
Tại Nga, các nhà lập pháp Nga đã thông qua quy định phạt tiền lên tới 25.000 đô la Mỹ và phạt tù đến 5 năm đối với hành vi phát tán thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19. Đối với các cơ quan truyền thông, mức xử phạt liên quan đến hành vi này lên đến 127.000 đô la Mỹ.
Còn tại Hàn Quốc, từ cuối tháng 3 năm 2020, Hàn Quốc đã thông qua đạo luật nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có điều khoản phạt tối đa 1 năm tù hoặc 10 triệu won (tương đương 8.200 đô la Mỹ) với những người cố tình vi phạm quy định về cách ly.
Tại Nhật bản, theo Đạo luật về phòng chống các bệnh truyền nhiễm và chăm sóc y tế cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm quy định, bất cứ ai tạo ra mối nguy hiểm công cộng bằng cách tự phát ra mầm bệnh hoặc tương tự sẽ phải chịu án tù trong thời gian 2 năm hoặc lâu hơn hoặc phạt đến 10 triệu yên.
Trong khi đó tại Trung Quốc, Điều 330 Bộ luật hình sự Trung Quốc quy định, người nào có hành vi vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống và điều trị các bệnh truyền nhiễm, gây ra sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tù đến 3 năm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Các hành vi vi phạm được nêu cụ thể như: từ chối xử lý khử trùng nước thải, chất ô nhiễm, phân và nước tiểu bị ô nhiễm bởi mầm bệnh của các bệnh truyền nhiễm theo các yêu cầu vệ sinh của các cơ quan kiểm soát dịch bệnh; từ chối thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát do các cơ quan kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh đặt ra theo Luật Phòng, chống và điều trị các bệnh truyền nhiễm…
Như vậy, ở hầu hết các quốc gia trên thê giới, đối với các hành vi vi phạm liên quan tới phòng, chống dịch COVID-19 đều có chế tài xử lý rất nghiêm khắc, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính lên tời hàng nghìn USD thậm chí có thể bị xử lý hình sự và bị phạt tù.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tại Anh, vào hồi đầu năm 2021, Anh đã nâng mức phạt và bổ sung đối tượng bị phạt do vi phạm lệnh phong tỏa được áp dụng để ngăn chặn dịch COVID-19. Theo đó, những người bị bắt gặp tham gia tiệc có hơn 15 người tham dự sẽ bị phạt lần đầu ở mức 800 bảng (khoảng 1.110 USD) và phạt tối đa 6.400 bảng (khoảng 8.890 USD) nếu tái phạm.
Chế tài của Việt Nam so với các nước có đủ mạnh, đủ sức răn đe (?)
Nếu so với các nước, quả thực trước đây chế tài của Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch trong một số quy định pháp luật còn rất thấp, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi. Theo đó, chế tài hành chính được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành. Mức xử phạt cụ thể các vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 được quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế…
Cụ thể, theo quy định tại Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (như không đeo khẩu trang nơi công cộng…) bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng;
Hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh COVID-19 bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng;
Hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng…
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh thời gian gần đây, đặc biệt là những ngày cuối tháng 4. 2021, nước ta liên tục phát hiện những ca bệnh mới lây lan trong cộng đồng, nhằm khống chế tốc độ lây nhiễm dịch bệnh, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã tăng cường siết chặt các biện pháp biện pháp phòng dịch. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tăng nặng chế tài xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, ngày 28/9/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị phạt tới 3.000.000 đồng;
Hành vi che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng thì bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng;
Hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 40.000.000 đồng…
Đặc biệt cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự.
Tiếp đó, ngày 30/03/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đối với người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Theo đó, người thực hiện bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người thì hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.
Công văn số 45 cũng quy định đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự. Theo đó, mức hình phạt đối với tội danh này có thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm hoặc cao nhất đến 12 năm tù trong trường hợp làm chết từ 03 người trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.500.000.000 đồng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật hình sự…
Đối với người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Theo đó, người thực hiện bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người thì hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.
Kiến nghị
Có thể thấy, so với nhiều nước trên thế giới, chế tài xử lý người vi phạm các biện pháp phòng dịch của Việt Nam đã tương đối đầy đủ, gồm cả chế tài xử phạt hành chính đến xử lý hình sự. Mặc dù, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cá nhân cố tình khai báo gian dối, trốn cách ly…
Đặc biệt có trường hợp khai báo gian dối, trốn cách ly… làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch. Điển hình như trường hợp của 3 chuỗi lây nhiễm covid 19 tại Hà Nam, Vĩnh Phúc và Yên Bái trong mấy ngày vừa qua.
Chuyên gia cho rằng, một phần nguyên nhân là từ sự chủ quan sự lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý và giám sát việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh của chính cơ quan chức năng tại một số địa phương.
Theo như nhìn nhận của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến sự chủ quan, lơ là, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm của một bộ phận những người chịu trách nhiệm quản lý, giám sát công tác phòng chống dịch, đó là vẫn còn thiếu chế tài cụ thể để xử lý vi phạm của người quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch… Chính những khoảng trống này mới dẫn tới sự chủ quan sự lơ là, thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm như vậy.
Cùng với đó , nguyên nhân chính là sự thiếu ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.
Do đó, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng như trong nước đang cực kỳ phức tạp, nguy cơ bùng phát luôn rình rập, để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh, bên cạnh việc nhanh chóng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, khẩn trương truy vết, cách ly, … các cơ quan chức năng , đặc biệt là cơ quan công an cần vào cuộc quyết liệt hơn, xử lý nghiêm những đối tượng nhập cảnh chui, tiếp tay cho nhập cảnh trái phép, các đối tượng vi phạm những qui định phòng chống dịch, làm lây lan dịch…Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh; xử lý nghiêm minh trước pháp luật để răn đe.
La Sơn – Đinh Chiến