Ca mắc Covid-19 ở Hà Nam: Cần biện pháp mạnh trong truy vết và dập dịch đồng thời xem xét trách nhiệm hình sự cá nhân, tổ chức vi phạm quy định cách ly

(Pháp lý) – Liên quan đến ca mắc covid-19 ở Hà Nam, các chuyên gia cho rằng tình hình rất phức tạp, tốc độ tấn công nhanh. Do đó, cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh trong truy vết và dập dịch, không chỉ để riêng ngành y tế truy vết mà phải có sự vào cuộc của ngành công an, để tránh sót mấu chốt dịch tễ. Đồng thời, xem xét trách nhiệm hình sự cá nhân, tổ chức vi phạm quy định cách ly để làm rõ hành vi, làm rõ mức độ nhận thức và hậu quả để xử lý xử lý thật nghiêm minh hành vi vi phạm theo quy định để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Ổ dịch Hà Nam đã liên quan đến nhiều tỉnh khác

Nguy cơ lây lan cao ở tất cả các tỉnh thành

Sáng ngày 30/4, Bộ Y tế cho biết, đã ghi nhận thêm 3 trường hợp (trong đó 2 ca bệnh tại Hưng Yên, 1 Hà Nội) là F1 của bệnh nhân 2899. Như vậy tính tới thời điểm hiện tại bệnh nhân 2899 đã cho 8 trường hợp tại nhiều tỉnh thành và địa phương.

Trước đó, bệnh nhân 2899 từ Nhật Bản trên chuyến bay VJ3613 nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng ngày 07/4/2021, được cách ly tập trung ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Đà Nẵng.

Ngày 22/4 bệnh nhân hoàn thành cách ly, có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính, được về cách ly tại địa phương. Ngày 24/4 có biểu hiện triệu chứng ho, sốt, đau họng được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng đánh giá, dịch ở Hà Nam đang rất phức tạp. Do ca bệnh đi lại bằng các phương tiện kín (ô tô, máy bay) và tiếp xúc với nhiều người.

"Tốc độ lây dịch tại Hà Nam có sự lây lan rất nhanh. Các trường hợp F1 mới tiếp xúc đã trở thành F0 khi xét nghiệm truy vết. Ca bệnh 2899 đã lây ra cả người nhà, trong TP.HCM, TP.Hà Nội và tỉnh Hưng Yên. Như vậy tỷ lệ F1 (người tiếp xúc gần) dương tính với SARS-CoV-2 là tương đối cao. Tuy nhiên, để biết mức độ lây lan nhanh ra sao thì chúng ta cần phải đợi kết quả giải trình tự gen của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Mức độ nguy hiểm của đợt dịch lần này chúng ta phải đối phó với rất nhiều nguy cơ. Diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp, liên tục ghi nhận ca mắc. Trong đó, tại Ấn Độ vẫn ghi nhận ca mắc và tử vong Covid-19 cao. Tại khu vực Đông Nam Á, Lào, Campuchia, Thái Lan… số lượng ca mắc trong cộng đồng vẫn đang tăng lên.

Như thế, Việt Nam đang phải đối phó rất nhiều nguy cơ từ nguồn nhập cảnh cả hợp pháp và chưa hợp pháp. Với nguồn nhập cảnh hợp pháp thì nguy cơ đến từ việc cách ly chưa đảm bảo. Nhất là trong dịp nghỉ lễ dài đi lại nhiều, tụ tập đông người, nhiều người không thực hiện 5K… cho nên nguy cơ dịch bệnh tăng tại ở tất cả các địa phương, tỉnh thành", PGS. Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý thêm việc đi trên các phương tiện kín như ô tô, máy bay vì việc lây lan là rất nhanh. Vì vậy, người dân cần chủ động đeo khẩu trang, khai báo y tế (nếu không khai báo y tế khi truy vết sẽ rất khó khăn). Các khu du lịch cần phải quản lý đảm bảo phòng chống dịch, nếu không đảm bảo được vấn đề phòng chống dịch thì nên tạm dùng tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.

Cần biện pháp mạnh trong truy vết và dập dịch

Theo PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, ngay lúc này cần thần tốc khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm.

PGS Dương đánh giá tốc độ xử trí của Hà Nam nhanh, tuy nhiên cần phải tiếp tục thần tốc truy F1 ngay. Không chỉ riêng ngành y tế truy vết mà phải có sự vào cuộc của ngành công an để tránh sót mấu chốt dịch tễ.

"Nếu chúng ta chậm trễ giờ nào là nguy hiểm thêm giờ đó, chỉ 2 ngày F1 thành F0. Phải truy hết mốc dịch tễ xem các bệnh nhân đi đâu làm gì. Đề nghị thực hiện theo hướng dẫn bài bản của Bộ Y tế, thực hiện triệt để nếu không sẽ rất phức tạp. Phải truy thần tốc tất cả các mẫu dịch tễ, tránh bỏ sót, nếu phát hiện F1 thì cách ly ngay ra khỏi cộng đồng và lấy ngay mẫu xét nghiệm đơn, tuyệt đối không làm mẫu gộp. Có như thế tốc độ của chúng ta mới theo kịp dịch. Chứ nếu thực hiện mẫu gộp thì chúng ta lại chạy theo"- PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

“Không chỉ riêng ngành y tế truy vết mà phải có sự vào cuộc của ngành công an” - PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

PGS.TS Trần Như Dương cho rằng, Hà Nam không chỉ thực hiện phong toả 5 chốt mà còn cần đạt được mục tiêu nội bất xuất ngoại bất nhập để không có nguồn lây ra chỗ khác. Do đó phải yêu cầu thực hiện giãn cách triệt để, nhà cách ly nhà, không để người này sang nhà người kia trong khu phong toả.

Hà Nam phải tổ chức giám sát tất cả các trường hợp sốt, ho, đau họng. Tất cả những trường hợp này phải cách ly tại nhà, lấy mẫu đơn xét nghiệm ngay. Đây là những trường hợp có dấu hiệu chỉ điểm, đặc biệt là tại khu vực lân cận bệnh nhân sinh sống, giao lưu.
Đồng thời, Hà Nam phải thành lập ngay các tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng ngay trong thôn Quan Nhân và toàn xã. 2 người 1 tổ phụ trách 30-50 người để đi từng ngõ, gõ từng nhà, theo dõi chặt từng truòng hợp, nếu ho, sốt thì báo cáo lấy mẫu xét nghiệm ngay.

Bên cạnh đó, tỉnh phải huy động toàn bộ sinh viên trường Y để tập huấn về công tác lấy mẫu xét nghiệm, chuẩn bị sẵn tình huống chống dịch khi cần.

Cần xem xét trách nhiệm hình sự cá nhân, tổ chức vi phạm quy định cách ly

Có thể nói rằng đối với bệnh dịch covid- 19 thì chỉ cần một người thiếu ý thức, không tuân thủ quy định về phòng chống bệnh truyền nhiễm và thiếu trách nhiệm của một số người trong khâu phòng dịch là có thể khiến bệnh dịch bùng phát, có thể cướp đi mạng sống của hàng trăm ngàn người, gây tổn hại nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội.

Bởi vậy những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội cần phải xem xét xử lý hình sự. Cần truy trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan.

Liên quan đến trường hợp ca bệnh 2899, trao đổi nhanh với PV, một luật sư tại Hà Nội cho rằng, trong vụ việc xảy ra đối ổ dịch tại Hà Nam thì hành vi thiếu ý thức của nam bệnh nhân này trong việc tuân thủ quy định về cách ly y tế tại nhà đã khiến ít nhất 03 người mắc covid, nhiều người phải bị cách ly y tế do được xác định là F1, F2..

Theo quy định Công điện số 1640/CĐ-BCĐ ngày 15/10/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch covid-19, Giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh không để lây nhiễm trong thời gian thực hiện cách ly và tại các cơ sở cách ly, đặc biệt lưu ý không cho phép người không có nhiệm vụ vào khu vực cách ly và tiếp xúc với người đang thực hiện cách ly, người đang cách ly không được ra khỏi khu cách ly và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Sau khi kết thúc thời gian thực hiện cách ly tập trung, tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và yêu cầu các trường hợp nhập cảnh hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân.

Công văn 425/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch covid-19, ban hành hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Theo đó, hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung về địa phương như sau: Khi địa phương tiếp nhận người hết thời hạn cách ly tập trung, phải có đầy đủ điều kiện, giấy tờ, kết quả xét nghiệm…

Đối với đơn vị quản lý khu cách ly tập trung hướng dẫn cụ thể cho người đã hoàn thành cách ly tập trung tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tại nhà, nơi lưu trú, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.

Người cách ly, phải khai báo với Bí thư chi bộ thôn (khu phố), trưởng thôn (khu phố) khi về đến nơi lưu trú và phải có cam kết thực hiện việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, đồng thời phải chủ động thông báo cho cơ quan y tế địa phương nơi lưu trú biết ngay khi trở về từ khu cách ly tập trung về tình trạng sức khỏe và ghi nhật ký tiền sử tiếp xúc gần cho đến khi hết 14 ngày tiếp theo…

Tuy nhiên, anh này đã không thực hiện quy định cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà thêm 14 ngày sau khi kết thúc cách ly tập trung đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Hành vi của nam bệnh nhân này rất đáng lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cũng theo vị luật sư này, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và tình trạng vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh gia tăng, đòi hỏi phải bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật, chế tài trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống bệnh dịch thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/03/2020 về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã quy định rõ:

Đối với người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Theo đó, người thực hiện bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người thì hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.

Như vậy, những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc covid-19, tiếp xúc với nguồn lây bệnh hoặc đi qua vùng dịch, được thông báo phải cách ly y tế nhưng không tuân thủ quy định cách ly y tế dẫn đến lây lan dịch bệnh thì được xác định là “hành vi khác” làm lây lan gây dịch bệnh theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên. Bởi vậy, căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh làm rõ hành vi, làm rõ mức độ nhận thức và trách nhiệm của người này, làm rõ những thiệt hại đã gây ra cho xã hội để xem xét khởi tố hình sự, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Công văn số 45 cũng quy định đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự. Theo đó, mức hình phạt đối với tội danh này có thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm hoặc cao nhất đến 12 năm tù trong trường hợp làm chết từ 03 người trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.500.000.000 đồng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật hình sự.

Do đó, đến nay có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với những người vi phạm quy định về cách ly y tế gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ hành vi, làm rõ mức độ nhận thức và hậu quả để xử lý xử lý thật nghiêm minh hành vi vi phạm theo quy định để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Văn Chiến

Link nội dung: https://phaply.net.vn/ca-mac-covid-19-o-ha-nam-can-bien-phap-manh-trong-truy-vet-va-dap-dich-dong-thoi-xem-xet-trach-nhiem-hinh-su-ca-nhan-to-chuc-vi-pham-quy-dinh-cach-ly-a250301.html