Từ việc truy trách nhiệm pháp lý lãnh đạo Bộ chủ quản trong các vụ án sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản công: Nhìn lại vụ gang thép Thái Nguyên

(Pháp lý) – Thời gian qua, nhiều vụ án liên quan đến sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã được đưa ra xét xử. Qua đó, có thể thấy mức độ liều lĩnh, bất chấp pháp luật, tha hóa quyền lực của nhiều quan chức biến chất có thẩm quyền quyết định trong việc đấu thầu, chỉ định thầu, quyết định mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi cổ phần DNNN… và không loại trừ có sự tiếp tay, chỉ đạo trái luật của một số cán bộ quan chức cấp Bộ chủ quản. Trong hầu hết các vụ án, những sai phạm của một số lãnh đạo cấp Bộ đều bị xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, điều khiến dư luận đặt dấu hỏi là vì sao vụ gang thép Thái Nguyên, đến giờ vẫn chưa truy được trách nhiệm pháp lý của cá nhân nào thuộc Bộ chủ quản? Và nếu chỉ dừng lại ở việc truy cứu trách nhiệm các cựu lãnh đạo, cán bộ của VNS và TISCO, liệu có bỏ lọt tội phạm (?).

Sai phạm trong vụ Gang thép Thái Nguyên, vì sao vấn đề trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân, tổ chức của cơ quan chủ quản – Bộ Công thương vẫn chưa được đặt ra (?)

Truy trách nhiệm pháp lý hai cựu Bộ trưởng trong một số vụ án

Điển hình là trong vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Tổng công ty Sabeco vừa được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử mới đây, ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) và Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Theo cáo trạng, ông Vũ Huy Hoàng có quyền và chịu trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thuộc Bộ Công Thương, trong đó có Sabeco.

Từ những năm 2011-2012, Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, tổng công ty nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là bất động sản, tài chính. Khi Sabeco triển khai dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Tổng công ty này đã không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển mục đích sử dụng là hơn 1.236 tỷ đồng. Nắm rõ việc này, nhưng ông Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các nghị quyết của Chính phủ, cơ quan tố tụng cáo buộc.

Từ năm 2012 đến 2016, ông Hoàng chỉ đạo nguyên Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cùng Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) ra các văn bản chỉ đạo cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.

Sau khi góp vốn và Sabeco đứng ra thực hiện xong các thủ tục pháp lý, ông Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã phê duyệt, mà chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng 6.080 m2 đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng từ tài sản nhà nước sang tư nhân.

Ông Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm có nhiều sai phạm dẫn đến đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng bị dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.

Trong vụ án này, ông Vũ Huy Hoàng bị VSK đề nghị mức án từ 10-11 năm tù; ông Phan Chí Dũng 7-8 năm tù cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Hay như trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác đề trục lợi" xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan. Cơ quan bảo vệ pháp luật đã truy trách nhiệm hàng loạt lãnh đạo Bộ GTVT như ông Đinh La Thăng (Bộ trưởng Bộ GTVT từ tháng 8.2011 - 2.2016), Nguyễn Hồng Trường (Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn tháng 4.2007 - 8.2017), Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT).

Ông Thăng với vai trò là người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải - được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương, đã ký văn bản số 7331 đề nghị tìm đối tác để bán quyền thu phí tại dự án này.

Tháng 2/2012, sau khi Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, ông Thăng đã điện thoại chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) để Công ty của Đinh Ngọc Hệ (kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí.

Hành vi này của ông Thăng được cho là "phớt lờ" các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí. Tức là ông Thăng nhận thức rất rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị lớn, cần tìm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí, nhưng vẫn "giúp" công ty đang thua lỗ của Út "Trọc".

Quá trình tổ chức đấu giá, ông Thăng ký quyết định về việc thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và Tổ thường trực giúp việc Hội đồng, giao thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động xây dựng hoàn thiện đề án và kết quả bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương được ông Trường báo cáo cho Bộ trưởng.

Thông qua các tài liệu này, ông Thăng biết việc bán đấu giá không thực hiện đúng quy định của pháp luật, để cho Công ty Yên Khánh của Hệ trúng thầu theo ý định ban đầu của mình.

Cơ quan điều tra cũng cho rằng, ông Thăng biết Công ty Yên Khánh kéo dài, không thanh toán tiền trúng đấu giá như cam kết, vi phạm quy chế bán đấu giá, hợp đồng phải bị chấm dứt trước hạn và trả lại quyền thu phí cho Nhà nước. Tuy nhiên, khi được Dương Minh Tuấn báo cáo, ông Thăng không chỉ đạo chấm dứt trước hạn hợp đồng mà còn yêu cầu "để doanh nghiệp trả từ từ".

Ngoài ra, ông Thăng còn bút phê đề xuất để cho Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm và đề nghị cho công ty này cấn trừ vào tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định.

Theo cơ quan điều tra, nhờ sự "giúp đỡ" của ông Thăng, Trường… Út "Trọc" đã chiếm đoạt, hưởng lợi tổng cộng 725 tỷ đồng của Nhà nước.

Trong vụ án này, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 10 năm tù, bị bị cáo Nguyễn Hồng Trường 4 năm 6 tháng tù về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Các bị cáo còn lại chịu mức án từ 2 năm tù đến chung thân về cùng tội danh hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có thể thấy, việc truy trách nhiệm đến cùng đối với sai phạm của những cán bộ lãnh đạo cấp Bộ trong nhiều vụ án sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản công vừa qua, thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm. Bởi, những sai phạm của cấp dưới sẽ không thể thực hiện trót lọt nếu như không có sự buông lỏng quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu công khai minh bạch… , đặc biệt ở đây, nếu không có sự chỉ đạo trái luật của một số cán bộ lãnh đạo ở Bộ chủ quản.

Vụ Gang thép Thái Nguyên liệu có truy trách nhiệm đến cùng ?

Tuy nhiên, trong vụ gang thép Thái Nguyên, dư luận đang rất quan tâm và đặt ra câu hỏi vì sao vấn đề truy trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức của cơ quan chủ quản – Bộ Công thương vẫn chưa được đặt ra. Và nếu chỉ dừng lại ở việc truy cứu trách nhiệm các cựu lãnh đạo, cán bộ của VNS và TISCO thì có bỏ lọt tội phạm (?). Bởi, nếu theo dõi vụ án này, không thế không nhận ra đằng sau những sai phạm nghiêm trong của các cựu lãnh đạo, cán bộ của VNS và TISCO có trách nhiệm rất lớn của một số cán bộ thuộc Bộ Công thương.

19 bị cáo hầu tòa là các cựu lãnh đạo, cán bộ của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO)

Theo tìm hiểu, năm 2005, Chính phủ phê duyệt Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO với tổng mức đầu tư hơn 3.843 tỷ đồng, trong đó TISCO thu xếp 375 tỷ tiền vốn, còn lại đi vay các ngân hàng.

Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu dự án này và tháng 7/2007 được ký với TISCO hợp đồng EPC số 01. Trị giá hợp đồng EPC số 01 là hơn 160 triệu USD, là hợp đồng trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức tổng thầu EPC.

Ngày 24/8/2007, MCC đã được TISCO cho tạm ứng hơn 35 triệu USD. Tuy nhiên, sau hơn 11 tháng kể từ khi hợp đồng EPC số 01 có hiệu lực thực hiện, MCC chưa lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu phụ; rút hết người về nước… nhiều lần có văn bản đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, tăng giá hợp đồng thêm hơn 138 triệu USD…

Mặc dù biết rõ MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị gia hạn thời gian và tăng giá hợp đồng là không có căn cứ vì hợp đồng EPC số 01 là hợp đồng trọn gói, nhưng các bị can ở TISCO và VNS đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật và căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng để xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét hủy thầu…

Đáng lẽ ra, tại thời điểm đó, với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp nặng và là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với VNS và TISCO, lãnh đạo Bộ Công thương cần có những chỉ đạo quyết liệt để chủ đầu tư áp dụng điều khoản phạt hợp đồng theo quy định trong hợp đồng đã ký, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại.

Nhưng cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang lại ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao HĐQT VNS xem xét và quyết định việc điều chỉnh dự toán xây lắp, thiết bị và các chi phí khác của gói thầu EPC cho MCC trên cơ sở thực tế khách quan của biến động chi phí,…

Điều này trái với hợp đồng EPC số 01 mà TISCO ký với MCC, hợp đồng EPC số 01 quy định giá hợp đồng là trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức tổng thầu EPC. Trái với thông tư số 02/2005/TT-BXD của Bộ Xậy dựng ngày 25/2/2005 hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng: Giá trọn gói là giá trị của hợp đồng được xác định ngay khi các bên ký hợp đồng xây dựng để thực hiện một phần hoặc toàn bộ công trình, hạng mục công trình xây dựng ghi trong hợp đồng và không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng.

Điều đáng nói là, thứ trưởng Bộ Công thương còn ký văn bản gửi Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) và TISCO, trong đó có nội dung: "VINAINCON là doanh nghiệp thuộc Bộ có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình công nghiệp… Bộ Công thương đề nghị VNS, TISCO xem xét, chấp nhận để VINAINCON được đảm nhận toàn bộ phần công việc xây lắp gói thầu EPC…".

Sau khi Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc VNS đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đồng ý chủ trương chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01, Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang ký văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét chấp nhận đề nghị của VNS.

TTCP đã chỉ rõ những sai phạm của Bộ Công thương trong Kết luận thanh tra số 167/KL-TTCP. Theo đó, Bộ Công thương có văn bản giới thiệu và đề nghị VNS, TISCO giao VINAINCON là nhà thầu phụ và có ý kiến theo đề nghị TISCO ký hợp đồng với các nhà thầu phụ khác theo hình thức hợp đồng đơn giá là không đúng thẩm quyền được giao, vi phạm quy định pháp luật về đầu tư.

Cũng theo theo TTCP, văn bản của Bộ Công thương đề xuất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và văn bản báo cáo, trong đó có ý kiến việc điều chỉnh tăng lên 8.100 tỉ đồng đã được rà soát, thẩm tra là không đúng với hợp đồng EPC và quy định pháp luật về đầu tư.

Mới đây, vụ án Gang thép Thái Nguyên được Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra đưa ra xét xử. 19 bị cáo hầu là các cựu lãnh đạo, cán bộ của Tổng công ty Thép Việt Nam) và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, các bị cáo bị tuyên phạt từ 18 tháng án treo đến 9 năm 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí hoặc tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đáng chú ý, tại phiên toà sơ thẩm, bào chữa cho các bị cáo, nhiều luật sư cho rằng tránh nhiệm chính trong việc giới thiệu nhà thầu phụ không đủ năng lực phải thuộc về Bộ Công Thương, TISCO và VNS chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới.

HĐXX cũng kiến nghị xem xét hành vi Bộ Công thương. Theo HĐXX, Bộ Công Thương đã đưa ra các chủ trương, quyết định không đúng quy định pháp luật, đồng thời giới thiệu và lựa chọn đơn vị không đủ năng lực, tức VINAINCON, để thực hiện phần C của hợp đồng 01#EPC. “Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hậu quả của vụ án” - HĐXX nhấn mạnh.

Thay lời kết

Thiết nghĩ, trong các vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, việc truy trách nhiệm đến cùng đối với sai phạm của những cá nhân, tổ chức cấp Bộ - đơn vị chủ quản các DNNN nhằm thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm…

Tuy nhiên, trong vụ án xảy ra tại Cty Gang thép Thái Nguyên, với những hành vi làm trái của một số cán bộ thuộc Bộ Công thương ( như đưa ra các chủ trương, quyết định không đúng quy định pháp luật, đồng thời giới thiệu và lựa chọn đơn vị không đủ năng lực…), nếu chỉ dừng ở việc xem xét kỉ luật hành chính đơn thuần, thì e rằng chưa thỏa đáng.

Do đó, trong vụ án này, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ trách nhiệm cá nhân của một số cán bộ thuộc Bộ Công thương. Làm được như vậy, chắc chắn dư luận rất đồng tình ủng hộ. Vì họ đang mong mỏi vụ việc phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, để bảo đảm mọi hành vi sai phạm đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm.

Văn Thư - Nam Kiên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-viec-truy-trach-nhiem-phap-ly-lanh-dao-bo-chu-quan-trong-cac-vu-an-sai-pham-ve-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-nhin-lai-vu-gang-thep-thai-nguyen-a250262.html