3,5 triệu người Ấn ngâm mình ở lễ hội sông Hằng hôm 1/4, sau đó trở thành cụm siêu lây nhiễm với hơn 2.000 ca một ngày. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ tương tự cho Việt Nam trong kỳ nghỉ 30/4.
Chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu khuyến cáo dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 nhu cầu đi lại nhiều, lễ hội, đoàn tụ… dẫn đến tập trung đông người, nguy cơ cao bùng phát dịch. Bài học từ đợt Covid-19 bùng phát ở Ấn Độ và các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan, là do sự chủ quan, không đeo khẩu trang và các sự kiện lễ hội tập trung quá đông người.
Lễ hội đông người - cụm siêu lây nhiễm
Nhiều nhà phân tích thế giới cho rằng các lễ hội, hoạt động văn hóa và tâm linh, đông người đã đẩy Ấn Độ vào vực thẳm đại dịch. Trong cuộc bầu cử chính phủ mới ở Bengal kể từ ngày 27/3 đến 29/3, người dân tụ tập thành đám đông, một số nơi biểu tình. Sau sự kiện này, chỉ ngày 1/4 tổng số ca nhiễm Ấn Độ ghi nhận lên đến 12.000 người, trong đó riêng lễ hội Kumbh Mela tắm trong dòng sông Hằng đã hơn 2.000 ca.
Lào, Campuchia, Thái Lan cũng đang đối phó làn sóng Covid-19. Đặc biệt từ Campuchia cùng Việt Nam có đường biên giới cả về đường bộ, đường hàng không và đường biển. Nhiều ca nhập cảnh trái phép từ Campuchia mắc Covid-19 đã được phát hiện trong thời gian qua. Đặc biệt, kết quả giải trình tự gene phát hiện các ca từ Campuchia về mang biến thể Anh và Nam Phi có tốc độ lây lan rất mạnh.
"Nhu cầu đi lại, giao lưu gặp gỡ trong kỳ nghỉ lễ tạo điều kiện virus xâm nhập và lây lan rất nhanh", theo ông Phu.
Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch và Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng nhu cầu du lịch trong những ngày nghỉ lễ là chính đáng. Tuy nhiên nên tránh nơi quá đông người để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đến An Giang kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai tiêm vaccine Covid-19 ngày 26/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm từ các lễ hội lớn. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, sắp tới tỉnh diễn ra lễ hội Vía Chùa Bà kết hợp kỳ nghỉ 30/4-1/5, dự kiến lượng người dân về đây sẽ rất lớn.
"Các công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn cần được đẩy mạnh lên cấp độ mới", Thứ trưởng Sơn đề nghị.
Tâm lý chủ quan, không đeo khẩu trang
Ông Phu nhận định một tháng nay Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới, người dân có tâm lý chủ quan, đặc biệt là không đeo khẩu trang khi ra đường.
"Trong dịp nghỉ lễ, nhiều người đi lại, tiếp xúc người lạ mà không biết ai mang nguy cơ, khi có ca bệnh sẽ rất khó truy vết. Thậm chí, khi để lọt mầm bệnh, dịch không bùng phát ngay mà thời gian sau mới xuất hiện", ông Phu nói.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Phu khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm biện pháp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) của Bộ Y tế. Tại các khu nghỉ mát, phố đi bộ phải có khuyến cáo chống dịch, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn tay… Các cửa khẩu tăng cường rà soát, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp. Gia đình nào có người thân từ Campuchia về cần kêu gọi nhập cảnh chính ngạch, khai báo y tế và cách ly đúng quy định.
"Khai báo y tế giúp khi có ca nhiễm thì truy vết được ngay. Đặc biệt nên hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm người lạ với nhau", ông Phu nói.
Còn Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh: "Ở những lễ hội đông người, nếu không mang khẩu trang sẽ bị xử phạt một cách quyết liệt".
Giữ vững biên giới
Theo ông Bình, khó khăn lớn nhất của An Giang là nhiều người Việt Nam sinh sống tại Campuchia quay trở về nước qua các cửa khẩu, kể cả nhập cảnh trái phép. An Giang là tỉnh có đường biên giới với Campuchia dài gần 100 km, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường mòn lối mở, bến đò ngang.
Hai tỉnh Campuchia giáp biên giới An Giang là Takeo và Kandal đã có hàng trăm ca nhiễm. Nguy cơ dịch bệnh lan vào An Giang là rất lớn. Tỉnh đã ghi nhận ba ca Covid-19 là công dân Việt Nam trở về từ Campuchia, cách ly ngay. Họ đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện An Phú, tình trạng sức khỏe ổn định.
Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh đã tổ chức kiểm tra chốt chặn 24/24, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở, bến sông ngang; quản lý chặt chẽ hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Thứ trưởng Sơn nói: "Giữ vững biên giới là giữ vững hàng rào chống dịch".
Thứ trưởng Sơn đề nghị các địa phương xây dựng "thế trận lòng dân" để quản lý, phát hiện kịp thời xuất nhập cảnh trái phép. Theo đó, duy trì các tổ dân phố, nhóm phòng chống dịch biên giới "đi từng ngõ gõ từng nhà" để kịp thời phát hiện khi có người lạ. Các khu vực đông người như bến xe, nhà hàng khách sạn cần có những cam kết trong phòng chống dịch bệnh, phát hiện tố giác người lạ.
"Bên cạnh truyền thông phát thanh, truyền hình, tờ rơi, bằng tiếng Việt thì tăng cường truyền thông bằng ngôn ngữ Khơ me, tiếng Chăm để vận động người dân nước bạn cùng chống dịch hiệu quả…", Thứ trưởng nói.
Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Ngành y tế đã chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng, tình huống dịch xuất hiện tại địa phương, nhất là với khu vực Tây Nam bộ.
Theo vnexpress.net
Nguồn bài viết: https://vnexpress.net/bai-hoc-canh-bao-viet-nam-tu-vuc-tham-covid-19-an-do-4268407.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bai-hoc-canh-bao-viet-nam-tu-vuc-tham-covid-19-an-do-a250109.html