(Pháp lý) - Từng bước giảm tỷ lệ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người ở các cơ quan Đảng, Chính phủ, tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách là các chuyên gia, nhà khoa học, hướng đến một Quốc hội chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Cử tri kỳ vọng Quốc hội khóa XV sẽ có những cải cách đột phá mạnh mẽ ngay từ công tác chất lượng Đại biểu.
Nâng cao vai trò ĐBQH chuyên trách
Nếu như Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là 35% tổng số đại biểu Quốc hội, thì nay con số này được nâng lên ít nhất là 40% (khoản 2 Điều 1, sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 23). Không những tăng về số lượng, Luật Tổ chức Quốc hội 2020 còn yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách.
Theo đó tại khoản 3 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 26), quy định: “Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có trách nhiệm tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập”. Có nghĩa, việc tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập là nghĩa vụ bắt buộc của mỗi ĐBQH hoạt động chuyên trách. Đòi hỏi mỗi ĐBQH chuyên trách phải có trách nhiệm cao hơn, khác biệt với ĐBQH không chuyên trách. Muốn hoàn thành nhiệm vụ phải không ngừng trao dồi nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức, phải có bản lĩnh sắc sảo và thật sự toàn tâm toàn ý, dốc hết sức phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.
Tăng cường vai trò của ĐBQH chuyên trách nhưng không có nghĩa làm hạn chế quyền của các ĐBQH hoạt động không chuyên trách. Cũng tại điều khoản trên, một quy định “mở” lần đầu tiên trong Luật TCQH 2020 xuất hiện cụm từ, ĐBQH không chuyên trách “có quyền đăng ký” tham dự hội nghị (khác với quy định Luật 2014, phải “có trách nhiệm tham gia hội nghị” - PV) đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm”. Có nghĩa không bắt buộc ĐBQH hoạt động không chuyên trách phải tham dự hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách như một ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Hay nói cách khác, nếu như trong quá trình tiếp xúc cử tri và các thông tin khác tiếp cận được không có nội dung nào nổi cộm, thực sự quan tâm; thì ĐBQH hoạt động không chuyên trách có quyền không đăng ký tham dự hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho ĐBQH hoạt động không chuyên trách có thêm quỹ thời gian, chủ động trong giải quyết công việc hành pháp mà mình đang đảm nhiệm. Đây có thể coi là một bước đột phá mới và khác biệt mà Luật Tổ chức Quốc hội 2014 chưa đề cập tới, xuất phát từ nhu cầu thực tế, từng bước hướng đến một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, không kiêm nhiệm…
Một sự đột phá mới nữa về chất đối với nhân sự ĐBQH khóa XV. Quy định tại Hướng dẫn số 36 – HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức TW về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhấn mạnh: ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung (theo Luật TCQH), người ứng cử ĐBQH còn phải là người tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật; có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; và phải có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội…
Đối với người ứng cử ĐBQH chuyên trách còn phải có trong quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên… Đặc biệt người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách phải có trình độ đào tạo từ đại học trở lên. Được hiểu là phải có năng lực học vấn tối thiểu từ đại học, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên; nếu để làm phó trưởng đoàn ở địa phương phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên…
Cơ hội cho các nhà khoa học, chuyên gia tham gia xây dựng chính sách pháp luật
Hoạt động lập pháp là hoạt động đặc biệt, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội được quy định tại khoản 1 Điều 70 Hiến pháp 2013, chi phối đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Trong những năm qua, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý phục vụ cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng ngày càng sâu rộng, trọng tâm hướng vào việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân…
Song bên cạnh đó, hoạt động lập pháp của Quốc hội hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Trong đó hệ thống pháp luật, vẫn còn có những văn bản pháp luật quy định chung chung, mang tính nguyên tắc, buộc phải có văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết mới thi hành được; hay có những văn bản có nhiều nội dung không phù hợp với thực tế. Có những quy định trong một số văn bản luật đã được Quốc hội thông qua nhưng lại phải sửa đổi, bổ sung ngay (như đối với trường hợp Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014…). Điều đó có nghĩa, chất lượng soạn thảo văn bản pháp luật, quy trình lập pháp của Quốc hội trong các nhiệm kỳ qua, đang còn có những vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Để hệ thống pháp luật thực sự phát huy được đầy đủ tác dụng trong cuộc sống, điều chỉnh có hiệu quả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước thì cần có nhiều giải pháp khắc phục các tồn tại, bất cập đó. Cùng với tiến trình phát triển nền dân chủ XHCN đòi hỏi hoạt động lập pháp ngày càng được thực hiện đa dạng với sự tham gia sâu rộng của các tầng lớp nhân dân vào hoạt động này bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học - những trí thức ưu tú với trình độ nghiên cứu cao, tâm huyết với khoa học pháp lý sẽ góp phần tạo nên những “sản phẩm” có sức sống lâu dài trong đời sống xã hội.
Vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã được Quốc hội khóa XIII nhìn nhận và đánh giá trong Nghị quyết 27/2012/QH13 năm 2012: “Cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan trình dự án luật, dự thảo nghị quyết chủ động, tích cực phối hợp ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xây dựng dự án; tổ chức các hoạt động với cơ quan trình dự án để trao đổi thông tin, thảo luận các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn chuyên gia về dự án luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm tính khách quan, toàn diện, khoa học và tính phản biện độc lập của báo cáo thẩm tra”.
Tuy nhiên trên thực tế dấu ấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn có chuyên môn liên quan đến nội dung các dự án luật trình Quốc hội thời gian qua vẫn còn mờ nhạt; phần lớn các dự án luật dự thảo được chắp bút bởi các cơ quan hành pháp nên không tránh khỏi yếu tố áp đặt, chủ quan,… Nguyên nhân là do lực lượng ĐBQH chuyên trách còn mỏng và năng lực còn hạn chế; trong khi đó thiếu vắng các quy định pháp luật về cơ chế huy động, sử dụng, phát huy được trí tuệ của lực lượng chuyên gia, nhà khoa học.
Với việc tăng cường các ĐBQH chuyên trách, trong đó có tiêu chí về trình độ đại học trở lên và cùng với cơ chế khuyến khích người ngoài Đảng tự ứng cử (chiếm từ 5-10% tổng số ĐBQH, theo quy định Nghị quyết 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) là cơ sở căn cứ quan trọng và là cơ hội tốt nhất để cho các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn có chuyên môn phù hợp…tham gia sâu hơn vào công tác lập pháp bằng “danh chính ngôn thuận”, cống hiến nhiều hơn cho nền lập pháp nước nhà.
Vĩ thanh
Nghị quyết 1185 kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc chuyển dịch đáng kể đối với nhân sự kể từ Quốc hội khóa XV, theo hướng giảm dần tỉ lệ đại biểu ở cơ quan Đảng, Chính phủ, tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, ĐBQH là chuyên gia, nhà khoa học.
Tăng cường ĐBQH hoạt động chuyên trách là đồng nghĩa với yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của Đại biểu đối với Quốc hội, cử tri và đối với đất nước. Đó không chỉ là sự kế thừa kết quả của Quốc hội qua các thời kỳ mà đòi hỏi phải có sự đột phá, tạo ra sự khác biệt trong hoạt động lập pháp trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước trong tình hình mới. Một Quốc hội mạnh, hoạt động hiệu quả, trước hết phải có những cá nhân ĐBQH mạnh, trong đó theo chúng tôi nòng cốt rất cần nhiều ĐBQH hoạt động chuyên trách./.
Nếu như Quốc hội khóa XIV, có số lượng đại biểu các cơ quan Đảng thuộc các cơ quan trung ương là 11 người, thì dự kiến đến Quốc hội khóa XV chỉ còn 10 người; đặc biệt, số lượng đại biểu các cơ quan Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ dự kiến giảm còn 15 đại biểu (QH khóa XIV là 18). Trong khi đó ở chiều ngược lại, khối các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương) số lượng đại biểu được cơ cấu lên con số 133, dự kiến tăng 19 đại biểu so với QH khóa XIV.
VŨ LÊ MINH
Link nội dung: https://phaply.net.vn/dai-bieu-chuyen-trach-va-quoc-hoi-chuyen-nghiep-hieu-qua-a249806.html