DN trúng đấu giá mỏ cát cao hơn giá khởi điểm gần 400 lần: Kiến nghị phải nộp lần đầu ít nhất là 50% tổng số tiền trúng đấu giá

(Pháp lý) – Từ giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, một doanh nghiệp ở TP. HCM đã vượt qua 19 DN khác trong phiên đấu giá để giành quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền với giá trúng đấu giá là 2.811 tỷ đồng. Vụ việc gây xôn xao dư luận vì ngay cả DN cùng ngành nghề khai thác cát cũng không hiểu nổi mục tiêu và động cơ mà DN trúng đấu giá hướng tới là gì. Tuy nhiên qua vụ việc này, PV Pháp lý sẽ phân tích chỉ ra một số “góc khuất” của hành lang pháp lý trong xây dựng giá khởi điểm và kiến nghị một số giải pháp.

Trúng đấu giá, nhưng được nộp thành nhiều lần và được kéo dài thời gian nộp tiền….

Trước những thông tin trái chiều, cho đến thời điểm này, phía Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME (TP.HCM) - doanh nghiệp trúng đấu giá ( với giá khủng) mỏ cát trên sông Tiền tại địa phận xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vẫn giữ im lặng. Trong khi đó thông tin từ phía Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, đại diện phía DN đã liên hệ với cơ quan có chức năng để được hướng dẫn thủ tục pháp lý tiếp theo nhằm hoàn tất thủ tục khai thác mỏ cát như mức giá đã đấu giá trúng.

Từ 7,2 tỷ đồng mỏ cát trên sông Tiền được một DN ở TP.HCM đấu giá trúng 2.811 tỷ, làm choáng váng giới đầu tư và dư luận.

Được biết, Công ty trên có địa chỉ tại số 14 đường số 11, khu dân cư ven sông, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM. Đáng chú ý, ngành nghề ĐKKD kinh doanh chính của Công ty không phải là khai thác cát mà là giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú, bên cạnh đó là vệ sinh nhà cửa và các công trình khác…

Với trữ lượng của mỏ cát xã Bình Phước Xuân, tạm tính gần 2,5 triệu m3 và với giá cát trên thị trường tại thời điểm, các DN không trúng đấu giá tại phiên đấu giá cho rằng DN trúng đấu giá sẽ lỗ đậm. Bởi ngoài khoản tiền phải nộp đấu giá trúng, DN còn phải đầu tư phương tiện và nhân lực để khai thác; đến khi khai thác, DN còn sẽ phải nộp các loại thuế như: Thuế tài nguyên 15% giá trị cát; thuế GTGT 10%; phí bảo vệ môi trường 4.000 đồng/m3. Do đó chính các DN kinh doanh cùng ngành nghề cũng hoài nghi động cơ của DN trúng đấu giá nêu trên?

Có ý kiến cho rằng, DN quyết đấu giành quyền khai thác mỏ cát là động tác giả, mục đích chính là để nhường quyền đấu giá trúng cho DN đấu giá có mức giá cao liền kề. Tuy nhiên khả năng này là không thể xảy ra vì nếu có sẽ trái với quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Đấu giá tài sản 2016. Theo đó, điều kiện để đấu giá viên công bố người có mức trả giá liền kề trúng đấu giá chỉ xảy ra khi tại cuộc đấu giá mà người trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá; và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá có mức giá trả cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá (có nghĩa số tiền chấp nhận nộp thấp hơn không đáng kể chỉ là 1,4 tỷ đồng).

Khoản 1 Điều 51 Luật ĐGTS 2016: “Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá”.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Việt Trí, GĐ Sở TN&MT tỉnh An Giang, nếu Công ty T-S.HOME bỏ cuộc thì không những mất khoản tiền đặt trước 1,4 tỷ đồng mà còn mất quyền tham gia đấu giá các mỏ cát khác. Chắc chắn Công ty T-S.HOME sẽ không lựa chọn giải pháp mất “cả chì lẫn chài”, càng không có lý do bỏ ra chừng ấy khoản tiền để chỉ đánh bóng thương hiệu. Vậy động cơ chính thức của DN là gì ?

Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, quy định về phương thức thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có nội dung điều chỉnh như sau: “Thu nhiều lần đối với các trường hợp không thuộc trường hợp (Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh có thời gian khai thác đến 03 năm hoặc tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến 500 triệu đồng).

Cách thu được quy định như sau: Lần đầu thu với số tiền được tính bằng 30% tổng số tiền chia cho nửa thời hạn khai thác. Từ lần thứ hai thu bằng tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trừ (-) đi số tiền thu lần đầu và chia đều cho số năm phải nộp còn lại và hoàn thành việc thu vào nửa đầu thời hạn cấp phép”.

Đối chiếu với quy định trên, sau 90 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo trúng đấu giá của cơ quan có thẩm quyền, Công ty T-S.HOME chỉ cần nộp lần đầu với số tiền khoảng 140 tỷ đồng (trong tổng số tiền khủng 2.811 tỷ) là đủ điều kiện để được cấp quyền khai thác khoáng sản. Số tiền còn lại, Công ty được quyền nộp thành nhiều lần trong khoảng thời gian không quá 6 năm (tức nửa đầu thời hạn cấp phép đối với mỏ cát là 12 năm). Như vậy áp lực về nghĩa vụ tài chính phải nộp không còn quá lớn đối với DN. Trong khi đó số tiền còn lại phải nộp nhiều lần trong thời hạn 6 năm, nếu chậm nộp (theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 67/2019 và Thông tư 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính), Công ty sẽ chỉ phải chịu chế tài với mức phạt 0,05%/ngày trên số tiền thuế kê khai trong thời gian nộp chậm.

Ngoài ra, các DN khai thác mỏ cát còn được quyền điều chỉnh, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác (theo quy định tại Điều 10 Nghị đinh 67/CP), nếu như sau khi trúng đấu giá thực hiện việc tái thăm dò địa chất, trữ lượng chính thức có trữ lượng tăng thêm so với thiết kế trong Giấy phép khai thác; hoặc xin trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản.

Vì vậy không loại trừ khả năng từ kẽ hở trên của pháp luật mà các DN đấu giá mỏ cát nói chung nhắm đến. Nếu chọn lựa theo giải pháp này, thì nửa thời hạn cấp phép là khoảng thời gian mà các DN khai thác mỏ cát sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực và phương thức khai thác có thể (thay vì khai thác ở độ sâu cho phép, biết đâu DN lén lút khoét sâu hơn nhiều lần để vừa tăng sản lượng, vừa tận dụng được nguồn cát hạt to có giá trị gấp 3-5 lần cát thường), để tăng tốc cường độ khai thác nhằm gia tăng lợi nhuận. Số tiền phải nộp tiếp theo trong khoảng thời gian này, DN sẽ thực hiện theo phương thức nộp nhỏ giọt và chấp nhận chế tài phạt chậm. Đến khi quá thời hạn, không thể trì hoãn thời gian nộp tiền trúng đấu giá thì DN có thể sẽ lựa chọn giải pháp “cao chạy, xa bay”… và nếu thực tế này xảy ra có thể sẽ để lại hậu quả không thể đo đếm (?!)

Giá khởi điểm thấp là phụ thuộc vào thông số Q và G

Từ con số 7,2 tỷ đồng đến con số 2.811 tỷ đồng, chênh lệch gấp gần 400 lần – những con số đã nói lên nhiều điều để quan ngại. Điều đáng nói là tình trạng chênh lệch giữa giá khởi điểm với giá trúng đấu giá quá lớn không phải là cá biệt chỉ xảy ra ở mỏ cát tại xã Bình Phước Xuân. Cũng tại An Giang trên sông Hậu, mỏ cát tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng, một DN đã trúng đấu giá lên tới gần 273 tỷ đồng, tức cao hơn gần 62 lần. Tương tự tại tỉnh Bến Tre cả 3 mỏ cát được đưa ra đấu giá 12/2019, đều có số tiền cao hơn gấp 40 lần so với giá khởi điểm…

Rõ ràng là với kết quả đấu giá như vậy rất có lợi cho ngân sách. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nếu như cuộc đấu giá có tiêu cực, thông đồng, dìm giá… (hiện tượng này pháp luật chưa ngăn chặn được), thì “giá khởi điểm” đó vô hình trung trở thành “con dao 2 lưỡi”, gây thất thoát ngân sách lớn. Trao đổi với PV, Luật gia Lê Công Tâm – nguyên GĐ Trung tâm Dịch vụ BĐGTS tỉnh Bình Định cho biết, nếu có “dàn xếp” thì tại cuộc đấu giá, chỉ cần người tham giá đấu giá trả lên một bước giá mà sau 3 lần nhắc lại không có người trả giá cao hơn mức giá của người đã trả, thì bắt buộc đấu giá viên phải công bố kết quả đấu giá trúng cho người đã trả giá.

Trở lại mỏ cát Bình Phước Xuân, nếu soi chiếu từ các quy định của pháp luật hiện hành (Luật Đấu giá tài sản 2016; Luật Khoáng sản 2010; đặc biệt là Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Thông tư 05/2020/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với cát; và Quyết định số 57/2020/QĐ-UBND tỉnh An Giang quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với cát, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), thì việc Sở TN&MT tỉnh An Giang đã xây dựng nên mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có giá khởi điểm hơn 7,2 tỷ đồng đối với mỏ cát Bình Phước Xuân, có trữ lượng tạm tính gần 2,4 triệu m3 (tạm gọi là R = 5%) là có cơ sở.

Điều 5 Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định:“Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính trên các căn cứ theo công thức sau: T = Q x G x K1 x K2 x R.

Trong đó: T - Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Q- Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định này (tức là đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Nghị định này có hiệu lực, trong giấy phép phải thể hiện trữ lượng địa chất là trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản); G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định này (tức là được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng, công bố và tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hiệu); K1 - Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác; K2 - Hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; R - Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính là phần trăm (%)”

Như vậy nếu căn cứ vào điều 5 của Nghị định 67, giá khởi điểm thấp không nằm ở công thức tính mà là nằm ở thông số Q (trữ lượng mỏ cát), đặc biệt là phụ thuộc rất lớn vào thông số G (giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh xây dựng và công bố). Nếu 2 thông số này cao thì giá khởi điểm sẽ cao và ngược lại.

Thế nhưng trên thực tế cho thấy giá tính thuế tài nguyên được cơ quan có thẩm quyền công bố không theo kịp giá thị trường. Nguyên nhân là do khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 05/2020/TT-BTC bắt buộc UBND cấp tỉnh phải thực hiện theo, có khoảng cách từ mức tối thiểu đến mức tối đa quá rộng. Lấy ví dụ đối với với cát san lấp (bao gồm cát nhiễm mặn), Thông tư 05/2020 quy định khung giá tính thuế tài nguyên từ 56.000 đồng/m3 (tối thiểu) – 200.000 đồng/m3 (tối đa). Tại Quyết định số 57/2020, có hiệu lực từ 01/01/2021, UBND tỉnh An Giang đã xây dựng và công bố giá tính thuế tài nguyên đối với cát san lấp có mức giá là 60.000 đồng/m3 (gần tiệm cận giá tối thiểu mà Bộ TC ban hành), trong khi giá thị trường tại thời điểm đã lên tới 350.00 đồng/m3. Mặc dù vậy UBND tỉnh An Giang đã làm đúng quy định của pháp luật (?!)

Điểm 4, khoản 1 Điều 1 Thông tư 05/2020/TT-BTC quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng tại địa phương đảm bảo phù hợp với khung giá tính thuế tài nguyên (lớn hơn hoặc bằng mức giá tối thiểu và nhỏ hơn hoặc bằng mức giá tối đa) của nhóm, loại tài nguyên tương ứng quy định tại khung giá tính thuế tài nguyên ban hành tại Thông tư này”

Việc điều chỉnh, bổ sung khung tính giá tài nguyên được thực hiện chỉ khi “giá tài nguyên phổ biến trên thị trường biến động lớn: tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu của Khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành” (khoản 1 Điều 6 Thông tư 44/2017/TT-BTC và khoản 1 Điều 1 Thông tư 05/2020/TT-BTC). Khi đó, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Thuế, Sở TN&MT báo cáo UBND cấp tỉnh có văn bản trao đổi với Bộ Tài chính trước khi quyết định ban hành văn bản điều chỉnh Bảng giá tính thuế tài nguyên.

Cũng tại An Giang trên sông Hậu, mỏ cát tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng, một DN đã trúng đấu giá lên tới gần 273 tỷ đồng, tức cao hơn gần 62 lần

Kiến nghị

1. Nếu mọi việc diễn ra như đúng kết quả chung cuộc của cuộc đấu giá thì quá tốt. Nhưng nếu không diễn ra như vậy thì hậu quả mà DN khai thác mỏ cát lựa chọn theo phương thức chậm nộp nghĩa vụ tài chính sẽ để lại vô cùng lớn, không những làm thất thu ngân sách lớn mà môi trường sinh thái sẽ bị tàn phá khôn lường. Vì vậy cần phải sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật điều chỉnh theo hướng tăng thêm số tiền trúng đấu giá phải nộp lần đầu ít nhất là 50% tổng số tiền phải nộp; rút ngắn số lần và thời gian phải nộp đối với số tiền còn lại, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự thất thoát ngân sách, một khi DN cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và lựa chọn giải pháp “bỏ của chạy lấy người”.

Đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan có chức năng (Sở TN&MT, Công an các cấp…) đối với cát mỏ cát sau khi được cấp quyền khai thác. Qua đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi khai thác không đúng thiết kế và phạm vi cho phép, khai thác vượt mức sản lượng cho phép…

2. Từ thực tế cho thấy, giá tính thuế tài nguyên không theo kịp giá thị trường là một trong những nguyên nhân làm cho việc xây dựng giá khởi điểm các mỏ cát của cấp có thẩm quyền trong thời gian qua, để xảy ra chênh lệch “khủng” so với giá đấu giá trúng. Như vậy để khắc phục, đưa giá cát về tiệm cận giá thị trường, làm cơ sở để xây dựng giá khởi điểm các mỏ cát sát với giá đấu giá trúng; cần phải sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư 44/2017/TT-BTC và Thông tư 05/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, theo hướng rút ngắn khoảng cách giữa giá tối thiểu và giá tối đa của khung giá tính thuế tài nguyên. Về lâu dài nên chăng bãi bỏ việc ban hành khung giá và giao quyền quyết định giá tính thuế tài nguyên về UBND cấp tỉnh quyết định, để kịp thời điều chỉnh khi giá cát trên thị trường biến động quá ngưỡng quy định.

VŨ LÊ MINH

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-vu-dn-trung-dau-gia-mo-cat-cao-hon-gia-khoi-diem-gan-400-lan-kien-nghi-bit-lo-hong-phap-luat-dau-gia-so-tien-trung-dau-gia-phai-nop-lan-dau-it-nhat-la-50-a249522.html