Chuyên gia hiến kế: Chính phủ mới cần ưu tiên làm gì trong nhiệm kỳ 2021-2026?

Chính phủ mới được bàn giao trong thời điểm Việt Nam đã chống dịch thành công, kinh tế tăng trưởng là khởi đầu thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng là áp lực vì vẫn còn quá nhiều nhiệm vụ ngổn ngang.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định ‘chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số’ là một trong những nhiệm vụ trong tâm của Quốc hội và Chính phủ nhiệm kì mới. Trong tuần này, Quốc hội đã phê chuẩn chức danh Thủ tướng cùng các Bộ trưởng cho nhiệm kỳ Chính phủ mới.

Theo đó, mới đây, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ mới một số ưu tiên và kế hoạch cụ thể gồm:

Khắc phục hậu quả COVID-19

Chiều 5/4, ông trở thành tân Thủ tướng của Việt Nam, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ mới. Khác với những lãnh đạo trên thế giới nhậm chức giữa tâm bão COVID-19, Chính phủ mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính xem như có bước khởi đầu trong thời bình.

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức chiều 5/4

Đây được xem là điểm thuận lợi khi Chính phủ mới được chuyển giao từ Chính phủ cũ - một Việt Nam được thế giới công nhận vượt bão COVID-19 thành công, là nước hiếm hoi có GDP tăng trưởng dương năm 2020.

Chưa đầy một tuần trước, Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố, GDP quý I vẫn tăng trưởng 4,48% - một con số tích cực nếu nhìn vào các nước khác.

Tuy nhiên, cũng số liệu từ Tổng cục Thống kê đã chỉ ra, hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng, hơn 69% giảm thu nhập, gần 40% giảm giờ làm và hàng triệu người phải tạm nghỉ vì COVID-19.

Thêm nữa, dịch bệnh đã khiến nền kinh tế tăng thấp nhất trong thập kỷ, kéo tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 còn khoảng 5,9%. Với một nước đang muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình như Việt Nam, GDP trung bình mỗi năm cần tăng trưởng khoảng 7%, thậm chí theo một số chuyên gia kinh tế, phải là 10%, mới được xem là đạt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cấp bách đầu tiên Chính phủ mới cần giải quyết là lo sinh kế cho người dân, khắc phục hậu quả COVID-19 .

Dòng người lấy phiếu làm trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm Cầu Giấy (Hà Nội) hồi đầu tháng 6.

TS Phùng Đức Tùng, Giám đốc Viện nghiên cứu Phát triển Mê Kông cho rằng, Chính phủ mới cần tính toán ngay các gói hỗ trợ, để vực dậy các ngành bị ảnh hưởng nặng nề và người lao động. Khả năng một lượng lớn lao động sẽ không thể quay về nghề nghiệp cũ, cần được trợ cấp, đào tạo để dịch chuyển việc làm nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài ra, để phục hồi kinh tế, theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chính phủ mới cũng cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine toàn dân. Ông cho rằng, cuộc chiến chống COVID-19 bây giờ có điểm khác trước, bởi nhiều nước trên thế giới đang chạy đua tiêm vaccine nhanh chóng, tạo miễn dịch cộng đồng cho toàn dân

"Nếu chậm trễ, Việt Nam có nguy cơ là nước chống dịch thành công, nhưng sẽ bị "chậm chân" trong cuộc đua hồi phục sau dịch bệnh", ông Nguyễn Sĩ Dũng nói.

Ưu tiên phát triển hạ tầng cho nền kinh tế số

Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công nhấn mạnh: "Việt Nam phải tập trung hạ tầng cho nền kinh tế số, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Song song với tiếp tục đầu tư hạ tầng cứng truyền thống như điện, đường… là ưu tiên cho hạ tầng số như 5G, hệ thống băng thông rộng, điện toán đám mây…".

Nói thêm, ông Đồng cho rằng, việc phát triển kinh tế số trong nước cũng liên quan mật thiết đến ưu tiên về nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới. Là quốc gia có 100 triệu dân, Việt Nam cần có tham vọng đảm đương vai trò một cường quốc bậc trung, phải tham gia kiến tạo những thể chế mới trong hợp tác quốc tế mà hầu hết liên quan đến thể chế kinh tế số.

Phát triển hạ tầng kinh tế số liên quan mật thiết đến ưu tiên về nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới

Đồng thời, sử dụng cơ chế đối tác công tư (PPP) một cách phù hợp, trong đó không chỉ huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong nước, mà cả các doanh nghiệp lớn nước ngoài sẽ giúp giải quyết đồng thời bài toán bài toán tài chính và bài toán hiệu quả khi đầu tư cho hạ tầng số quốc gia.

Hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý cho các vấn đề của kinh tế số

Cụ thể, khung khổ pháp lý cho các vấn đề của kinh tế số gồm: dịch vụ số và thương mại số, gồm thương mại số xuyên biên giới; bảo vệ dữ liệu cá nhân; ‘tài sản số’, đồng tiền kĩ thuật số…

Do công nghệ số là xuyên quốc gia, các vấn đề kể trên không phải chỉ xử lý riêng rẽ trong ‘biên giới’ Việt Nam mà cần đặt trong tương quan với các nước trong khu vực và các thể chế mang tính toàn cầu.

Vì vậy, Chính phủ mới cần chủ động tham gia khởi xướng, kiến tạo các sáng kiến pháp lý; các hiệp định thương mại số song phương và đa phương là cách tiếp cận phù hợp, vừa giúp xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động kinh tế số, đồng thời khẳng định vị thế và tham vọng của Việt Nam với tư cách là một cường quốc bậc trung phát triển và thịnh vượng vào 2045.

Theo cafebiz.vn

Nguồn bài viết: https://cafebiz.vn/chuyen-gia-hien-ke-chinh-phu-moi-can-uu-tien-lam-gi-trong-nhiem-ky-2021-2026-20210410111750333.chn

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chuyen-gia-hien-ke-chinh-phu-moi-can-uu-tien-lam-gi-trong-nhiem-ky-2021-2026-a249303.html