ĐBQH Lê Thanh Vân nêu bài học từ một Bộ trưởng bị kết án do sai lầm khi làm Thứ trưởng

“Trong nhiệm kỳ này, một Bộ trưởng bị tống giam, kết án do những sai lầm nghiêm trọng khi còn làm Thứ trưởng của nhiệm kỳ trước. Đấy không phải là bài học chăng"?

Chủ tịch nước hoàn thành rất tốt nhiệm vụ

Chiều nay 29/3, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 11, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Với báo cáo của Chủ tịch nước, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng “đây là bản kiểm điểm rất chân thành của Tổng bí thư trên cương vị Nguyên thủ quốc gia”.

Ông dẫn lại, trong báo cáo của mình, Chủ tịch nước có 2 điều giãi bày. Một là do điều kiện tuổi tác nhưng Chủ tịch nước đã có cách phân công và ủy quyền để việc nước vẫn suôn sẻ, đất nước vẫn thanh bình. Giãi bày thứ hai là rất cân nhắc thấu đáo khi xem xét các vụ án để ân giảm tử hình.

“Điều đó cho thấy, ở cương vị là Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ”, ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Trong nhiệm kỳ mới, ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị Chủ tịch nước quan tâm hơn nữa đến hoạt động của các cơ quan tư pháp vì tình trạng oan sai, những vụ án thấu trời giội đất phản ánh tính công minh của pháp luật, ân đức của chế độ cho nên phải hết sức thận trọng. Đặc biệt là xem xét cả đợt đặc xá để xem tội nhân ăn năn hối cải để ân giảm án cho họ.

Phiên họp Quốc hội ngày 29/3.

Chất lượng nhân sự Chính phủ là điều cần suy ngẫm

Với báo cáo của Chính phủ, vị ĐBQH đoàn Cà Mau bày tỏ tán thành với nhiều nội dung mà báo cáo đã nêu ra cũng như nhiều ĐBQH đã phát biểu.

“Tôi cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ này là một Chính phủ có khát vọng vì một Việt Nam hùng cường với hình ảnh Thủ tướng xông xáo, năng động, lăn lộn vào thực tiễn. Tuy nhiên, báo cáo sẽ sâu sắc hơn nếu đề cập đến những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức nhân sự, đặc biệt là chất lượng nhân sự”, ĐBQH Lê Thanh Vân nêu.

Ông Vân dẫn ra, nếu như hoạt động của Quốc hội có chất lượng tùy thuộc vào chất lượng ĐBQH thì vấn đề tiên quyết trong hoạt động của Chính phủ cũng là chất lượng của nhân sự thuộc Chính phủ.

“Trong nhiệm kỳ này, một vị Bộ trưởng đã bị tống giam, kết án do những sai lầm nghiêm trọng từ khi đang còn làm Thứ trưởng của nhiệm kỳ trước. Đấy không phải là bài học chăng?”, ĐBQH Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Ông cũng quan tâm đến bài học về tính chủ động, chủ công, tự chủ thể hiện rõ nhất qua việc chống dịch Covid-19 của Chính phủ được nhân dân cả nước hết sức ủng hộ.

Tính chủ công ở đây là đi đầu, chủ động của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng ban hành ngay lập tức các chỉ thị, chỉ đạo hệ thống vào cuộc xử lý.

Tính chủ công thể hiện, cũng là bộ máy Chính phủ mà tiên phong đi đầu là ngành y tế.

Tính tự chủ thể hiện, trong bối cảnh thế giới vẫn đang lúng túng với Covid 19 thì Việt Nam đã có phác đồ điều trị tích cực, có cách thức chống dịch rất đặc biệt. Và ngày nay, chúng ta đang chờ đợi vắc-xin do Việt Nam sản xuất.

“Tôi nghĩ rằng, nếu tổng kết rút ra thì rất hữu ích cho phòng thủ quốc gia, xây dựng kinh tế với 3 tinh thần chủ lực, chủ công và tự chủ như vậy”, ông Vân bày tỏ quan điểm.

Rà soát quan hệ đạo đức văn hóa xuống cấp nâng lên thành quan hệ pháp luật

ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị Chính phủ khóa tới quan tâm 3 vấn đề.

Một là, tăng cường chất lượng thể chế, đặc biệt là thể chế nhân sự. Cần có đột phá trong tổ chức. Chúng ta đã có cải cách bộ máy hành chính rất nhiều lần nhưng chưa lần nào có kết quả rõ nét. Nếu không tổ chức lại bộ máy Chính phủ trong điều kiện công nghệ phát triển thì sẽ phải tăng chi phí nguồn lực cho bộ máy rất lớn và không có dư địa để tích lũy cho đầu tư phát triển. Cho nên, tổ chức bộ máy là khâu đột phá thứ nhất.

Thứ hai, Chính phủ cần quan tâm, phát huy dân chủ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là dân chủ để phát huy nguồn trí tuệ, trọng dụng nhân tài. Gây dựng niềm tin để nhân dân yên tâm đầu tư vào kinh tế tư nhân, tham gia vào các hoạt động kinh tế quốc dân khác.

Thứ ba, củng cố các quan hệ đạo đức, văn hóa xã hội vốn dĩ xuống cấp rất nghiêm trọng. Cần rà soát các quan hệ đạo đức văn hóa đã xuống cấp để nâng lên thành quan hệ pháp luật. Bởi khi đạo đức, văn hóa xuống cấp thì không dùng đức trị được nữa, phải dùng pháp trị, tức là các biện pháp mạnh mẽ hơn, cứng nhắc hơn để lập lại trật tự đạo đức, văn hóa xã hội từ gia đình đến xã hội, nhà trường.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/bai-hoc-tu-mot-bo-truong-bi-ket-an-do-sai-lam-khi-lam-thu-truong-a509918.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dbqh-le-thanh-van-neu-bai-hoc-tu-mot-bo-truong-bi-ket-an-do-sai-lam-khi-lam-thu-truong-a248692.html