Những đề xuất đáng lưu ý của Đại biểu Quốc hội

(Pháp lý) - QH khóa XIV đã để lại những dấu ấn cải cách mạnh mẽ trong lòng cử tri với những quyết sách rất ấn tượng có lợi cho dân cho nước. Hoạt động của Quốc hội đã giúp Đảng, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước đánh giá lại chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo trong hoạt động của mình.

Kỳ họp thứ 11 – kì họp cuối của Quốc hội khóa XIV đang diễn ra với thời lượng họp ngắn, nhưng có nhiều nội dung vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận và quyết định. Đáng chú ý, tại kì họp cuối nhiệm kì này, nhiều ĐBQH đã thẳng thắn tự phê bình và chỉ ra những vấn đề còn tồn tại ngay chính trong nội tại của Quốc hội, của mỗi ĐBQH, từ đó đề xuất kiến nghị nhiều vấn đề đáng lưu tâm.

Sự liêm chính trong xây dựng pháp luật.

Cần đánh giá lại công tác làm luật là góp ý, đề xuất của nhiều Đại biểu . Bên cạnh đó, có Đại biểu nhấn mạnh cần đặc biệt coi trọng sự liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị cần đánh giá lại công tác làm luật

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị cần đánh giá lại công tác làm luật. Theo ông Ngân, chất lượng xây dựng luật pháp cần được nâng cao hơn, bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp thực tiễn, dễ hiểu, tránh chồng chéo. Có như vậy mới tạo yên tâm cho người dân, doanh nghiệp đầu tư làm ăn.

Còn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng nếu giao cho Chính phủ soạn thảo luật sẽ khó bảo đảm tính khách quan. Chất lượng làm luật cũng chưa bảo đảm, có những dự thảo luật từ dự thảo lần thứ nhất đến lần cuối không có thay đổi bao nhiêu. Nếu không thay đổi thì các nhiệm kỳ tới cũng chỉ dừng như vậy. Bên cạnh đó, những dự án luật "khó" thì chúng ta bỏ qua, điều đó là "mắc nợ" dân.

Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nhận định nhiều luật cần thiết cho cuộc sống chưa được xây dựng và luật phải đi trước để định hướng sự phát triển, tạo hành lang chính sách. Ông Thành cũng chỉ ra những tồn tại của hoạt động lập pháp khi một số luật đọc lại không hay bằng nghị quyết, nghị quyết cụ thể hơn. Đồng thời, cần tránh tình trạng luật vừa ban hành phải sửa hoặc ban hành song không áp dụng được.

Đồng tình với ý kiến nâng cao chất lượng làm luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng cần có các chuyên gia soạn thảo, sau đó ngồi lại với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ để thống nhất nội dung. Nhóm chuyên gia làm luật đó cần có thời gian để họ nghiên cứu, soạn thảo luật cho chất lượng.

Đáng chú ý, Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) bày tỏ trăn trở về liêm chính trong xây dựng pháp luật. Đây là vấn đề ông đã đề cập đến nhiều lần trong nhiệm kỳ này.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho rằng Quốc hội khoá 14 đã làm “tròn vai” trước nhân dân, với những quyết sách và kết quả đã được thể hiện trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, câu chuyện liêm chính trong xây dựng pháp luật là vấn đề cần đề cập.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại QH

Theo đại biểu Bộ, liêm chính trong ứng xử xã hội là tự tạo áp lực cho chính mình trong việc thực hiện các hành vi xã hội, và là nguyên tắc cho mỗi người trở thành công dân tốt.

Liêm chính trong xây dựng, thi hành pháp luật, cao hơn, “là một nguyên tắc tối cần thiết”, vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội và thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của một bộ phận nhỏ xã hội, nhất là bộ phận được giao soạn thảo luật.

Liêm chính mới có thể xây dựng được những văn bản khách quan, toàn diện, có ý nghĩa trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn; sẽ không, hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật đã được các khóa trước kỳ công ban hành, không quy định lợi ích thô thiển của bộ, ngành, đặc biệt bộ, ngành được giao soạn thảo dự án luật. Nếu thiếu và không có liêm chính trong soạn thảo, thẩm tra, sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều “khuyết tật”. Khuyết tật đó là sự mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản cũ.

Đó là việc biến văn bản pháp luật thành công cụ để cơ quan soạn thảo, hoặc là hiện thực hoá lợi ích của bộ, ngành mình, trong đó có những lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân; hoặc là công cụ để tiếm quyền của bộ, ngành khác. Đó là việc vòng đời của các văn bản rất ngắn, kéo theo việc tốn kém thời gian, công sức, kinh phí để bàn cãi và ban hành văn bản thay thế. Có những hồ sơ dự án luật chất lượng rất thấp được trình ra Quốc hội, làm Quốc hội rất mất thời gian để thảo luận.

“Trong khoá này, đa số các văn bản đã được ban hành là có liêm chính. Chính sự liêm chính đó mà Quốc hội đã thông qua rất nhiều văn bản, là một phần của thể chế tốt đẹp đã thúc đẩy xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói, và nhấn mạnh, “mặc dù rất ít”, thì vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là “sự thiếu liêm chính có chủ ý”.

Trước thực tế này, đại biểu Bộ đề nghị cần có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong xây dựng luật; đề nghị đại biểu Quốc hội luôn nghĩ đến sự liêm chính khi cho ý kiến về các dự án luật.

Cần chặn đứng tham nhũng chính sách

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, ngoài chậm trễ trong chuẩn bị hồ sơ một số luật thì vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp với đường lối, có dự án luật gây bức xúc trong dư luận, chưa đánh giá hết tác động, không lường hết hậu quả trước mắt và lâu dài. Theo ông Nhưỡng, việc thẩm tra, thẩm định luật còn nhiều sơ hở, một số dự án chất lượng chưa cao, để lọt lưới những chính sách chưa phù hợp, có dấu hiệu của lobby không lành mạnh, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng Quốc hội đã thông qua những đạo luật chất lượng, song có thể nhận thấy những quy định nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ tham nhũng chính sách, hành vi này đặc biệt nguy hiểm vì sẽ “tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho tham nhũng có hệ thống”.

Bà Vũ Thị Lưu Mai phát biểu chỉ ra một số nguy cơ tham nhũng chính sách

Bà Mai chỉ ra những khía cạnh có thể tồn tại nguy cơ tham nhũng chính sách như các quỹ tài chính ngoài ngân sách, quản lý đất đai, ưu đãi tài chính, phân cấp, phân quyền các dự án… Nữ đại biểu Hà Nội cho rằng cần quan tâm đề cao ý kiến của người dân, doanh nghiệp chịu tác động của chính sách, nâng cao hoạt động thẩm tra.

Đổi mới việc tiếp xúc cử tri, nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH.

Đại biểu Thào Xuân Sùng (Hà Giang) , ông cho rằng cần đánh giá sâu, quan tâm hơn vấn đề tăng cường, đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Qua quan sát có thể thấy công tác giám sát thông qua hoạt động của từng đại biểu sau mỗi kỳ họp chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình mọi mặt của đất nước. Do vậy, một bộ phận đại biểu có những suy nghĩ rất chủ quan vẫn phát biểu tại Quốc hội.

Theo ông Sùng, trên cương vị công tác, đại biểu cần nắm chắc tình hình của đất nước và địa phương mà mình ứng cử, như vậy mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Do vậy, theo đại biểu Hà Giang, Quốc hội khóa sau cần nâng cao hoạt động, mà linh hồn của Quốc hội là các đại biểu.

Ông Sùng đề xuất cần đánh giá tác phong của đại biểu, nhất là đại biểu có chức vụ cao. Ông lấy ví dụ, sau lũ lụt miền Trung ông đi 3 chuyến nhưng thấy lãnh đạo cao cấp nhất có mặt ở đây rất ít và chia sẻ: "Lãnh đạo cấp cao, đại biểu, các thành viên Chính phủ, người đứng đầu cơ quan tư pháp phải đi như thế. Vì sao có vụ án lúng túng, kéo dài, là do không hiểu thôi. Mỗi vùng có văn hóa khác nhau, nếu người xét xử hiểu văn hóa vùng, tộc người, văn hóa giới tính thì giải quyết rất nhanh".

Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho rằng Quốc hội khóa XIV đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong nhân dân, có sự chuyển biến về chất từ tham luận sang tranh luận. Ông mong Quốc hội khóa tới tiếp tục đổi mới, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thiện chính sách cơ chế dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, đồng thời quan tâm đến chất lượng, số lượng các đại biểu chuyên trách.

Ngoài ra, cũng có ý kiến ĐB nhận xét, năng lực phân tích chính sách của một số đại biểu chưa đáp ứng yêu cầu của một chính khách nhà nước, thậm chí còn tình trạng dễ dãi, dĩ hoà vi quý để bấm nút thông qua luật một cách cảm tính, chưa thực sự dành tâm huyết nghiên cứu, thể hiện được quan điểm trách nhiệm xây dựng luật pháp trước nhân dân.

Cần đánh giá việc tổ chức thực hiện hoạt động lấy phiếu tín nhiệm

Theo quy định, việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được thực hiện tại kỳ họp cuối năm thứ 3 mỗi nhiệm kỳ. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với 3 mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Người bị quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức. Người bị 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Nêu ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm trong nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, đây là hoạt động được người dân kỳ vọng, cũng là thước đo trong đánh giá cán bộ, là cơ hội để những lãnh đạo chính trực tỏa sáng thêm một lần và cũng là nơi đòi hỏi các vị đại biểu thể hiện tinh thần thẳng thắn dám đấu tranh khách quan, công bằng.

Từ đó, bà Mai khẳng định: "Hoạt động này chỉ mang ý nghĩa thiết thực khi nó không bị ảnh hưởng bởi tính hình thức". Đại biểu Mai cho rằng, trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội khoá 14 đã mang lại hiệu ứng tích cực và những đóng góp của những người được lấy ý kiến đã được ghi nhận một cách công bằng.

Tuy nhiên, theo bà Mai, qua tiếp xúc cử tri, bà nhận được câu hỏi của người dân, rằng “ông, bà thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là mang tính thực chất hay không” ?.

"Tôi hiểu và cảm nhận được rằng đằng sau câu hỏi đó còn là băn khoăn, lo lắng của người dân và có lẽ cử tri chờ đợi điều gì nhiều hơn thế", đại biểu Hà Nội chia sẻ.

Từ đó, bà Mai đề nghị, cần đánh giá việc tổ chức thực hiện hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và quan tâm hai khía cạnh. Theo bà Mai, hiện nay, trong lấy phiếu tín nhiệm đang để 3 mức là: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. "Việc để 3 mức có thể đề cao tính nhân văn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá. Nhiều ý kiến cho rằng, việc để 3 mức như vậy sẽ khó so sánh trong đánh giá kết quả vừa những người được lấy phiếu tín nhiệm", bà Mai thẳng thắn.

Khía cạnh thứ 2 bà Mai cho rằng cần quan tâm đánh giá là liên quan đến số lần lấy phiếu tín nhiệm. "Để đánh giá cố gắng những tiến bộ của người được lấy phiếu tín nhiệm một số ý kiến đề xuất, nên chăng thực hiện 2 lần trong một nhiệm kỳ", bà Mai đề xuất.

“Tập đoàn kinh tế lớn phải giải trình trước Quốc hội”

Đó là đề xuất của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng . Theo ĐB Nhưỡng, Quốc hội chưa đòi hỏi bất cứ tập đoàn kinh tế nào giải trình trước Quốc hội. ĐBQH đề xuất, tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân cần giải trình trước Quốc hội.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề xuất: “Tập đoàn kinh tế lớn phải giải trình trước Quốc hội”

ĐB Nhưỡng bày tỏ: “Giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp với Quốc hội chưa cao, vẫn còn là hình thức. Quốc hội chưa đòi hỏi bất cứ một tập đoàn kinh tế nào giải trình trước Quốc hội. Tôi thấy cần yêu cầu các tập đoàn kinh tế, trước hết là tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước và sau đó là tư nhân giải trình trước Quốc hội vì họ đang sống và làm việc theo pháp luật”.

Quốc hội thực hiện được vai trò là cơ quan đại diện của nhân dân, dân chủ, nhân văn, thông qua Quốc hội các vấn đề quan trọng của đất nước được giải quyết…Từ vai trò rất quan trọng đó của QH, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ băn khoăn về công tác giám sát của Quốc hội cho dù rộng và quyết liệt nhưng còn một số lĩnh vực chưa được quan tâm, ví dụ một cuộc giám sát tối cao về dân tộc miền núi mà ông đã đề cập đến ở 3 kỳ họp.

“Cử tri đề cập đến tôi, cho rằng thời lượng chất vấn của Quốc hội chưa nhiều. Chất lượng chất vấn tốt nhưng cần tăng thời lượng và nghiên cứu lấy phiếu tín nhiệm 2 lần với các thành viên Chính phủ và những người được Quốc hội bầu. Nếu chỉ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần thì giá trị và hiệu quả mang lại không cao”, ông Nhưỡng đề xuất.

Hà Trang ( T/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-de-xuat-dang-luu-y-cua-dai-bieu-quoc-hoi-a248528.html