Trong vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, có 3 người nước ngoài liên quan nhưng đã về nước trước khi vụ án được khởi tố. Vậy, xử lý ra sao đối với các cá nhân này?
Không ảnh hưởng đến việc xử lý các bị can khác?
Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an vừa ra kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đồng thời, cơ quan điều tra cũng chuyển hồ sơ đến VKSND Tối cao, đề nghị truy tố 36 bị can về tội Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự. Vụ án này đã được ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào diện đại án từ năm 2019.
Kết luận điều tra cho thấy, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư rất lớn, hơn 34.500 tỷ đồng. Dự án này do VEC (công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km, trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65km từ TP.Đà Nẵng tới TP.Tam Kỳ (Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74km.
Dự án được khởi công năm 2013 và từ tháng 9/2018 đã đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1. Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, gây bức xúc trong nhân dân nên cơ quan điều tra bộ Công an đã vào cuộc làm rõ.
Cũng theo cơ quan điều tra, ngoài 36 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, còn có 3 người nước ngoài liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong việc giám sát thi công các gói thầu. Các cá nhân này đã về nước trước khi vụ án được khởi tố. Qua đó, dư luận đặt ra băn khoăn rằng, vậy việc xử lý vụ án sẽ gặp khó khăn gì và quy trình xử lý như thế nào đối với các trường hợp trên?
Trao đổi với PV ĐS&PL xung quanh vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Một số chuyên gia nước ngoài được cho là có sai phạm liên quan trong vụ án nhưng đã về nước trước khi vụ án được khởi tố. Cụ thể, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an xác định, ông Takao Inami, Tư vấn trưởng, Giám đốc Văn phòng giám sát dự án cao tốc Đà Nẵng- Quãng Ngãi liên quan đến việc gây thiệt hại hơn 567 tỷ đồng; Ông Diego Lopez Ruiz (quốc tịch Tây Ban Nha), Giám đốc Ban điều hành liên danh, trực tiếp phụ trách phân đoạn do công ty OHL thi công tại gói thầu số 7; Ông Segi Tadashi, ông Kurihara Nobuyuki (quốc tịch Nhật Bản), kỹ sư thường trú, Giám đốc các Văn phòng tư vấn giám sát hiện trường, trực tiếp quản lý giám sát các gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Luật sư Vinh phân tích: "Trong trường hợp có căn cứ chứng minh những người này đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng do họ đã về nước thì cũng được xác định giống trường hợp người phạm tội bỏ trốn.
Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định tạm đình chỉ điều tra với người đó, khi nào bắt được sẽ xem xét, xử lý sau. Việc này không ảnh hưởng đến việc khởi tố, truy tố và xét xử các bị can khác liên quan trong vụ án".
Về hướng xử lý đối với những người có liên quan trong vụ án nhưng đã bỏ về nước trước khi vụ án được khởi tố, luật sư Vinh cho rằng: "Đối với các quốc gia mà Việt Nam ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự thì có thể đề nghị quốc gia đó giao nộp người liên quan trong vụ án cho nước mình hoặc có thể thông qua tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol, nhờ Interpol phát lệnh truy nã, sau đó nhờ Interpol bắt giữ nghi phạm, dẫn độ về Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam; quan trọng là có đủ chứng cứ kết luận người đó sai phạm và đủ điều kiện truy tố".
Hai hướng giải quyết
Cũng trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên điều tra viên cao cấp của Công an TP.Hà Nội nêu quan điểm: "Những trường hợp như trên thì pháp luật cũng đã có quy định để giải quyết. Trước hết, phải xác định hành vi vi phạm pháp luật của 3 người nước ngoài xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và theo quy định tại Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam thì thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế quy định khác".
"Đối với cụ thể 3 trường hợp cá nhân nói trên, kết luận điều tra chưa nói rõ là hành vi của họ đã cấu thành tội phạm hay chưa. Có thể là chưa đủ căn cứ, bởi vì chưa lấy được lời khai của họ hoặc chưa thu thập được những chứng cứ cần thiết để khởi tố họ, thì cũng chưa thể coi họ là bị can. Trong trường hợp này, có một số giải pháp.
Một là, có thể thông qua con đường ngoại giao, các cơ quan chức năng của Việt Nam làm thủ tục ủy thác điều tra, đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng của Nhật Bản và Tây Ban Nha hỗ trợ ghi lời khai, thu thập chứng cứ liên quan từ bên đất nước họ rồi chuyển về Việt Nam, phục vụ cho quá trình điều tra giải quyết vụ án, nhằm đảm bảo khách quan, toàn diện.
Cách thứ hai, có thể thông qua cơ quan ngoại giao để triệu tập 3 cá nhân trên sang Việt Nam, đến cơ quan điều tra làm việc, thực hiện theo trình tự thủ tục của pháp luật Việt Nam".
Luật sư Vinh lưu ý, khi nhờ quốc gia mà Việt Nam ký Hiệp định tương trợ tư pháp hay Interpol bắt giữ người phạm tội thì Việt Nam phải ra quyết định khởi tố bị can trước.
Theo doisongphapluat.com
Nguồn bài viết: https://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/vu-cao-toc-da-nang-quang-ngai-xu-ly-3-chuyen-gia-da-ve-nuoc-nhu-the-nao-a359023.html
Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-cao-toc-da-nang-quang-ngai-xu-ly-3-chuyen-gia-da-ve-nuoc-nhu-the-nao-a247840.html