(Pháp lý) - Bê bối tài chính của quỹ đầu tư 1MDB và SRC International Sdn Bhd được cho rằng có gắn với trách nhiệm kiểm toán của Công ty kiểm toán Deloitte PLT trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2014. Theo đó, mới đây Deloitte PLT đồng ý chi trả Chính phủ Malaysia 80 triệu USD nhằm giải quyết các khiếu nại pháp lý liên quan đến nghĩa vụ ủy thác của mình. Tuy nhiên, những vấn đề pháp lý xung quanh vụ bê bối trên vẫn là đề tài nóng trong giới tài chính và kiểm toán.
Deloitte PLT được thuê kiểm toán Quỹ đầu tư 1MDB
1MDB là một công ty đầu tư của Chính phủ Malaysia – có tên đầy đủ là 1Malaysia Development Bhd. Được thành lập trong năm 2009 dưới thời của ông Najib, người đứng đầu ban tư vấn của Công ty. Các sáng kiến ban đầu của 1MDB bao gồm mua lại các nhà máy điện tư nhân và lên kế hoạch xây dựng khu phố tài chính mới ở Kuala Lumpur. Tuy nhiên, quỹ này lại nổi tiếng ở khoản đi vay nhiều hơn là thu hút các khoản đầu tư quy mô lớn. Trước khi ngưng hoạt động, quỹ 1MDB có tổng nợ tích lũy là 12 tỷ USD.
Các chuyên viên điều tra đã và đang cố gắng lần theo các dấu vết để trả lời cho câu hỏi: Liệu dòng tiền có chảy vào 1MDB và được chuyển bất hợp pháp qua các tài khoản cá nhân hay không. Một phần tiền được cho là đã đi vào túi của ông Najib và gia đình ông, bao gồm cả khoản tiền 681 triệu USD nằm trong tài khoản ngân hàng cá nhân của Najib, theo lời của các công tố viên của Mỹ.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng, khoản tiền trên đến từ một pháp nhân ở nước ngoài có tên Tanore Finance.Ngoài ra, một khoản tiền 700 triệu USD thuộc quỹ 1MDB dành cho mối quan hệ liên doanh với một công ty có tên PetroSaudi International được phát hiện là đã chuyển vào một tài khoản không liên quan ở nước ngoài.
Nếu Malaysia hợp tác thì có thể giúp các chuyên viên điều tra trên thế giới ghép nối với nhau để tìm ra bao nhiêu tỷ USD đã bị biển thủ và rửa tiền thông qua các trung tâm tài chính ở Mỹ, châu Âu và châu Á. Mỹ cho biết hơn 4.5 tỷ USD đã được rót vào quỹ 1MDB, thông qua một mạng lưới phức tạp, bao gồm các giao dịch mù mờ và các công ty vỏ bọc giả mạo, để tài trợ cho các khoản chi tiêu phung phí của các quan chức tham nhũng và những cộng sự của họ.
Cáo buộc cho rằng một nhóm người Malaysia đã chuyển tiền từ quỹ 1MDB sang các tài khoản cá nhân – vốn làm giả để trông như là các doanh nghiệp hợp pháp, và chuyển một phần cho các quan chức. Trả lời cho câu hỏi “họ đã làm như thế nào” có thể góp phần khép lại những lỗ hổng trong hệ thống tài chính toàn cầu – một mầm móng làm nảy sinh những hành động sai trái như trên.
Sau khi bê bối bị phát hiện, có ít nhất 10 quốc gia tham gia cuộc điều tra có liên quan tới quỹ 1MDB, tập trung vào các khoản tiền tham nhũng hoặc nạn rửa tiền. Bộ Tư pháp Mỹ đang cố gắng thu hồi khoảng 1.7 tỷ USD tài sản mà họ cho là đã được mua lại trái phép thông qua lượng tiền từ quỹ 1MDB, bao gồm bất động sản, tranh nghệ thuật, một chiếc du thuyền hạng sang và lượng tiền từ bộ phim “Sói già Phố Wall”.
Singapore và Thụy Sỹ đã áp lệnh phạt tài chính lên một vài ngân hàng vì những sai sót trong quá trình kiểm soát rửa tiền có liên quan tới các dòng vốn từ 1MDB. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), những nhân chứng có thể quá sợ về việc tiết lộ với các chuyên viên điều tra Mỹ vì họ sợ bị trả thù. Chính quyền mới của Malaysia hiện đang khởi động cuộc điều tra của riêng họ.
Để xảy ra chuyện rửa tiền và tham nhũng tại quỹ 1MDB là trách nhiệm của các công ty kiểm toán. Trước đó, đã có 3 công ty kiểm toán độc lập hàng đầu thế giới là KPMG, Ernst & Young và Deloitte lần lượt được thuê để kiểm toán và giám sát hoạt động của quỹ này. Riêng công ty Deloitte trong thời gian 2011-2014 được thuê để kiểm toán 1MDB.
Hành trình giải “mật” báo cáo kiểm toán 1MDB
Trong phiên tòa hình sự thứ 3 xét xử cựu Thủ tướng Najib, giới tài chính châu Á để ý đến một thông báo quan trọng. Trong một tuyên bố, Trưởng Công tố Gopal Sri Ram khẳng định ông Najib cùng với tòng phạm Arul Kanda, cựu Giám đốc điều hành Quỹ 1MDB - đã không nhận tội tại Tòa Thượng thẩm Kuala Lumpur đối với các cáo buộc là sửa đổi một báo cáo kiểm toán về quỹ bê bối này.
Trình bày trước tòa, ông Gopal nêu rõ: “Bị cáo đã lợi dụng vị trí của mình với tư cách thủ tướng và bộ trưởng tài chính để chỉ đạo gỡ bỏ các thông tin quan trọng… Cơ quan công tố sẽ chứng minh việc bị cáo Najib đã làm nhằm tránh trách nhiệm pháp lý về dân sự và hình sự với vai trò là “người giật dây” 1MDB, cũng như trên các cương vị thủ tướng kiêm bộ trưởng bộ tài chính”.
Cuộc điều tra của cơ quan tổng kiểm toán Malaysia được thực hiện năm 2015 khi vụ bê bối Quỹ 1 MDB bùng phát. Các công tố viên đã cáo buộc ông Najib và tòng phạm Arul về tội lạm quyền. Cả hai có thể bị kết án tới 20 năm tù và bị phạt tiền nếu bị kết tội liên quan tới việc sửa đổi một báo cáo kiểm toán về quỹ bê bối này trước khi báo cáo này được nộp lên Ủy ban Kiểm toán nhà nước thuộc Quốc hội Malaysia vào tháng 3/2016.
Việc điều tra các sửa đổi báo cáo kiểm toán đối với quỹ 1MDB hết sức khó khăn vì nó thuộc dạng tài liệu mật theo quy định của Malaysia thời ông Najib cầm quyền. Phải đợi đến tháng 5/2018, tờ New Straits Times dẫn lời Tổng kiểm toán Malaysia Madinah Mohamad cho biết báo cáo kiểm toán về 1MDB mới được công khai. Sau cuộc gặp với tân Thủ tướng Mahathir Mohamad, ông Madinah cho hay hiện tại báo cáo nói trên đã được đăng tải trên trang web của Cục kiểm toán. Theo ông Madinah, báo cáo kiểm toán về quỹ 1MDB được xếp loại “mật” vào ngày 22/1/2016, sau đó được chuyển đến Ủy ban Kế toán công hồi tháng 3/2016.
Ngày 12/5/2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã ra lệnh cho cảnh sát dỡ bỏ dấu niêm phong “mật” ra khỏi báo cáo kiểm toán về quỹ 1MDB để tạo điều kiện cho các điều tra.
Sau khi được giải mật, những nhà điều tra của Malaysia cho rằng không chỉ có cựu Thủ tướng Najib và các đồng phạm cố gắng sửa chữa các báo cáo kiểm toán mà còn liên quan đến trách nhiệm của các công ty kiểm toán trong thời gian mà quỹ này hoạt động. Theo đó, cả 3 công ty kiểm toán KPMG, Ernst & Young và Deloitte đều có trách nhiệm trong các kết quả kiểm toán của mình trong thời gian được thuê giám sát và kiểm toán quỹ 1MDB. Đồng thời có trách nhiệm gián tiếp liên quan tới việc để thất thoát 4,5 tỷ USD từ các giao dịch với nước ngoài thông qua 1MDB.
Trách nhiệm pháp lý đối với công ty kiểm toán: chủ yếu là thỏa thuận và chịu phạt
Tháng 7/2020, Tòa án thượng thẩm ở Kuala Lumpur (Malaysia) đã chính thức kết tội cựu Thủ tướng Najib Razak với 7 tội danh tham nhũng trong phiên xét xử đầu tiên liên quan đến Quỹ đầu tư Nhà nước Malaysia (1MDB). Trong phán quyết, thẩm phán Mohamad Nazlan Mohamad Ghazali nêu rõ, sau khi cân nhắc mọi bằng chứng trong vụ án, tòa án đã đi đến kết luận rằng các công tố viên đã chứng minh được ông Najib có tội.
Phiên tòa cũng tạo điều kiện cho nhà chức trách Malaysia trong các cáo buộc pháp lý nhằm vào các cá nhân và công ty liên quan bao gồm cả các ngân hàng, trung tâm tài chính và công ty kiểm toán.
Việc công ty kiểm toán Deloitte PLT đã đồng ý chi trả chính phủ nước này 80 triệu USD nhằm “giải quyết cả các khiếu nại pháp lý liên quan đến nghĩa vụ ủy thác của mình đối với việc kiểm toán tài khoản của quỹ đầu tư 1MDB và SRC International Sdn Bhd trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2014” chỉ là một phần nhỏ trong “chiến dịch thu hồi và truy cứu pháp lý” của Chính phủ Malaysia đối với quỹ 1 MDB.
Bộ này nhấn mạnh: “Việc dàn xếp thành công ngoài tòa án với Deloitte sẽ đẩy nhanh việc thanh toán các khoản tiền, để hoàn thành các nghĩa vụ chưa thanh toán của 1MDB và SRC, nếu không sẽ bị trì hoãn bởi các cuộc đấu tranh tại tòa án có thể kéo dài và tốn kém”.
Trước đó, ngày 24/7/2020, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ đã đạt được thỏa thuận bồi thường 3,9 tỷ USD cho Chính phủ Malaysia để giải quyết vụ bê bối tham nhũng của Quỹ 1MDB. Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz thông báo hai bên đã nhất trí với khoản bồi thường trên để nhanh chóng khép lại vụ việc.
Cùng thời điểm và cùng vụ việc, Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai (SFC) - cơ quan giám sát các thị trường của Hong Kong (Trung Quốc), đã phạt chi nhánh châu Á của Ngân hàng ngân hàng này với số tiền kỷ lục 350 triệu USD Đây là mức phạt cao nhất mà SFC đưa ra đối với một công ty hoạt động tại trung tâm tài chính châu Á này.
SFC cho rằng những sai sót nghiêm trọng và yếu kém trong khâu giám sát quản lý ở công ty Goldman Sachs (châu Á) LLC đã góp phần gây nên tình trạng thất thoát 2,6 tỷ USD của Quỹ 1MDB. Gần đây nhất, ngày 26/2 vừa qua, Bộ Tài chính Malaysia cũng đạt được thỏa thuận với tập đoàn tài chính AMMB Holdings Berhad về việc giải quyết các khiếu nại trên phạm vi toàn cầu liên quan tới quỹ 1MDB. Theo đó, AMMB Holdings Berhad chấp nhận chi trả Chính phủ Malaysia khoản tiền trị giá 2,83 tỷ ringgit (567,76 triệu USD).
“Khi các nỗ lực kiểm toán và kiểm soát dòng tiền của các công ty kiểm toán, trung tâm tài chính đối với một quỹ không thành công thì điều đầu tiên sẽ là các nỗ lực đàm phán và hòa giải đền bù thiện hại. Trong vụ bê bối quỹ 1MDB, Malaysia và các công ty kiểm toán đã làm tốt điều này” –Chuyên gia tài chính Mỹ Golend Mac nhấn mạnh.
Trần Nguyễn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/be-boi-qui-dau-tu-1mdb-trach-nhiem-phap-ly-nao-dat-ra-voi-cong-ty-kiem-toan-a247549.html