(Pháp lý) - Đại tá Phùng Anh Lê - nguyên trưởng phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội vừa bị cơ quan điều tra của VKSNDTC khởi tố bị can, bắt tạm giam để làm rõ những sai phạm liên quan đến việc tha trái pháp luật người bị bắt
Thời gian qua, đã có không ít các vụ việc, vụ án bị khởi tố điều tra do có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Vậy, xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi như thế nào? cơ quan nào có thẩm quyền điều tra? Có gì đáng chú ý trong những vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp đã được điều tra, xét xử thời gian gần đây ?…
Pháp luật hình sự qui định thế nào về hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp?
Hoạt động tư pháp là những hoạt động xác minh, điều tra, truy tố, xét xử và hoạt động thi hành án của các cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án) và một số cơ quan tổ chức có chức năng nhiệm vụ bổ trợ tư pháp. Hoạt động tư pháp là hoạt động điều tra, tuy tố, xét xử, thi hành án do các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thực hiện trong khuôn khổ pháp luật tố tụng quy định nhằm bảo vệ các quyền lợi của nhà nước, của các tổ chức xã hội và của công dân.
Theo quy định tại Điều 367 Bộ luật Hình sự 2015, tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án. Do đó, xâm phạm hoạt động tư pháp không chỉ xâm phạm đến tính đúng đắn, uy tín, chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư pháp, mà còn xâm phạm đến quyền lợi, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, bao gồm 24 tội danh (từ Điều 368 đến Điều 391), phân loại thành 3 nhóm tội phạm.
Nhóm thứ nhất, các tội phạm mà người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác (có 14 tội thuộc nhóm này bao gồm từ Điều 368 đến Điều 379, Điều 381 và Điều 385, Bộ luật hình sự 2015, như: Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật; Tội dùng nhục hình, tội bức cung, tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc, ; Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật; Tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù,…..)
Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc trong lĩnh vực khác có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Nhóm thứ hai, các tội phạm mà người phạm tội là người tham gia tố tụng (có 5 tội thuộc nhóm này bao gồm các Tội không chấp hành án; Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối; Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu; Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử; Tội vi phạm quy định về giam giữ.
Nhóm các tội phạm này là các tội quy định đối với người tham gia tố tụng có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Nhóm thứ ba, các tội phạm mà người phạm tội là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên (có 5 tội thuộc nhóm này) bao gồm các Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu; Tội đánh tháo người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử, chấp hành án phạt tù; Tội che giấu tội phạm; Tội không tố giác tội phạm; Tội gây rối trật tự phiên tòa, phiên họp.
Nhóm tội phạm này là các tội quy định đối với người có năng lực trách nhiệm dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên, có những hành vi cố ý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền tiến hành điều tra
Theo quy định tại Điều 20, Điều 21 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; khoản 3 Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 8, Điều 30 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thẩm quyền tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.
Do đó khi có dấu hiệu vi phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp, cơ quan điều tra của VKSND tối cao sẽ vào cuộc xác minh, điều tra. Nếu trong trường hợp có dấu hiệu của tội phạm Xâm hại hoạt động tư pháp thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ ra quyết định khởi tố, điều tra vụ hán xâm hại hoạt động tư pháp.
Một số vụ khởi tố tội xâm phạm hoạt động tư pháp thời gian gần đây
1. Một trong những vụ bị khởi tố mới đây nhất, hồi đầu tháng 11/2020, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố, tạm giam Nguyễn Bằng Giang (39 tuổi) và Hoàng Hồng Hạnh (42 tuổi), hai cựu công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình để điều tra "làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc", theo điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo hồ sơ vụ án, bị can Giang và Hạnh liên quan vụ án "Cố ý gây thương tích" do Bùi Mạnh Tiến (Tiến "Trắng", con nuôi Đường "Nhuệ") cùng đồng bọn gây ra cách đây 2 năm. Khi đó, Giang và Hạnh là cán bộ Đội điều tra Hình sự, trực tiếp thụ lý vụ việc.
Năm 2018, giải quyết mâu thuẫn trong kinh doanh chạy xe tuyến Thái Bình - Hà Bình, một nhà xe đã nhờ Phạm Văn Sáng tới "nói chuyện" với anh Trần Ngọc Hoàng, 37 tuổi, trú xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư. Sáng cùng Tiến "Trắng" và một số đàn em đã yêu cầu anh Hoàng chạy xe lùi giờ và "đóng luật" 3 triệu đồng một tháng. Anh Hoàng không chấp nhận nên tối 22/5/2018 bị nhóm Tiến "Trắng" chém đứt cơ, gân hai tay và hai chân. Cơ quan CSĐT Công an huyện Vũ Thư xác định 4 người liên quan vụ chém anh Hoàng gồm: Tiến "Trắng", Sáng, Hoàng Văn Phi và Nguyễn Tuấn Long.
Tháng 6/2018, dưới tác động của Đường "Nhuệ", anh Hoàng có đơn từ chối giám định thương tích, xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với những người đã gây ra thương tích cho mình với lý do là "sức khỏe đã ổn định, thương tích nhẹ". Từ đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư không khởi tố vụ án, phạt vi phạm hành chính với Sáng và Phi mỗi người 2,5 triệu đồng.
Đến tháng 4, vợ chồng Đường "Nhuệ" bị bắt do liên quan nhiều vụ án. Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc, trưng cầu giám định thương tích với anh Hoàng. Kết quả, anh Hoàng thương tật 44%. Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Thái Bình hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Công an huyện Vũ Thư; đồng thời, khởi tố vụ án cố ý gây thương tích theo khoản 3, điều 134, Bộ luật hình sự.
Quá trình xác minh, điều tra, VKSND Tối cao Tối cao xác định ông Giang và Hạnh đã có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình xử lý vụ cố ý gây thương tích đối với nhóm Tiến "Trắng".
2. Trong vụ “kỳ án gỗ trắc”, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã tiến hành khởi tố một vụ án xảy ra tại Cơ quan điều tra của Bộ Công an. Theo đó, trong quá trình C44 (Bộ Công an) thụ lý, điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội “buôn lậu”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đã ra quyết định xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng trái với quy định của pháp luật và trái với chỉ đạo của liên ngành tư pháp trung ương, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 17/12/2011, Công ty Ngọc Hưng (thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị) nhập lô gỗ 614 m3 từ Lào, qua cửa khẩu Lao Bảo. Hai ngày sau, nguyên lô gỗ được xuất sang Trung Quốc, được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt. Khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) để chuyển đi Trung Quốc thì bị lực lượng chức năng phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan, nên đã giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng xử lý. Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố, Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an.
Tuy nhiên, C46 có công văn kết luận: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”. Hồ sơ vụ án được C46 trả về Tổng cục Hải quan, sau đó hồ sơ lại được chuyển sang Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. Cuối cùng, C44 mới ra quyết định khởi tố các bị can trên. Dù vụ án chưa đưa ra xét xử nhưng tháng 12-2013, ông Phan Văn Vĩnh – lúc đó là trung tướng, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an – đã đề xuất “cho xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ”. Ngay sau đề xuất của ông Vĩnh, lô gỗ được bán với giá 63,8 tỉ đồng.
Do đó, trong phiên xử hồi cuối tháng 8-2018, Hội đồng xét xử TAND TP Đà Nẵng đã kiến nghị Cục Điều tra Viện KSND khởi tố điều tra vụ việc bán lô gỗ trắc. Bởi theo HĐXX, vật chứng của vụ án này là tang vật gỗ trắc không thuộc trường hợp mau hỏng hay khó bảo quản. Vì vậy trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã cho bán tang vật của vụ án là không đúng, có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Việc bán lô gỗ không đúng quy định pháp luật tố tụng hình sự. Đồng thời, tuyên trả số tiền bán tang vật gỗ trắc cho bị cáo Liệu và Dung.
3. Liên quan đến quá trình giam giữ phạm nhân, ở Hải Phòng vào tháng 4/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, đồng thời thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Tiến Minh, sinh năm 1990, Cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 2, Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quá trình điều tra ban đầu, Cơ quan điều tra VKSND tối cao xác định trong thời gian tháng 4/2018, Nguyễn Tiến Minh được phân công trực tại Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng. Trong ca trực các ngày 17,18 và 25/4/2018, Nguyễn Tiến Minh đã đưa điện thoại di động vào các buồng giam AC8 và AC11 để các đối tượng đang bị tạm giam sử dụng điện thoại để gọi ra ngoài cho gia đình và người thân, sau đó thu của người nhà các đối tượng từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/1 cuộc gọi. Đối với những người không tự nguyện trả tiền, Nguyễn Tiến Minh còn có hành vi đe dọa để buộc họ phải trả tiền nghe điện thoại với giá rất cao do Nguyễn Tiến Minh tự đặt ra.
4. Ngoài ra, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp cũng như làm rõ những vụ án oan sai, bỏ lọt tội phạm được dư luận xã hội quan tâm, như:
Vụ án Ngô Thanh Phong, nguyên Phó Thủ trưởng thường trực, Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó Thủ trưởng và Phạm Văn Út, nguyên Thủ kho vật chứng kiêm Thủ quỹ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng;
Vụ án Đinh Thiên Tường, nguyên Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”;
Vụ án Châu Tùng Chinh, nguyên Chi Cục Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ về tội “Tham ô tài sản” với số tiền 2,6 tỷ đồng;
Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, căn cứ vào kết quả điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã quyết định kháng nghị, trả tự do cho ông Nguyễn Thanh Chấn sau hơn 10 năm bị giam giữ, thi hành án phạt tù oan về tội “Giết người”, Cơ quan điều tra đã khởi tố hung thủ thực sự thực hiện hành vi giết người là Lý Nguyễn Chung về tội “Giết người”. Đồng thời, khởi tố bị can đối với các cán bộ tiến hành tố tụng đã gây ra oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn gồm: Trần Nhật Luật – Điều tra viên thụ lý chính, Đặng Thế Vinh – Kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án về tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”, Phạm Tuấn Chiêm – thẩm phán về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…
Đinh Chiến