EU cứng rắn trong đàm phán thương mại là do đâu?

Ủy ban châu Âu tin rằng đã đến lúc đẩy mạnh thương mại trên toàn thế giới hơn nữa nhưng theo một cách cứng rắn hơn trong tương lai.

Thời gian qua, EU đã phải vật lộn để thúc đẩy chương trình thương mại đa phương. Đối mặt với thách thức này, Ủy ban châu Âu tin rằng đã đến lúc đẩy mạnh phát triển thương mại trên toàn thế giới hơn nữa, để có thể đối phó tốt hơn với cú sốc kinh tế từ cuộc khủng hoảng Virus Corona.

Phía châu Âu đã đưa ra lập trường mới “quyết đoán” hơn, đổi mới cách tiếp cận đối với thương mại quốc tế, thừa nhận rằng đã đến lúc phải “tự đứng lên” sau thời gian thử thách thương mại với các quốc gia như Hoa Kỳ. Ủy ban châu Âu, cơ quan đàm phán các thỏa thuận thương mại thay mặt cho 27 quốc gia thành viên đã đề xuất các công cụ mới mạnh bạo hơn trong thương mại toàn cầu. Giám đốc thương mại của EU, Valdis Dombrovskis,đã phát biểu: “Những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt đòi hỏi một chiến lược mới cho chính sách thương mại của EU”.

Phân tách Trung Quốc và Hoa Kỳ

Ảnh minh họa.

Trong vài năm trở lại đây, Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Donald Trump, đã áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm của EU và đe dọa đánh thuế bổ sung đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu. Vào năm 2018, cả hai bên đã đề cập đến việc thực hiện một Hiệp định thương mại nhỏ nhưng điều đó đã không được tiến hành. Khi còn tại nhiệm, Trump cũng thể hiện thách thức các quy tắc thương mại quốc tế bằng cách chặn cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới và ông không được coi là đối tác tiêu biểu của EU khi giải quyết các vấn đề thương mại toàn cầu. Sự cứng rắn của EU được cho là lời hồi đáp đối với những gì Mỹ đã làm khi ông Trump còn là tổng thống cũng như bảo vệ chính mình trước những diễn biến khó lường từ cường quốc số một thế giới.

Cùng với đó, trong những tuần cuối cùng này trước khi Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden nhậm chức, các nhà lãnh đạo Nghị viện châu Âu phải quyết định có hay không đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, được cho là sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thị trường châu Âu. Bất chấp việc Trung Quốc vi phạm vô số nhân quyền, quyền tự do dân sự cũng như các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán đã chỉ ra rằng châu Âu rất háo hức tham gia thỏa thuận. Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế BRICS lớn nhất và phát triển nhanh nhất, mà chính sách đối ngoại của nước này đã mang tính bảo hộ hơn đáng kể so với châu Âu trong những năm gần đây. Việc Trung Quốc đề nghị mở cửa tiếp cận cho các công ty châu Âu trong một số ngành - cụ thể là dịch vụ tài chính, bất động sản, xây dựng và vận tải - thể hiện một cơ hội đầy hứa hẹn để EU tái cân bằng mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Củng cố quyền lực nghị viện châu Âu

Ảnh minh họa.

Được biết, các cuộc đàm phán thương mại là mục tiêu chính trong chương trình nghị sự của Liên minh châu Âu (EU) và vẫn sẽ là ưu tiên trong tương lai. Trong thập kỷ qua, Nghị viện châu Âu đã trở thành một bên đối thoại quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại của EU và hứa hẹn sẽ trở thành một nhà đàm phán cứng rắn trong các cuộc đàm phán EU-Vương quốc Anh. Một ví dụ điển hình cho việc mở rộng quyền lực của Nghị viện châu Âu là các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại mang tính chính trị hóa cao của EU với Canada và Hoa Kỳ về Hiệp định Thương mại tự do EU-Canada là một thỏa thuận thương mại tự do đề xuất giữa Canada và Liên minh châu Âu (CETA) và Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Theo hiệp ước mới nhất của EU, Nghị viện châu Âu phải được thông báo trong suốt các cuộc đàm phán và có quyền phê chuẩn các thỏa thuận quốc tế như CETA hoặc TTIP. Đồng thời, các thành viên của Nghị viện có quyền yêu cầu truy cập vào tất cả các tài liệu đàm phán, bao gồm cả nhiệm vụ đàm phán của Ủy ban châu Âu - một yêu cầu mà Nghị viện châu Âu đã đưa ra trong nhiều thập kỷ. Như vậy, trong tương lai phía EU sẽ thắt chặt hơn các điều khoản, đối tượng đàm phán thương mại trong tương lai nhằm đảm bảo tính chủ động và có đầy đủ quyền lực trước thời cuộc biến động.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/eu-cung-ran-trong-dam-phan-thuong-mai-la-do-dau.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/eu-cung-ran-trong-dam-phan-thuong-mai-la-do-dau-a246805.html