Bộ Công thương đề xuất quy định mới về kinh doanh xăng dầu và điều kiện ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

(Pháp lý) - Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và dự thảo Thông tư quy định nghĩa vụ, trách nhiệm và điều kiện đối với các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Đề xuất quy định mới về kinh doanh xăng dầu

Theo đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2014/TT-BCT bổ sung quy định về Thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ (Điều 11a) như sau: Thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ có sức chứa tĩnh tại nhiệt độ thường không quá 200 lít.

Địa bàn được phép hoạt động của thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ là những địa bàn không bao gồm thị trấn, thị tứ của các huyện theo danh mục kèm theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo và các văn bản thay thế Quyết định này.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi Điều 12 về “Đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm” như sau: Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của năm kế tiếp theo quy định tại Điều 34 Nghị định sửa đổi bổ sung, một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về Bộ Công Thương trước ngày 15 tháng 11 của năm hiện tại.

Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký của thương nhân, căn cứ nhu cầu xăng dầu của nền kinh tế quốc dân và nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, trên cơ sở nhu cầu định hướng về tổng nguồn xăng dầu thực tế tiêu thụ nội địa năm trước liền kề và đăng ký của thương nhân, Bộ Công Thương giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Trường hợp không phân giao hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do; Trường hợp có nhu cầu điều chỉnh hạn mức tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, thương nhân gửi công văn về Bộ Công Thương trước ngày 30 tháng 9 hàng năm.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải đảm bảo tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước theo văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương trong trường hợp Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.

Về điều kiện ủy quyền cấp C/O…

Theo dự thảo, các cơ quan, tổ chức chỉ khi đáp ứng các điều kiện sau mới được xem xét ủy quyền cấp C/O: Có đội ngũ cán bộ, nhân viên được tập huấn kiến thức chung về xuất xứ hàng hóa và quy tắc xuất xứ hàng hóa phù hợp với loại mẫu C/O đề nghị ủy quyền do Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức hoặc chỉ định các tổ chức, đơn vị khác tổ chức.

Có hệ thống máy tính và đường truyền Internet được kết nối với Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương (sau đây gọi là hệ thống eCoSys) tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn. Hệ thống này phải hoạt động tốt để đảm bảo chất lượng các quy trình trong việc cấp C/O điện tử và cập nhật báo cáo, truyền dữ liệu cho Bộ Công Thương theo quy định; Có cơ sở vật chất, điều kiện lưu trữ tốt hồ sơ, chứng từ cấp C/O dưới dạng văn bản hoặc dạng điện tử.

Dự thảo cũng nêu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O. Cụ thể về quản lý nguồn nhân lực: Cần duy trì, đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn về xuất xứ hàng hóa; Thông báo với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương khi có sự thay đổi về cán bộ chịu trách nhiệm ký C/O và nhân viên chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O; chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm của cán bộ chịu trách nhiệm ký C/O và nhân viên chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O.

Bên cạnh đó xây dựng quy trình cấp C/O, bao gồm cả Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch, cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Truyền dữ liệu cấp C/O với hệ thống eCoSys của Bộ Công Thương. Thực hiện định kì báo cáo theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương; Chủ động báo cáo những phát sinh trong quá trình cấp C/O cho Bộ Công Thương. Tăng cường công tác phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa; cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa theo quy định.

Thời hạn ủy quyền cấp C/O tối đa là 5 năm kể từ ngày quyết định ủy quyền của Bộ Công Thương có hiệu lực. Hết thời hạn ủy quyền nêu trên, căn cứ nhiệm vụ, nhu cầu, kết quả thực hiện ủy quyền cấp C/O và đề nghị của các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O, Bộ Công Thương xem xét tiếp tục hay không tiếp tục ủy quyền cấp C/O cho các cơ quan, tổ chức này.

Nguyễn Hòa (T/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bo-cong-thuong-de-xuat-quy-dinh-moi-ve-kinh-doanh-xang-dau-va-dieu-kien-uy-quyen-cap-giay-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa-a246199.html