(Pháp lý) - Tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra nhiều thuận lợi đối với một nền kinh tế đang phát triển, cùng với đó là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định.
Để độc giả của Tạp chí Pháp lý cùng cộng đồng doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh và hiểu thấu đáo hơn các vấn đề trên, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Liên tục kí kết thành công các FTA thế hệ mới
Phóng viên: Xin bà cho biết suy nghĩ và đánh giá của cá nhân bà khi 3 năm trở lại đây Việt Nam liên tục tham gia ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới?
Bà Nguyễn Thu Trang: Có thể nói 3 năm trở lại đây là giai đoạn rất đặc biệt của thương mại thế giới. Tiếc là đó không phải là sự đặc biệt mà những nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam mong đợi.
Trong 3 năm này, những nguyên tắc nền tảng của thương mại toàn cầu như tự do hóa, không phân biệt đối xử hay hành động đa phương dựa trên quy tắc thống nhất…đã bị thách thức nghiêm trọng bởi xu hướng bảo hộ nội địa, chủ nghĩa lợi ích cục bộ hay những biện pháp trừng phạt, trả đũa đơn phương ở nhiều khu vực trên thế giới.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 làm xáo trộn thương mại – đầu tư thế giới theo một cách khác nữa, với phần lớn các nền kinh tế gặp tổn thất nặng nề, dòng chảy thương mại quốc tế cũng bị xáo động nghiêm trọng, thậm chí ngưng trệ trong nhiều tình huống. Các vấn đề thương mại phải xếp sau những ưu tiên cấp bách hơn của hầu hết các Chính phủ. Không ít những rào cản thương mại được dựng lên, có thể là cần thiết, cũng có thể là lạm dụng.
Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam vẫn nỗ lực để có kết quả khả quan so với nhiều đối tác khác trong những năm này. Có lẽ bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu nào của Việt Nam cũng đều cảm nhận được sự mong manh và nguy cơ rủi ro ở các thị trường xuất khẩu.
Trong một bối cảnh đặc biệt phức tạp như vậy, Việt Nam và các đối tác vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu tự do hóa thương mại, hội nhập để cùng phát triển bền vững thông qua việc thúc đẩy đàm phán, ký kết 03 FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Do đó, cá nhân tôi đánh giá cao nỗ lực cũng như sự kiên định của Chính phủ Việt Nam cũng như các đối tác trong những bước đi tự do hóa đầy ấn tượng này. Tôi tin rằng đa số các doanh nghiệp cũng chia sẻ với tôi về quan điểm này bởi quá trình này hứa hẹn mang lại cho doanh nghiệp những cơ hội mới để tiếp tục phát triển trong bối cảnh phức tạp.
Ý nghĩa quan trọng của 3 FTA
Từ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có những ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Việt Nam nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, thưa bà?
Trong tổng thể, việc phê chuẩn và đưa vào thực thi CPTPP, EVFTA và gần đây nhất là ký kết RCEP mang lại động lực cho nền kinh tế Việt Nam ở cả góc độ thể chế, cơ cấu kinh tế lẫn các cơ hội thương mại – đầu tư và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu xét một cách chi tiết thì mỗi FTA có một ý nghĩa nổi trội riêng với Việt Nam.
Với CPTPP, lợi ích kinh tế tăng thêm có thể không quá lớn, 7/10 đối tác CPTPP là các đối tác đã từng có FTA với Việt Nam, cơ hội chỉ đáng kể ở các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru. Tuy nhiên những cam kết tiêu chuẩn cao, bao trùm những khía cạnh lần đầu tiên được đề cập lại có ý nghĩa về thể chế rất đáng kể với chúng ta. Ví dụ cam kết về quyền tự do liên kết của người lao động, về định hướng nâng cao các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, về các mức độ bảo hộ cao cả về công nhận cũng như thực thi các quyền sở hữu trí tuệ, về vấn đề minh bạch hóa và chống tham nhũng… đã và sẽ làm thay đổi không ít hiện trạng hệ thống pháp luật nội địa của chúng ta.
Với EVFTA, FTA đầu tiên giữa Việt Nam với cùng lúc 27 nền kinh tế của Liên minh châu Âu, cơ hội kinh tế là yếu tố được nhấn mạnh hơn cả. Không phải EVFTA không có các cam kết từ góc độ quy tắc và thể chế như CPTPP, thậm chí ở một vài khía cạnh còn được chú trọng hơn (ví dụ về phát triển bền vững).Tuy nhiên đa phần các cam kết này đã và đang được thực thi trong CPTPP, FTA đã có hiệu lực trước đó một năm rưỡi. Trong khi đó, lợi ích kinh tế khi thiết lập con đường cao tốc giữa Việt Nam với một thị trường có sức mua lớn thứ hai toàn cầu, có cơ cấu kinh tế bổ sung chứ không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, và là đối tác mà Việt Nam xuất siêu lớn, có công nghệ nguồn trong nhiều lĩnh vực lại có ý nghĩa cực kỳ đặc biệt với Việt Nam, một nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Với RCEP, FTA với toàn bộ đối tác trong khu vực mà Việt Nam đã từng có ít thì 1 FTA, nhiều thì 7 FTA, lợi ích nổi trội được nhắc tới lại xuất phát từ quy mô của Hiệp định này. Với phạm vi bao trùm các thị trường cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu của Việt Nam, RCEP mang lại cơ hội lớn hơn bao giờ hết cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc tận dụng các ưu đãi thuế quan do khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ nội khối dễ dàng hơn. Đồng thời, việc tất cả 15 đối tác cùng cam kết về các thủ tục thống nhất hơn, minh bạch và dễ dự đoán hơn, dòng lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ nội khối dự báo sẽ thuận lợi hơn đáng kể. Cuối cùng, việc Hiệp định bao trùm và kết nối cùng lúc 14 đối tác, trong đó có các đối tác là nhân tố quan trọng của nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, RCEP mang lại cho Việt Nam cơ hội tham gia sâu hơn vào nhiều chuỗi, từ đó nâng cao hiệu quả và giá trị thu được từ các chuỗi này.
Vai trò của cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp
Xin bà cho biết sự giống và khác nhau về yêu cầu cam kết về minh bạch và thể chế pháp luật trong CPTPP, EVFTA và RCEP? Vai trò của các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trong thực hiện các cam kết này như thế nào?
Từ góc độ thể chế pháp luật, cả ba Hiệp định này đều là các Hiệp định thế hệ mới, với phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực, với các cam kết về quy tắc có thể tác động trực tiếp tới nhiều hệ thống pháp luật nội địa. Do đó, việc thực thi các cam kết này đòi hỏi rất nhiều các công việc trong nội luật hóa và thực thi các cam kết.
Tất nhiên, như đã đề cập ở trên, mức độ yêu cầu về thể chế trong mỗi Hiệp định không giống nhau. CPTPP có yêu cầu cao nhất, với phạm vi các vấn đề phải rà soát, điều chỉnh trong pháp luật nội địa rộng nhất, các tiêu chuẩn cũng đòi hỏi cao hơn đáng kể. EVFTA có những đòi hỏi cao hơn CPTPP về góc độ phát triển bền vững nhưng phần lớn không phải là các nghĩa vụ bắt buộc. RCEP với các cam kết về thể chế khiêm tốn hơn đáng kể suy đoán sẽ không đòi hỏi quá nặng nề trong thực thi ở khía cạnh này.
Từ góc độ minh bạch hóa, cả ba Hiệp định đều có những cam kết về minh bạch hóa, đặc biệt trong quá trình soạn thảo và ban hành các quy định pháp luật mới ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư kinh doanh. Mặc dù vậy, xét một cách chặt chẽ, những cam kết này phần lớn không mới, Việt Nam hiện đã và đang thực hiện trên thực tế. Vì thế, thách thức trong vấn đề minh bạch không phải là từ cam kết FTA mà chủ yếu từ nhu cầu của chính chúng ta.
Về trách nhiệm thực thi các cam kết ở khía cạnh thể chế pháp luật và minh bạch, đương nhiên gánh nặng chủ yếu đặt trên vai các cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm trong rà soát tính tương thích, soạn thảo các phương án nội luật hóa thích hợp, ban hành quy định và tổ chức thực hiện tương ứng.
Mặc dù vậy, để các công việc này được thực hiện theo hướng có lợi nhất, vai trò của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Cụ thể, doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào quá trình rà soát sự tương thích của pháp luật, chính sách nội địa với các cam kết; chủ động có ý kiến trong lựa chọn phương án pháp luật, chính sách vừa tuân thủ cam kết lại vừa có lợi nhất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng lên tiếng phản ánh trong trường hợp việc tổ chức thực thi cam kết có bất cập, gây thiệt hại hoặc cản trở doanh nghiệp thu lợi từ cam kết.
Những bài học quý giá
Các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA) đặt ra các yêu cầu cao, buộc chúng ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký. Theo bà, chúng ta có nên có những sơ kết hoặc rút kinh nghiệm gì về thực thi CPTPP và EVFTA để chuẩn bị hành trang khi tham gia các FTA thế hệ mới khác? Với cá nhân bà, những bài học kinh nghiệm cần rút ra ở đây là gì?
Cần phải khẳng định rằng việc tổng kết rút kinh nghiệm là cần thiết, không phải chỉ ở các FTA thế hệ mới mà là với tất cả các FTA. Tất nhiên, với các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA, do phạm vi bao trùm nhiều vấn đề mới, lại đụng chạm tới các khía cạnh có tính hệ thống như quy tắc hay thể chế nên việc rà soát hiệu quả những gì đã làm để rút kinh nghiệm cho tương lai có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.
Hồi giữa năm 2020, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực thi các FTA đã có một bản báo cáo về kết quả thực hiện các FTA. Tuy nhiên tiếc là thời gian giám sát là trước CPTPP nên báo cáo không có nhiều thông tin về CPTPP. EVFTA chỉ vừa mới có hiệu lực vài tháng nay nên càng chưa thể đánh giá gì cụ thể.
Mặc dù vậy, với CPTPP, thời gian gần 2 năm thực thi vừa rồi cũng đã cho chúng ta những bài học ban đầu quý giá. Ví dụ như công tác chuẩn bị để ban hành các văn bản pháp luật để có thể thực thi FTA ngay khi các cam kết liên quan có hiệu lực phải được thực hiện từ sớm. Ví dụ như công tác rà soát pháp luật chính sách nội địa để đánh giá tính tương thích với các cam kết quốc tế cần được thực hiện trên diện rộng, bao trùm nhiều khía cạnh pháp luật liên quan và với sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng liên quan. Hay ví dụ như công tác tuyên truyền phổ biến phải được thực hiện chi tiết theo chủ đề, cho từng nhóm đối tượng, và tận dụng công nghệ và mạng Internet để nhiều người có thể thụ hưởng.
Những mục tiêu ưu tiên quan trọng
Những vấn đề tồn tại trong nội tại của chúng ta từ chính sách pháp luật về kinh doanh cần tiếp tục phải giải quyết kể từ khi tham gia các FTA thế hệ mới đến nay là gì, thưa bà?
Hệ thống chính sách pháp luật về kinh doanh của chúng ta đã có những thay đổi đáng kể dưới tác động của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Những thay đổi này không chỉ là về hình thức, số lượng văn bản hay phạm vi các chế định được điều chỉnh mà còn là những chuyển biến về chất mà chúng ta đều có thể cảm nhận được.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi thể chế từ một nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là rất phức tạp, không phải cứ làm một lần, sửa một lần là hoàn tất. Có những điều chúng ta phải học dần dần, và làm vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh cho đến khi thích hợp. Hơn nữa môi trường kinh doanh không đứng yên mà chuyển động không ngừng, đặc biệt dưới tác động của kinh tế số, công nghệ, thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề về môi trường…Vì vậy, mặc dù đã có những chuyển biến rất đáng ghi nhận, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như cộng đồng doanh nghiệp, hệ thống pháp luật kinh doanh hiện vẫn còn nhiều dư địa để cải cách.
Các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA với nhiều cam kết tiêu chuẩn cao về thể chế, quy tắc đòi hỏi pháp luật, chính sách Việt Nam trong những lĩnh vực liên quan phải tiếp tục được điều chỉnh. Ví dụ như pháp luật về lao động, về sở hữu trí tuệ, về bảo hộ đầu tư, hải quan và tạo thuận lợi thương mại,… sẽ phải điều chỉnh để tuân thủ các cam kết.
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia kỳ vọng ở CPTPP hay EVFTA cho những thay đổi về chính sách pháp luật Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi một vài điểm cụ thể, ở một vài chế định theo yêu cầu cam kết.
Quan trọng hơn là kỳ vọng rằng những lợi ích kinh tế đáng kể từ các FTA thế hệ mới này có thể tạo ra động lực mới để Việt Nam tiếp tục cải cách chủ động, vì chính mình, để hiện thực hóa tối đa cơ hội. Tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật kinh doanh phù hợp hơn với các nguyên tắc thị trường, tôn trọng và bảo vệ quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, minh bạch ở bất kỳ khía cạnh nào có thể, cải cách thủ tục hành chính, chú trọng việc tham vấn và đối thoại chặt chẽ với các đối tượng chịu ảnh hưởng… là những mục tiêu ưu tiên quan trọng.
Về phía doanh nghiệp cũng cần lưu ý một vấn đề pháp lý lớn, đó là: CPTPP và EVFTA có những cam kết tiêu chuẩn cao về một số vấn đề như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… Việc thực thi các cam kết này có thể khiến cho các doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu mới, cao hơn, đòi hỏi nhiều chi phí hơn để tuân thủ. Ví dụ, với các tiêu chuẩn bảo hộ mới về sở hữu trí tuệ, khả năng xảy ra tranh chấp liên quan tới các tài sản sở hữu trí tuệ cũng cao hơn và thiệt hại nếu bị xác định vi phạm cũng có thể sẽ lớn hơn.
Lưu ý đối với doanh nghiệp
Có một thực tế rất đáng quan ngại là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt thường bị thua thiệt trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại kể từ khi tham gia các FTA thế hệ mới đến nay. Từ thực tế này cần đưa ra những khuyến cáo hoặc giải pháp nào, thưa bà?
Các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ là những công cụ phòng vệ thương mại được thừa nhận trong WTO và là một thực tế trong thương mại quốc tế. Trên thực tế, ở nhiều thị trường, các công cụ này còn bị lạm dụng để bảo hộ trá hình sản xuất trong nước. Xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng trưởng, và vì vậy cũng lọt vào tầm ngắm của không ít các biện pháp phòng vệ thương mại. Các thị trường xuất khẩu càng khó khăn thì các biện pháp này càng có xu hướng bị lạm dụng. Đặc biệt, ở nhiều thị trường lớn, khi bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chúng ta lại không được hưởng quy tắc tính toán chuẩn mực vì lý do chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Vì thế các kết quả càng có xu hướng bất lợi.
Tuy nhiên, phải nói rõ rằng đây là tình trạng chung của nhiều các nước xuất khẩu chứ không riêng Việt Nam.
Các FTA mặc dù về lý thuyết là có thể mang đến nguy cơ nhiều hơn về phòng vệ thương mại (do thuế quan giảm), trên thực tế cũng không tạo ra khác biệt gì lớn về vấn đề này. Theo thống kê, các thị trường kiện phòng vệ với ta nhiều nhất lại không phải là các thị trường đã có FTA (ví dụ Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ…). Các biện pháp phòng vệ riêng được quy định trong các FTA cũng chưa từng được áp dụng trên thực tế.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp và khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị cho khả năng phải đối mặt với nhiều hơn các vụ kiện phòng vệ ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường có FTA với suy đoán là xuất khẩu tăng trưởng nhờ thuế quan ưu đãi.
Và để làm điều này, doanh nghiệp trước hết phải chấn chỉnh lại hệ thống sổ sách kế toán và tài chính của mình, bởi các số liệu này sẽ là bằng chứng cốt lõi để bảo vệ doanh nghiệp khi bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần dự trù nguồn lực nhất định (cả về con người và tiền bạc) để sẵn sàng theo đuổi những vụ kiện vốn rất tốn kém này. Và cuối cùng, cần phối hợp với đối tác nhập khẩu của mình để thường xuyên theo dõi thông tin, động thái của thị trường, kịp thời phát hiện và chuẩn bị ngay cho các nguy cơ bị kiện.
Trân trọng cảm ơn bà Nguyễn Thị Thu Trang đã dành thời gian quý báu trả lời phỏng vấn Tạp chí Pháp lý.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, các FTA là cơ hội mới đối với doanh nghiệp. FTA là cơ hội dịch chuyển, động lực tiếp tục phát triển doanh nghiệp, tạo ra cơ hội mới để doanh nghiệp lao vào cạnh tranh. Trong quá trình này, doanh nghiệp nào tận dụng được lợi ích sẽ vượt lên. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công dù đều bỏ ra chi phí. Việc hội nhập còn được ví như một cuộc chơi mà ở đó, quá trình sàng lọc diễn ra vô cùng khắc nghiệt và điều đó bắt buộc các doanh nghiệp phải đổi mới trong tư duy và cả trong cách thức kinh doanh.
Nguyễn Hòa (thực hiện)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tham-gia-cac-fta-nhung-buoc-di-tu-do-hoa-day-an-tuong-cua-viet-nam-a245785.html