Trung Quốc tước "ngôi vương" của Mỹ để trở thành nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới

Theo báo cáo công bố ngày 24/1 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển, FDI đổ về Trung Quốc đã tăng 4% trong năm 2020 lên mức 163 tỉ USD. Trong khi đó, Mỹ chỉ thu hút được 139 tỉ USD từ khối FDI, giảm gần 49% so với năm 2019.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo được công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 24/1, năm 2019, Mỹ đã nhận được 251 tỷ USD vốn FDI, trong khi Trung Quốc chỉ nhận được 140 tỷ USD.

Tuy nhiên, tình hình đã xoay chiều trong năm 2020, khi nền kinh tế Trung Quốc tăng tốc trong quý IV/2020 và tăng trưởng vượt kỳ vọng trong cả năm khi nước này khép lại một giai đoạn khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Kinh tế Trung Quốc vẫn sẵn sàng tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021, ngay cả khi đại dịch toàn cầu này vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm

Theo báo cáo công bố ngày 24/1 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), FDI đổ về Trung Quốc đã tăng 4% trong năm 2020 lên mức 163 tỉ USD. Trong khi đó, Mỹ chỉ thu hút được 139 tỉ USD từ khối FDI, giảm gần 49% so với năm 2019.

Việc thu hút đầu tư khởi sắc cho thấy Trung Quốc đang tiến tới vị trí trung tâm của nền kinh tế toàn cầu vốn do Mỹ thống trị từ lâu. Sự dịch chuyển này càng tăng tốc trong thời kỳ đại dịch khi Trung Quốc củng cố vị thế là công xưởng của thế giới và mở rộng thị phần thương mại toàn cầu.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm những hoạt động như các công ty nước ngoài xây dựng nhà máy mới hoặc mở rộng hoạt động hiện có ở một quốc gia hoặc mua lại các công ty địa phương nơi đó.

Lý giải về điều này, đài CNN cho biết, trong bối cảnh kinh tế nhiều nước đều suy thoái, việc Trung Quốc vẫn tăng trưởng 2,3% đã biến quốc gia này thành một điểm đầu tư hấp dẫn.

Một nguyên nhân khác là do chính quyền Bắc Kinh đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, cũng như đổ hàng trăm tỉ USD vào các cơ sở hạ tầng lớn để giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, lý do này có phần không đúng khi áp vào Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới. Đầu tư của các công ty nước ngoài vào Ấn Độ cũng vọt lên 57 tỉ USD trong năm ngoái, tăng 13% so với năm trước. Có được điều này phần lớn là nhờ chiến lược "Make in India" được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát động trước đại dịch.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai trong số các điểm sáng hiếm hoi trong báo cáo của UNCTAD. Dưới tác động của COVID-19, bức tranh chung về FDI trong năm 2020 rất ảm đạm. Đầu tư trực tiếp của các công ty nước ngoài vào Anh và Ý, hai vùng dịch lớn ở châu Âu, đã giảm hơn 100%.

FDI vào Nga giảm tới 96%, Đức giảm 61%, Brazil giảm tới 50%. Úc, Pháp, Canada và Indonesia, những nước nằm trong tốp hút FDI năm 2019, chứng kiến sự sụt giảm ở mức hai con số.

Nhìn chung, FDI toàn cầu đã giảm 42% vào năm 2020, ước đạt 859 tỷ USD, từ mức 1.500 tỷ USD của năm 2019. UNCTAD cho biết, mức FDI năm 2020 thấp hơn 30% so với mức thấp kỷ lục ghi nhận vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Đáng chú ý, dòng vốn FDI đổ vào khu vực Mỹ Latinh và Caribê giảm 37% , tại châu Phi giảm 18% và ở châu Á giảm 3%.

Khu vực Đông Á chiếm 1/3 tổng vốn FDI toàn cầu năm 2020, trong khi dòng vốn FDI đổ vào các nước phát triển giảm 69%.

"Tác động của đại dịch sẽ còn kéo dài", ông James Zhan - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư của UNCTAD cảnh báo. "Các nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng hơn trong việc đổ tiền đầu tư vào các dự án mới ở nước ngoài".

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/trung-quoc-tuoc-ngoi-vuong-cua-my-de-tro-thanh-nuoc-thu-hut-fdi-nhieu-nhat-the-gioi.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/trung-quoc-tuoc-ngoi-vuong-cua-my-de-tro-thanh-nuoc-thu-hut-fdi-nhieu-nhat-the-gioi-a245692.html