Bảo đảm môi trường pháp lý đầu tư, Việt Nam sẵn sàng đón dòng vốn R&D từ các tập đoàn lớn trên thế giới

(Pháp lý) - Cùng với chính sách mở cửa thị trường kinh tế, Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài bằng những chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư. Trong thời gian gần đây, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đã đem lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế. Với những đảm bảo về pháp lý đầu tư, kỳ vọng những dòng vốn “khủng” từ hoạt động R&D ngày càng gia tăng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nghiên cứu và phát triển (R&D) là một trong những chìa khóa thành công của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới. R&D bao gồm việc đầu tư, tiến hành hoặc mua bán các nghiên cứu, công nghệ mới phục vụ cho quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. nhằm khám phá những tri thức mới về các sản phẩm, quá trình và dịch vụ, sau đó áp dụng những tri thức đó để tạo ra sản phẩm, quá trình và dịch vụ mới, có tính cải tiến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc của thị trường tốt hơn.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC) tại tòa nhà PVI (Hà Nội)

Những tập đoàn lớn đầu tư R&D tại Việt Nam

Đầu năm 2020, Samsung quyết định “chơi lớn” bằng việc chi 220 triệu USD xây dựng riêng một trung tâm R&D, đồng thời xác định đây sẽ là một trong những trung tâm R&D chiến lược của Tập đoàn trên toàn cầu. Thậm chí, đây là lần đầu tiên, Samsung triển khai xây dựng một tòa nhà riêng ở nước ngoài để phục vụ cho hoạt động R&D.

Dấu ấn 12 năm đầu tư vào Việt Nam được khẳng định bằng việc Samsung quyết định đầu tư xây dựng trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á ở Tây Hồ Tây (Hà Nội) đã chứng tỏ Samsung muốn đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Điều đó cho thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư lý tưởng của Samsung về mọi mặt( môi trường đầu tư, ưu đãi đầu tư, nhân công, vị trí địa lý, lợi nhuận cao…), Việt Nam là đất nước rất ổn định về chính trị, an ninh, có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, cùng những lợi thế so sánh cạnh tranh được bảo đảm bằng pháp lý đầu tư minh bạch.

Cùng với Samsung, LG cũng đã bắt đầu nuôi tham vọng lớn ở thị trường Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà cả trong lĩnh vực R&D, dù trước mắt là tập trung vào R&D các giải pháp phần mềm liên quan đến hệ thống thông tin giải trí, vận hành, kết nối 3G, 4G cho xe ô tô.

Trong chiến lược phát triển của LG tại Việt Nam, Tập đoàn xác định TP. Đà Nẵng sẽ là cứ điểm để thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin của cả Tập đoàn. Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu tư FDI lớn thứ 5 tại TP. Đà Nẵng. Đà Nẵng đã thu hút được 232 dự án FDI từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 390 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ, bất động sản.

Ngoài Samsung, LG “chơi lớn”, với vốn đầu tư khủng và hiện quy tụ hàng nghìn kỹ sư, chỉ có thể kể đến vài cái tên đã và đang quan tâm đến R&D tại Việt Nam, như: Tập đoàn Bosch, Qualcomm hay TTI…

Một khảo sát thực hiện bởi Khối Thương mại và Cạnh tranh thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới gần đây cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động R&D, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%), Campuchia (1,9%). Số doanh nghiệp chi đầu tư R&D ở các công ty nhỏ khá thấp (9%) so với các công ty vừa và lớn (26%).

Hoàn thiện khung pháp lý đầu tư để thu hút dòng vốn R&D

Trong chiến lược phát triển, Việt Nam sẵn sàng đưa ra các thể chế, chính sách vượt trội để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Để thu hút đầu tư vào R&D, vào đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã quyết định xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Hòa Lạc. NIC là trung tâm đổi mới sáng tạo duy nhất mà Chính phủ có một Nghị định riêng để trao cho các thể chế vượt trội, tạo điều kiện phát triển và hoạt động hiệu quả.

Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng nêu rõ phải: “Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao… thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam".

Nghị định 94/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 21/8/2020 đã minh chứng về ưu đãi đầu tư vào NIC. Theo đó, các cá nhân, doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước khi đầu tư vào NIC sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi ở mức cao nhất, không chỉ về thuế, thủ tục đầu tư, mà còn trong cả vấn đề thị thực, tín dụng, đất đai…

Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Hòa Lạc

Theo đó, Trung tâm được thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các Khu công nghệ cao và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê. Đối với cơ sở Trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được miễn tiền sử dụng hạ tầng cho diện tích đất được thuê nằm trong khu vực phải trả tiền sử dụng hạ tầng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật do Nhà nước đầu tư; Miễn toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; Ngân sách Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí san lấp mặt bằng của dự án đầu tư cơ sở Trung tâm.

Bên cạnh đó, Trung tâm được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hóa nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ theo quy định Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trước đó, việc sửa đổi khoản 1, Điều 18, Luật Công nghệ cao đã được sửa đổi ngay tại Luật Đầu tư sửa đổi 2020 (Điều 75) hợp lý hơn, nhằm tránh tạo rào cản trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển được giới đầu tư nước ngoài đánh giá cao.

Cụ thể, theo quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b Điều 75 của Luật Đầu tư, đồng thời phải đáp ứng 3 tiêu chí khác, trong đó có tiêu chí quan trọng liên quan đến hoạt động nghiên cứu và phát triển. Theo đó, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm.

Bên cạnh đó, tổng chi cho R&D được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đạt tối thiểu 1%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người, thì tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.

Như vậy, về cơ bản, các tỷ lệ liên quan công tác R&D mà doanh nghiệp phải đáp ứng chỉ còn bằng phân nửa so với trước đây. Trước đây, theo quy định của khoản 1 Điều 18 Luật Công nghệ cao, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, để được xác định là một doanh nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp phải chi 1% tổng doanh thu và có 5% tổng lao động cho hoạt động R&D. Tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao cũng phải đạt 70% tổng doanh thu.

Theo quy định tại Luật Đầu tư sửa đổi 2020, hoạt động R&D được xác định là ngành nghề ưu đãi đầu tư. Thậm chí, Điều 20 Luật Đầu tư còn quy định, các dự án thành lập Trung tâm R&D có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, sẽ được áp dụng cơ chế ưu đãi đặc biệt, cao hơn quy định hiện hành của Luật và do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nắm bắt xu hướng quốc tế hóa hoạt động R&D, Việt Nam đang có khả năng tiếp nhận một số Trung tâm R&D có giá trị hàng chục triệu USD. Điều này đã mở ra cho các công ty tại Việt Nam cơ hội tiếp cận với công nghệ mới và có khả năng làm ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Chúng ta có quyền hy vọng với những giải pháp tích cực, sự bảo đảm về môi trường pháp lý và tiềm lực sẵn có, Việt Nam sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn đầu tư hơn nữa trong tương lai.

Thành Chung

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bao-dam-moi-truong-phap-ly-dau-tu-viet-nam-san-sang-don-dong-von-rd-tu-cac-tap-doan-lon-tren-the-gioi-a245645.html