Tuân thủ quy định sở hữu trí tuệ khi thực thi EVFTA: Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những việc quan trọng nào?

(Pháp lý) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có yêu cầu rất chặt chẽ, khắt khe về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, hơn hẳn các Hiệp định quốc tế Việt Nam đã tham gia trước đây.

Đây có thể là rào cản “kỹ thuật” rất lớn mà chúng ta khó có thể cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp châu Âu. Trong khi đó, họ có nền tảng công nghệ, vốn, kinh nghiệm được tích luỹ hàng trăm năm trước.

Doanh nghiệp Việt cần tuân thủ các quy định của pháp luật về SHTT để thực thi có hiệu quả các cam kết của EVFTA

Việc Việt Nam gia nhập WTO, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và gần đây là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển của quốc gia và nền kinh tế, bởi Việt Nam đã đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn đặt ra đối với các nước thành viên. Hay nói cách khác, nền kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam đã phát triển tiệm cận gần với mức độ phát triển của các nước lớn trên thế giới.

Nhìn kết quả là đáng mừng, nhưng khách quan đánh giá thì doanh nghiệp Việt Nam còn không ít non kém, hạn chế khi bước vào “thế giới phẳng”, ở đây là mở cửa toàn bộ thị trường, không giữ được độc quyền hay chiếm ưu thế nội địa mà phải đối đầu với hàng nghìn doanh nghiệp có nền tảng phát triển công nghệ kỹ năng vượt trội, có tài sản tích luỹ khổng lồ.

Một số vấn đề sở hữu trí tuệ được quy định trong EVFTA

EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020, đây là dấu mốc mở ra cơ hội phát triển thương mại toàn diện giữa Việt Nam và EU, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp các bên tham gia thị trường với thuế quan ưu đãi, giúp Việt Nam tăng tốc hội nhập nền kinh tế toàn cầu.

EU được đánh giá là khu vực nắm giữ và xuất khẩu nhiều tài sản trí tuệ nhất thế giới, chính vì lý do đó mà vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT) được họ coi là vấn đề cốt lõi, tiên quyết và quy định rất đồ sộ, chặt chẽ tại 63 Điều chương 12 của EVFTA.

Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam được chỉ dẫn địa lý. Đây là điều kiện để một số loại nông sản nổi bật của Việt Nam tiếp cận và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU

Chương 12 của EVFTA với nhiều cam kết tập trung vào ba nhóm: một là, các vấn đề chung; hai là, tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền SHTT; ba là, biện pháp thực thi quyền SHTT.

Đối với các vấn đề chung. Việt Nam cơ bản tuân thủ và thực thi được do trước đó chúng ta đã đáp ứng, gia nhập WTO, Thỏa ước Madrid, Công ước Berne, Hiệp ước của WIPO…., cụ thể:

- Nguyên tắc phù hợp WTO - yêu cầu tuân thủ Hiệp định TRIPs - Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO.

- Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) - các bên cam kết tôn trọng và bảo hộ quyền SHTT của công dân quốc gia đối tác không kém hơn mức bảo hộ dành cho công dân của quốc gia thứ ba.

Nguyên tắc MFN được hiểu là nếu một nước dành cho một nước thành viên một sự đối xử ưu đãi nào đó thì nước này cũng sẽ phải dành sự ưu đãi đó cho tất cả các nước thành viên khác. Nguyên tắc MFN được quy định trong Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch 1947 (viết tắt là GATT) áp dụng đối với “hàng hoá”, Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (Ðiều 2 Hiệp định GATS) và SHTT (Ðiều 4 Hiệp định TRIPS).

- Nguyên tắc cạn quyền - các bên tự do quy định về cạn quyền SHTT nhưng phải tuân thủ và phù hợp với Hiệp định TRIPs.

Đối với tiêu chuẩn bảo hộ từng đối tượng quyền SHTT: EVFTA có đối tượng và tiêu chuẩn bảo hộ tương tự Hiệp định TRIPs nhưng có bổ sung nhỏ. Do vậy, pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng và chỉ cần sửa đổi bổ sung thêm một số tiêu chí nhỏ.

Đối với cam kết thực thi quyền SHTT: EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi tại biên giới và đẩy cao trách nhiệm đối với chủ thể có hành vi xâm phạm. Việc xử lý hình sự đối với chủ thể có hành vi xâm phạm không được EVFTA đề cập.

Nhìn chung, Hiệp định EVFTA nhấn mạnh khá nhiều đến việc Việt Nam phải bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU, ngược lại EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những việc quan trọng nào?

1. Khẩn trương thu thập, khảo sát, đánh giá thị trường

Các doanh nghiệp cần có nghiên cứu và đánh giá sát tình hình thị trường, đối tượng khách hàng, khả năng cạnh tranh của ngành, lĩnh vực mình đang kinh doanh xem có đối thủ tiềm năng nào từ EU không, kế hoạch phát triển thị trường của họ sang Việt Nam như thế nào. Từ đó, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, thậm chí cần tận dụng cơ hội mở rộng kinh doanh, chiếm lĩnh thị phần trước khi đối thủ chính thức xâm nhập thị trường.

Trong đó, cần lưu ý rằng Việt Nam đến nay vẫn chỉ có thế mạnh là các sản phẩm nông lâm thuỷ sản còn doanh nghiệp EU có thế mạnh về công nghệ, kỹ năng quản lý và nguồn vốn dồi dào. Điểm khác biệt của doanh nghiệp EU là sự cẩn trọng khi đầu tư, không đầu tư ồ ạt tạo thành làn sóng lớn như doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản.

2. Tiếp cận thông tin và thay đổi nhận thức.

Doanh nghiệp Việt cần tiếp cận thông tin chính thống, nghiên cứu kỹ các ưu nhược điểm cũng như ưu đãi của các Hiệp định liên quan WTO, CPTPP hay EVFTA. Đặc biệt, đáp ứng và sớm hoàn thiện các yêu cầu “kỹ thuật” là các chứng chỉ, giấy xác nhận… để được hưởng ưu đãi và xuất khẩu hàng hoá sang EU. Nếu có thể, nên tiếp nhận ý kiến tư vấn từ các chuyên gia pháp luật.

Cập nhật thường xuyên pháp luật trong nước. Khi pháp luật Việt Nam đã có sửa đổi hoàn toàn tương thích với EVFTA thì việc tuân thủ pháp luật Việt Nam cũng chính là tuân thủ EVFTA.

3. Kiểm soát chặt chẽ, tránh vi phạm các chuẩn mực văn hoá, đạo đức hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác.

Không dùng lao động trẻ em, nguyên vật liệu sản xuất đều có nguồn gốc và hợp pháp, bảo vệ môi trường, không xâm phạm quyền hoặc gây thiệt hại cho bên thứ ba khi sản xuất kinh doanh.

Thực tiễn hiện nay, hành vi xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam diễn ra thường xuyên liên tục, trong đó thường gặp là hành vi xâm phạm sáng chế và nhãn hiệu. Do nhu cầu số hoá, tự động hoá quá trình sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp của ta còn xâm phạm các chương trình máy tính (bao gồm phần mềm quản lý, thống kê, điều khiển…). Lưu ý rằng, nếu họ quyết tâm thì đều có thể truy xuất ra hành vi xâm phạm thông qua các chỉ dấu được lưu trữ, ghi ấn trên từng sản phẩm hàng hoá.

4. Xác lập và gia hạn duy trì quyền SHTT

Nhanh chóng hoàn tất thủ tục xác lập quyền SHTT, gia hạn duy trì quyền SHTT đối với các tài sản trí tuệ tại Việt Nam cũng như tại EU (rộng ra, đăng ký tại các quốc gia đối tác thương mại của EU nằm ngoài EU), như: quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng. Do cơ bản pháp luật Việt Nam và các Hiệp định quốc tế đều áp dụng nguyên tắc “quyền ưu tiên” - người nộp đơn trước.

Mặt khác, tận dụng, khai thác đối với tài sản trí tuệ hết thời hạn bảo hộ. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng lớn nhưng trên thực tế doanh nghiệp Việt chưa biết tận dụng.

Một số việc doanh nghiệp Việt cần làm ngay:

Nhanh chóng hoàn tất thủ tục xác lập quyền SHTT, gia hạn duy trì quyền SHTT đối với các tài sản trí tuệ tại Việt Nam cũng như tại EU (rộng ra, đăng ký tại các quốc gia đối tác thương mại của EU nằm ngoài EU), như: quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng. Do cơ bản pháp luật Việt Nam và các Hiệp định quốc tế đều áp dụng nguyên tắc “quyền ưu tiên” - người nộp đơn trước. Mặt khác, tận dụng, khai thác đối với tài sản trí tuệ hết thời hạn bảo hộ. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng lớn nhưng trên thực tế doanh nghiệp Việt chưa biết tận dụng.

5. Chủ động phòng tránh xâm phạm quyền SHTT.

Với quy định xử lý rất nghiêm, bồi thường, phạt tiền rất lớn đối với hành vi xâm phạm. Hậu quả của việc xử lý có thể là “dấu chấm hết” - phá sản cho một doanh nghiệp. Do vậy doanh nghiệp Việt rất cần cẩn trọng trong việc khai thác, sử dụng tài sản SHTT, đặc biệt đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Đó là chưa kể chi phí tố tụng, chi phí luật sư, chi phí công tác trong quá trình giải quyết tranh chấp rất lớn.

6. Sẵn sàng cho tình huống xấu nhất - bị kiện do có hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Điều này luôn đúng, bởi tài sản SHTT rất đặc thù, vô hình, nhiều trường hợp sử dụng cả 10 năm mới biết là việc dùng đó xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác. Gặp tình huống xấu, cần xử lý một cách văn minh, trung thực, chuyên nghiệp dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia pháp luật về SHTT.

Tới đây cũng cần lường trước khả năng doanh nghiệp Việt bị khởi kiện tại các Trung tâm trọng tài hay toà án quốc tế. Việc tham gia đầy đủ vụ kiện và thiện chí, cầu thị luôn được doanh nghiệp EU khuyến khích.

7. Thường xuyên cập nhật thông tin, chỉ dẫn liên quan các Hiệp định từ cơ quan chức năng của Nhà nước, sẵn sàng đề nghị hỗ trợ nếu cần. Kiến nghị cơ quan chức năng các bất cập, khó khăn khi thực thi EVFTA, đặc biệt trong việc hoàn thiện pháp luật cho tương thích EVFTA.

8. Không ngừng tham khảo kinh nghiệm từ doanh nghiệp quốc tế, hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp quốc tế để được sự hỗ trợ từ họ.

MẠNH THUẬT

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tuan-thu-quy-dinh-so-huu-tri-tue-khi-thuc-thi-evfta-doanh-nghiep-viet-nam-can-chuan-bi-nhung-viec-quan-trong-nao-a245590.html