Những mô hình kinh tế số tại Việt Nam hiện nay và hiện trạng khung pháp lý

(Pháp lý) - Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, với mức tăng trưởng 16% từ 12 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD trong năm 2020. Đặc biệt, Thương mại điện tử (TMĐT) và công nghệ tài chính (Fintech) có sự phát triển nhanh cả về mặt số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, sự bùng nổ của kinh tế số cũng đặt Việt Nam trước nhiều thách thức trong đó nổi cộm về an toàn an ninh mạng, tình trạng lừa đảo, đa cấp, tín dụng đen trá hình, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ … Thực tế này đòi hỏi cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý tạo cơ sở cho những mô hình kinh tế này phát triển bền vững.

Khung khổ pháp lý đối với Fintech của Việt Nam còn sơ khai, chưa theo kịp sự phát triển

Kinh tế số Việt Nam những bước tiến đáng kể

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế… Ngoài ra, thị trường TMĐT cũng phát triển nhanh và quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam cũng có xu hướng tăng nhanh.

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 được Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 10/11 cho biết, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia có sự tăng trưởng hai con số cho nền kinh tế số, trong đó nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỉ USD.

Báo cáo cũng chỉ ra, số người tham gia các dịch vụ số của Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng 41%, cao hơn trung bình 36% của khu vực. Bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, với nền kinh tế số tăng trưởng 16% từ 12 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD trong năm nay.

Báo cáo của Google, Temasek và Bain được công bố vào năm ngoái ghi nhận nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2019 và sẽ bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025, bao gồm các lĩnh vực: TMĐT, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của kinh tế số cũng đặt Việt Nam trước nhiều thách thức trong đó vấn đề nổi cộm về pháp lý thiếu đồng bộ, an toàn an ninh mạng, quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng và các chủ thể tham gia vào nền kinh tế số… đòi hỏi hành lang pháp lý cần tiếp tục phải nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện.

Khung khổ pháp lý đối với Fintech chưa theo kịp sự phát triển

Dù chỉ mới xuất hiện từ năm 2015, song thị trường Fintech của Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển rất nhanh cả về mặt số lượng, sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ và thu hút vốn đầu tư.

Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, số lượng các công ty Fintech đã tăng gấp gần 4 lần từ khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới con số hơn 150 công ty ở thời điểm cuối năm 2019 hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như trung gian thanh toán (ví điện tử), tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng (P2P lending), công nghệ bảo hiểm, ngân hàng số, điểm tín dụng, gọi vốn cộng đồng,…

Trong đó, 32 công ty trung gian thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động tiếp tục tham gia sâu vào thị trường thanh toán, phát triển nhiều dịch vụ thanh toán với chất lượng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng; an ninh, an toàn bảo mật trong hoạt động trung gian thanh toán được quan tâm và chú trọng thực hiện. Lĩnh vực P2P Lending với số lượng khoảng 40 công ty; những công ty Fintech khác phát triển các giải pháp để hỗ trợ hoạt động của ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới khách hàng sử dụng cuối cùng.

Thị trường Fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD tính tới năm 2017 và được dự đoán sẽ đạt 9 tỷ USD vào năm 2020, tương đương với mức tăng 77% trong vòng ba năm. Sự phát triển của Fintech tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút 117 triệu USD vốn khởi nghiệp, vượt qua thị trường E-commerce đang ở mức 104 triệu USD và các lĩnh vực khác khiến Fintech trở thành lĩnh vực được tài trợ nhiều nhất cho giới khởi nghiệp năm 2018.

Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã và đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Fintech. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam vẫn chưa có một hệ sinh thái Fintech rõ rệt, sự phát triển của Fintech chưa tương xứng với tiềm năng.

Nguyên nhân chủ yếu là do khuôn khổ pháp lý cho Fintech ở Việt Nam còn rất sơ khai. Hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech, về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ, hay các quy định về bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân…

Thực tế, khi khuôn khổ pháp lý đối với Fintech chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ đã mang đến nhiều bất cập trong việc phát triển thị trường. Thậm chí xuất hiện tình trạng lừa đảo thông qua các dịch vụ đầu tư tiền ảo (iFan, Pincoin…); Thông qua công nghệ cho vay ngang hàng (P2P Lending); Huy động vốn cộng đồng dạng đa cấp, tín dụng đen trá hình… đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Cho đến nay, Nhà nước mới có khung pháp lý cho thanh toán điện tử (Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt). Các lĩnh vực dịch vụ khác của Fintech như tín dụng, cho vay ngang hàng, hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, hỗ trợ hoạt động ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…) vẫn còn đang được các cơ quan quản lý xem xét và thử nghiệm.

Quản lý thương mại điện tử còn nhiều “lỗ hổng” pháp lý

Đối với TMĐT, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường, trở thành một trong mười thị trường phát triển có tiềm năng nhất thế giới về tăng trưởng TMĐT.

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2020, kinh doanh trực tuyến tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đa dạng, TMĐT trở nên phổ biến và trở thành kênh mua sắm thường xuyên của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của TMĐT trong giai đoạn 2016-2019 là 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt 11,5 tỷ USD, trong đó doanh thu TMĐT doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) đạt 10,08 tỷ USD, bằng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Số người mua sắm trực tuyến tăng liên tục từ 30,3 triệu người lên 44,8 triệu người trong giai đoạn 2015-2019, tăng bình quân 10,3%/năm. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người cũng tăng từ 160 USD lên 225 USD, tăng bình quân 8,8%/năm.

Với sự phát triển “bùng nổ” của công nghệ, các luật điều chỉnh các giao dịch điện tử ngày càng tỏ ra bất cập, thiếu đồng bộ, không còn theo kịp thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng, hoạt động TMĐT hiện nay đang tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế. Điển hình như vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, tính đến tháng 7/2020, lực lượng đã kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm về TMĐT và lợi dụng hình thức này để kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả.

Còn nhiều lỗ hổng pháp lý trong quản lý TMĐT (ảnh minh họa)

Thực tiễn cho thấy mọi hoạt động từ xét duyệt thông tin người bán, đăng tải thông tin hàng hóa, giao dịch, thanh toán đều thông qua đơn vị vận hành sàn giao dịch TMĐT. Trong khi đó, nhiều sàn do có doanh thu từ việc thu phí giao dịch, đã thả lỏng việc xét duyệt hồ sơ của đối tượng tham gia sàn, dẫn đến hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng mà không có biện pháp kiểm soát.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website TMĐT, website cung cấp dịch vụ TMĐT như trước đây mà xuất hiện trên cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam.

Ngoài ra, cùng với sự hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia, mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động…

Tuy nhiên đến nay, Việt Nam chưa có các quy định riêng đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu theo các giao dịch TMĐT mà thực hiện quản lý như đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường, khiến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua các giao dịch TMĐT phải thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hải quan, áp dụng chính sách thuế được thực hiện như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông thường.

Điều này gây ra không ít khó khăn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng như doanh nghiệp, người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực như lợi dụng hoạt động TMĐT để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.

Ông Nguyễn Công Bình – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) thừa nhận trong khi TMĐT phát triển nhanh thì hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp. Các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này đã ban hành từ 5 – 15 năm trước nên đã không còn phù hợp và lạc hậu, đặc biệt là các quy định liên quan tới TMĐT xuyên biên giới.

Hiện nay, Việt Nam đã có một số văn bản pháp luật có nội dung điều chỉnh liên quan đến loại hình kinh doanh này, có thể kể đến như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ thông tin, Luật Quản lý thuế, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website TMĐT.

Ngoài ra, còn có Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có những mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm khác nhau.

Cơ bản Việt Nam đã có được khung pháp lý với các quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh TMĐT. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày sâu rộng, các luật điều chỉnh ngày càng tỏ ra bất cập, bộc lộ nhiều khoảng trống.

Cụ thể: Thiếu chế tài cho các hành vi vi phạm khi kinh doanh TMĐT qua mạng xã hội và nền tảng thiết bị di động; Quy định chưa rõ ràng đối với danh sách các website TMĐT khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng; trách nhiệm của các sàn TMĐT với hàng hóa bày bán, qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng sàn giao dịch TMĐT để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng… Đặc biệt, chưa có các quy định riêng với quản lý nhà nước TMĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan tới TMĐT xuyên biên giới. Đòi hỏi trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần khắc phục lỗ hổng về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, bởi đây là những mắt xích quan trọng giúp TMĐT phát triển bền vững.

Đinh Chiến – Nam Kiên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-mo-hinh-kinh-te-so-tai-viet-nam-hien-nay-va-hien-trang-khung-phap-ly-a245380.html