Những đạo Luật lớn tác động đến cộng đồng Doanh nghiệp năm 2021

(Pháp lý) - Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng có ảnh hưởng tác động lớn tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Đặc biệt, riêng 2 kỳ họp năm 2020, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật có tác động ảnh hưởng lớn tới cộng đồng doanh nghiệp. Sau đây Pháp lý trân trọng giới thiệu tóm lược những nội dung quan trọng của 3 trong số 10 đạo luật có hiệu lực thi hành từ năm 2021: Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP).

1. Luật Đầu tư (sửa đổi) và những qui định mới quan trọng “sát sườn” với nhà đầu tư

Luật Đầu tư (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua có hàng loạt điểm mới trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Đặc biệt, Luật đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị; Làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: (i) đấu giá quyền sử dụng đất; (ii) đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; (iii) chấp thuận nhà đầu tư, chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.

Ảnh minh họa

Đồng thời Luật cũng đã khắc phục những bất cập đang là điểm nghẽn đối với môi trường kinh doanh do sự trùng lặp, chồng chéo hoặc thiếu rõ ràng giữa các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan.

Cắt giảm 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cải cách thủ tục đầu tư

Việc Quốc hội quyết định tiếp tục cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động kinh doanh; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm.
Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng đã có cải cách thủ tục đầu tư so với Luật hiện hành. Theo đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, đơn giản hóa các thủ tục triển khai dự án đầu tư, mở rộng quyền tự chủ của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, như quyền chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng dự án….

Việc Quốc hội quyết định tiếp tục cắt giảm 22 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động kinh doanh; bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

Riêng dịch vụ đòi nợ thuê, Luật chính thức cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ từ 1/1/2021.

Về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, Luật đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những ưu đãi đầu tư sẽ tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, phát triển dự án hạ tầng và văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe.

Cụ thể, đối với lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, các nhóm ngành được nhận hỗ trợ là ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao; sản xuất sản phẩm phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, dịch vụ phần mềm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…

Bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng nằm trong danh sách đề xuất nhận ưu đãi đặc biệt, với các hoạt động như thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung; xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình kết cấu hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định…

Đặc biệt, Luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50% so với mức cao nhất theo quy định của Luật hiện hành.

Đáng chú ý, Luật đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng.

2. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Định nghĩa lại về DNNN và qui định rõ đối tượng không có quyền lập và quản lý DN

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi năm 2020) có nhiều điểm mới đáng chú ý. Theo đó, Luật định nghĩa lại về doanh nghiệp Nhà nước; Quy định rõ 9 đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp; Sửa và bổ sung một số qui định để bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn. Đặc biệt “ hộ kinh doanh” chưa được luật hóa trong Luật này.

Hoạt động của một doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Luật đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước theo mức độ khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác". Theo đó, Điều 88 của Luật quy định về doanh nghiệp Nhà nước như sau:

Thứ nhất: Doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm: a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 điều này; Thứ hai: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này bao gồm: a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Thứ ba: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 điều này bao gồm: a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đáng chú ý, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi năm 2020) đã quy định rõ 9 đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản Nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;…

9 đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp, trong đó bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;…..

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) còn sửa và bổ sung một số quy định để bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.

Cụ thể, Luật quy định tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông là 5%. Việc quy định cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông thấp hơn được thực hiện các quyền tại quy định của Luật nhằm bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số và nhóm cổ đông trong doanh nghiệp. Đây là nội dung quan trọng quy định về khung quản trị doanh nghiệp. Việc quy định này sẽ góp phần quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp.

Đặc biệt, Luật quy định đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu chỉ giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Bởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua có sự phát triển nhanh và chuyển dịch dần kênh huy động vốn từ tín dụng ngân hàng sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư mua trái phiếu và hạn chế doanh nghiệp lạm dụng phương thức này huy động vốn, pháp luật thường hạn chế đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và giới hạn việc chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Quy định hạn chế này không ảnh hưởng đến quyền của các nhà đầu tư khác không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và lợi ích của doanh nghiệp vì doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn từ nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp có thể ủy thác đầu tư trái phiếu riêng lẻ thông qua nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

3. Luật về PPP: kỳ vọng chống được thất thoát, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư

Sau hơn 10 năm chờ đợi, lĩnh vực đầu tư theo phương thức công tư đã chính thức được điều chỉnh bởi Luật về PPP. Có 3 yếu tố – 3 vấn đề lớn được quan tâm đặc biệt khi Luật hóa lĩnh vực đầu tư theo phương thức công tư, đó là: Chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; Đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; Và phải tiếp cận các thông lệ tốt của quốc tế. Vậy 3 yếu tố quan trọng này đã được Luật về PPP điều chỉnh và qui định thế nào?

Nghiên cứu những quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, không khó để nhận thấy những điểm mới, điểm nổi bật mà theo chúng tôi đó là những điểm nhấn quan trọng đáp ứng kì vọng của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc quản lý thực hiện các dự án PPP. Một trong những điểm mới đáng chú ý là loại hình hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) đã bị “khai tử”. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2021, dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.

Đối với dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày luật này có hiệu lực, cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.

Theo qui định của Luật PPP 2020, chỉ còn 7 loại hợp đồng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, gồm: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT); Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO); Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (BOO); Kinh doanh – Quản lý (O&M); Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL); Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (BLT); hỗn hợp – kết hợp nhiều loại hợp đồng.

Điều 4 Luật PPP quy định 5 nhóm lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, gồm: giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục – đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức PPP, Điều 9 của Luật quy định một số thông tin phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cụ thể: Thông tin về quyết định chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án PPP; Thông tin về lựa chọn nhà đầu tư, gồm: Thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; Thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP; Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP, gồm: Tổng vốn đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án (nếu có);…

Không chỉ vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư cũng được quy định khá rõ ràng và chặt chẽ đối với từng trường hợp cụ thể. Theo đó, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng trong đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Đấu thầu rộng rãi (Áp dụng cho tất cả dự án PPP, trừ các trường hợp phải được lựa chọn theo hình thức đặc biệt); Đàm phán cạnh tranh (Áp dụng trong trường hợp dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc dự án có yêu cầu công nghệ mới, chỉ những nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự); Chỉ định nhà đầu tư (Áp dụng theo một trong các trường hợp: Dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước; Dự án cần bảo đảm tính liên tục trong quá trình xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công); Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư).

Bên cạnh đó, Luật cũng có những quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ… thực hiện dự án PPP theo hướng hạn chế những thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện đầu tư dự án.

Điều khoản chia sẻ rủi ro hấp dẫn nhà đầu tư

Một trong những quy định được giới chuyên gia đánh giá là điểm đột phá và hấp dẫn nhất trong thu hút nguồn lực từ giới đầu tư tư nhân là cơ chế chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong các dự án PPP. Theo đó, Điều 84 của Luật quy định, khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế đó và doanh thu đạt ở mức 125% doanh thu trong phương án tài chính. Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với dự án PPP đáp ứng được một số điều kiện nhất định.

“Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu” là cơ chế thuận lợi để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư (ảnh minh họa)

Đáng chú ý, Luật quy định rõ 12 hành vi bị cấm trong đầu tư theo phương thức PPP. Cụ thể:

Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn Nhà nước trong dự án PPP trường hợp dự án có yêu cầu sử dụng; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; Phê duyệt dự án PPP khi chưa có chủ trương đầu tư; không phù hợp với chủ trương đầu tư; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục;

Cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà đầu tư dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng;

Không bảo đảm công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư; Tiết lộ, tiếp nhận tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà đầu tư; Thông thầu; Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ không đúng quy định của Luật này và hợp đồng dự án PPP; Dừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ngoài trường hợp quy định tại hợp đồng dự án PPP; Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; can thiệp bất hợp pháp vào quy trình thực hiện dự án PPP; Gian lận, làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu; cố ý cung cấp thông tin không trung thực, không khách quan; Cản trở việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Lê Phúc – Hồng Quân

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-dao-luat-lon-tac-dong-den-cong-dong-doanh-nghiep-nam-2021-a245338.html