Thái Lan: Đấu tranh chống tham nhũng khu vực tư

Trở thành quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng 2003 (UNCAC) vào năm 2011, Thái Lan đã nâng tầm kế hoạch chống tham nhũng của mình lên thành chương trình nghị sự quốc gia bằng cách thực thi đầy đủ các luật trong nước phù hợp với UNCAC để quản lý xung đột lợi ích - nguyên nhân của các hành vi gian lận.

Theo Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC), Chương 6 Đạo luật Cơ bản về chống tham nhũng (OAAC) B.E. 2561 (2018) của Thái Lan quy định về chống xung đột lợi ích công và tư nhân tuân thủ Chương 2 của UNCAC, Điều 12, Tiểu mục 2 (e), Phòng ngừa xung đột lợi ích bằng cách "cấm, khi thấy phù hợp và trong một thời gian hợp lý, những người đã từng là công chức thực hiện các hoạt động nghề nghiệp hoặc cấm khu vực tư nhân tuyển dụng công chức vào làm việc sau khi họ đã từ chức hoặc về hưu nếu các hoạt động nghề nghiệp hoặc việc tuyển dụng đó có liên quan trực tiếp đến chức năng mà công chức này đảm nhiệm hoặc giám sát khi còn đương nhiệm".

Thủ đô Bangkok, Thái Lan

Liên quan đến Tiểu mục 2 (e) của UNCAC, Chương 6 của OAAC Thái Lan, Mục 126-129, nêu lên những lo ngại cụ thể hơn liên quan đến các quy định cấm đối với quan chức nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cho phép, chuyển nhượng và ký hợp đồng cũng như được ủy quyền giám sát, theo dõi, kiểm soát, thanh tra và truy tố trong các vụ việc liên quan đến nhận tài sản hoặc bất kỳ lợi ích nào khác. Những biện pháp này được luật quy định để giám sát các công chức trong nhiệm kỳ của họ và trong vòng 2 năm kể từ ngày họ rời khỏi vị trí. Các công chức không tuân theo những biện pháp đó được coi là phạm tội trong chức vụ và/ hoặc trong cơ quan tư pháp.

Luật này không cấm công chức không được nhận mọi loại tài sản. Các ngoại lệ được quy định đối với một số tài sản và lợi ích khác được pháp luật cho phép, bao gồm những khoản được cho tặng từ người thân của cán bộ công chức, từ những người không phải họ hàng (trong đó giá cả hoặc giá trị mỗi khoản không vượt quá 3.000 Bạt)...

Đối với tầm quan trọng của việc chống tham nhũng trong khu vực tư nhân, Chương 2 của UNCAC chỉ ra rằng, mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp của riêng mình để phòng ngừa tham nhũng. Các quốc gia thành viên cũng được yêu cầu thực hiện những điều khoản bắt buộc để quản lý trường hợp xung đột lợi ích phát sinh giữa khu vực tư nhân và nhà nước.

Điều này được quy định trong OACC, Mục 176, trong đó nêu rõ: “Bất kỳ người nào cho, đề nghị cho hoặc hứa tặng bất cứ tài sản hoặc lợi ích nào cho một quan chức nhà nước, công chức nước ngoài hoặc quan chức của một tổ chức quốc tế công, với ý định xúi giục người đó thực hiện một cách sai trái, không thực hiện hoặc trì hoãn việc thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào trong văn phòng của họ…, một người được liên kết với bất kỳ pháp nhân nào và hành động được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân đó, trong điều kiện pháp nhân đó không có các biện pháp kiểm soát nội bộ thích hợp để ngăn chặn việc thực hiện hành vi phạm tội như vậy, pháp nhân sẽ được coi là đã thực hiện hành vi phạm tội theo Mục này… ”.

Về mặt pháp luật, sự thừa nhận hiện tại về cả tội hình sự và dân sự liên quan đến người cung cấp lợi ích cho thấy Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan về cơ bản đã mở rộng chiến lược chống tham nhũng của mình sang một khía cạnh mới, nơi các thực thể khu vực tư nhân hiện có thể bị kết tội tham nhũng, như đã thực thi đối với khu vực công.

Có thể thấy, phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng đã và đang trở thành một chương trình nghị sự toàn cầu đòi hỏi các hành động có chủ đích để giải quyết. Để làm được điều này, luật pháp phải được thực thi hiệu quả hơn. Ngoài ra, rất cần sự hợp tác từ các khu vực công và tư, cũng như xã hội dân sự. Đặc biệt, khu vực tư nhân cần nói không với việc hối lộ để giảm bớt tham nhũng; nếu người cho từ chối cho, người nhận cũng sẽ giảm đi đáng kể.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/tin-quoc-te/202101/thai-lan-dau-tranh-chong-tham-nhung-khu-vuc-tu-309077/

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thai-lan-dau-tranh-chong-tham-nhung-khu-vuc-tu-a245255.html