Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước nói gì về vay tiền qua Internet?

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kỹ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng (cho vay qua Internet).

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về việc vay tiền qua Internet. Ảnh minh họa

Thời gian qua, hoạt động cho vay thông qua các nền tảng công nghệ phát triển rất mạnh mẽ tại nhiều nước nói chung và tại Việt Nam nói riêng, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng (vay qua ứng dụng).

Theo đó, qua các hệ thống app, website trực tuyến hoặc một số ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Skype,… người vay và người cho vay có thể thực hiện các giao dịch tài chính một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Khi bắt đầu vay tiền, người vay sẽ ký kết bản hợp đồng chính thức về mức lãi suất cho vay. Tuy nhiên, khi vay tiền trực tuyến (online), hợp đồng không thỏa thuận chính thức bằng văn bản cho nên sẽ làm phát sinh các khoản chi phí khác khiến mức lãi suất tăng lên.

Điều đó khiến người vay không hề biết trước cho nên khó lòng có thể thanh toán được khoản nợ. Đã có hàng nghìn người dính "bẫy" vay này, với số nợ từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, dù ban đầu chỉ vay một vài triệu đồng để chi tiêu.

Mặc dù nhiều khách hàng đã biết được rủi ro sẽ đến với mình nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vay tiền từ những ứng dụng hay các website vay tiền trực tuyến này.

Với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường và yêu cầu quản lý đối với hoạt động cho vay trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng của một số công ty trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.HCM.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ Đề án Xây dựng Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (bao gồm hoạt động cho vay ngang hàng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kĩ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng. Bởi hiện nay, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh đối với lĩnh vực này.

Người dân nên tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của tín dụng đen.

Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến nghị các tổ chức tín dụng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thận trọng trong việc ký kết, thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty cho vay ngang hàng, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tác cần ngừng ngay việc hợp tác dưới mọi hình thức và tiến hành các thủ tục thanh lý các hợp đồng, thỏa thuận đã ký.

Bên cạnh đó cũng phải báo cáo cơ quan chức năng và các bên liên quan để có giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và hạn chế rủi ro có thể phát sinh,…

Liên quan đến việc cho vay trực tuyến, trước đó Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm cho biết, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, rõ ràng tình hình tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng Internet và những nhu cầu tín dụng đen vẫn còn nhiều, do đó tội phạm vẫn còn đất để hoạt động mạnh.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, vì phạm vi giữa dân sự và hình sự ở đây khoảng cách rất mong manh, quan hệ vay tín dụng và thỏa thuận mức lãi thông thường là quan hệ dân sự, có sự đồng ý của cả bên vay và bên cho vay. Nhưng đi quá phạm vi của việc đó hoặc có dấu hiệu lừa đảo, dấu hiệu phạm tội hình sự thì mới là phạm vi xử lý hình sự.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Bộ trưởng bộ Công an đề nghị cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đồng thời siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen, đồng thời sẽ xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tín dụng cho vay qua mạng internet.

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: https://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/bo-cong-an-ngan-hang-nha-nuoc-noi-gi-ve-vay-tien-qua-internet-a352512.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bo-cong-an-ngan-hang-nha-nuoc-noi-gi-ve-vay-tien-qua-internet-a245106.html