Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc: Việt Nam là “điểm sáng” của thế giới khi có mức tăng trưởng GDP dương

(Pháp lý) - Đó là những lời phát biểu của Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Hội thảo công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020, do VCCI tổ chức sáng nay, ngày 12/1/2021.

Theo Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, 2020 là một năm vô cùng đặc biệt, không chỉ đối với Việt Nam mà còn trên thế giới. Đây là năm mà nhân loại chứng kiến và đối mặt với dịch bệnh Covid 19. Nền kinh tế toàn cầu bị “phủ bóng” bởi dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế ở mức âm trên hầu khắp các quốc gia, dòng vốn đầu tư và thương mại đảo chiều giảm mạnh, số lượng doanh nghiệp phá sản, rời khỏi thị trường cao kỷ lục. Đối mặt với những khó khăn trên, Việt Nam lại là “điểm sáng” của thế giới, khi là nước hiếm hoi có mức tăng trưởng GDP dương ở mức khá cao, xuất siêu đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với con số ấn tượng.

Có được thành quả trên, Tiến sỹ Lộc cho rằng là nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với phương châm “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi kinh tế. Cũng từ khó khăn, chúng ta mới thấy được sự bền bỉ, nỗ lực vượt khó để vươn lên, nắm bắt cơ hội của cộng đồng doanh nhân.

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Và trong bối cảnh đặc biệt như vậy, chúng ta mới thấy rõ tác động tích cực của trọng tâm cải cách thể chế mà Chính phủ đề cao trong thời gian qua. Có thể nói trong năm qua, chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp được thiết kế đi theo hai “dòng chảy” rất mạnh mẽ:

Thứ nhất là “dòng chảy” rất nhanh, rất kịp thời của các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua các khó khăn do dịch bệnh Covid 19; Thứ hai là “dòng chảy”bền bỉ, mạnh mẽ của các chính sách cải cách thể thế, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả quốc gia.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay xuất phát từ bối cảnh đặc biệt là dịch bệnh Covid 19. Ngay từ đầu năm,4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid 19. Thực hiện Chỉ thị này, các bộ, ngành đã ban hành đến ít nhất 95 văn bản để cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ.

Tiêu biểu như Nghị định 41/2020/NĐ-CPcủa Chính phủ được ban hành ngay sau đó để gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng chịu ảnh hưởng và/hoặc thiệt hại do Covid 19. Bộ Tài chính cũng đã đồng loạt ban hành hơn 20 thông tư giảm các loại phí của các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp.

Động thái giảm phí, giãn thời điểm đóng thuế vào thời điểm doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, gần như kiệt quệ bởi dịch bệnh đã cho thấy sự đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng và chính sách pháp luật trở thành bệ đỡ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trong khi tập trung nguồn lực để phòng chống dịch bệnh, Chính phủ vẫn đặt ra và kiên trì theo đuổi mục tiêu về cải cách thể chế. Đây được xem là điểm cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy nền kinh tế phát triển – mục tiêu dài hạn của một Chính phủ kiến tạo. Nghị quyết 02 đầu năm hay sau đó là Nghị quyết 68 tiếp tục đặt ra những mục tiêu tham vọng về cải cách các quy định liên quan đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Năm 2020, có những điểm sáng về chính sách mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, ví dụ hai Nghị định thúc đẩy khởi sự kinh doanh:Thứ nhất, Nghị định 122 đã tích hợp ba quy trình đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình việc sử dụng lao động vào quy trình thành lập doanh nghiệp. Tổng thời gian gia nhập thị trường gồm các thủ tục này đã rút ngắn xuống còn 03 ngày làm việc; Thứ hai, Nghị định 22 miễn lệ phí môn bài cho các doanh nghiệp mới thành lập trong năm đầu.

Việt Nam là “điểm sáng” của thế giới khi có mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2020

Đây là hai văn bản có những cải cách rất lớn về cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh của các chủ thể kinh doanh, dự báo sẽ góp phần đưa Việt Nam thăng hạngmạnh mẽ về chỉ số gia nhập thị trường trong Doing Business của Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới.

Năm 2020, trong hoạt động hoàn thiện và sửa đổi chính sách cũng đánh dấu những nỗ lực đột phá, sẵn sàng thay đổi những quy định tưởng như rất khó thay đổiđể thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân. Ví dụ như nâng hạn mức khống chế chi phí lãi vay từ 20 lên 30% và cho phép trừ đi lợi nhuận của lãi vay quy định tại khoản 3, điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP.Đây là hành trình gian nan, để có được sửa đổi này cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã có những nỗ lực rất lớn trong việc chuyển tải ý kiến, thuyết phục Chính phủ và đã có được sự cầu thị, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ.

Bên cạnh điểm sáng như các ví dụ trên thì hoạt động xây dựng pháp luật năm nay vẫn còn tồn tại những điểm khiến cho cộng đồng doanh nghiệp quan ngại, xuất phát chủ yếu từ tư duy soạn chính sách của những nhà làm luật. Chúng tôi nhậnthấy đâu đó vẫn còn những tư duy cũ kĩ của các làm chính sách trong các văn bản được soạn thảo và ban hành trong năm nay, ví dụ:

Các quy định có tính chất gia tăng về chi phí tuân thủ của doanh nghiệp một cách bất hợp lý (ví dụ: dự kiến bổ sung giấy phép con cho người lái xe trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; gia tăng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá; Các quy định có tính chất hành chính can thiệp vào thị trường một cách bất hợp lý (ví dụ: kiểm tra vào quyền định giá dịch vụ vận tải của doanh nghiệp; Vẫn đóng ở một số lĩnh vực đáng lẽ ra nên mở (ví dụ: Nhà nước vẫn chưa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện ….)

Không chỉ là những văn bản được ban hành trong năm 2020, những quy định đã được ban hành trong các năm trước mà chúng tôi rà soát vừa rồi cũng có nhiều vấn đề. Chẳng hạn trong lĩnh vực mà dù đã có nhiều cải cách nhưng các quy định về gia nhập thị trường vẫn còn khá nhiều quy định về điều kiện kinh doanh còn bất cập, thủ tục hành chính phức tạp. Vẫn còn hiện tượng chồng chéo về thẩm quyền quản lý trong một số hoạt động kinh doanh.

Một vấn đề rất quan trọng mà báo cáo của VCCI lần này dành hẳn chương riêng để thảo luận, đó là khung khổ pháp lý nào cho nền kinh tế số. Dù đây là lĩnh vực rất quan trọng, đầy tiềm năng nhưng theo nhiều đánh giá thì chất lượng và phản ứng chính sách của Việt Nam vẫn được xem là điểm yếu cần cải thiện. Theo ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á vừa công bố cuối năm 2020 thì nền kinh tế số của Việt Nam năm 2020 đã đạt khoảng 14 tỷ đô la Mỹ và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt mức 54 tỷ đô la Mỹ. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của internet và những tiềm năng khổng lồ của môi trường này mang lại, các thể chế pháp lý của Việt nam dường như đang chậm chân trong dòng chảy với tốc độ vũ bão này.

Như báo cáo đã chỉ ra, nhiều quy định quản lý thông qua điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép cho một số hoạt động trên môi trường mạng vẫn còn nhiều bất cập; vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các loại tài sản trong kinh tế số vẫn chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả; các mô hình kinh doanh dịch vụ trên kinh tế số phát triển khá nhanh nhưng chưa có biện pháp phù hợp để quản lý…

Trong dòng chảy rất mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn và rất khác. Để trở thành một quốc gia số, những vấn đề liên quan đến chính sách hết sức quan trọng. Những rủi ro, sai lầm về chính sách có thể làm thay đổi đường đi của vốn đầu tư, sự rời bỏ của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ và bỏ lỡ cơ hội để Việt Nam đi nhanh trong lĩnh vực này. Việt Nam không thể chần chừ, không được chậm chạp, không nên trái xu hướng chung của thế giới trong ban hành chính sách và thực hiện chính sách để thúc đấy sự phát triển của khoa học công nghệ, mở đường phát triển cho các doanh nghiệp non trẻ trong nước.

Chúng ta đang bước những bước đầu tiên trong năm 2021, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, năm đầu tiên thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội 2021-2030, một giai đoạn có đầy đủ cơ hội cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam. Với sự đồng hành của Chính phủ và tinh thần vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt cósự khơi thông dòng chảy thể chế, Việt Nam sẽ ngày càng phát triển thịnh vượng hơn, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc nói.

PV

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tien-sy-vu-tien-loc-viet-nam-la-diem-sang-cua-the-gioi-khi-co-muc-tang-truong-gdp-duong-a244972.html