9 thách thức của Việt Nam trong thập niên tới

Thủ tướng cho rằng, sau 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 2016-2020, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng khái quát hóa thành 9 thách thức chủ yếu của chúng ta trong thập niên tới.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành kế hoạch và đầu tư (31/12/1945-31/12/2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại 6 thành tích nổi bật của ngành kế hoạch và đầu tư.

Đó là, được tin tưởng giao trọng trách chủ trì xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển KTXH qua các thời kỳ.

Những chiến lược này là kim chỉ nam, định hướng phát triển, cụ thể hóa đường lối của Đảng trong phát triển đất nước từng chặng đường 10 năm trong thời kỳ Đổi mới. Mỗi kế hoạch 5 năm là bản lộ trình rõ ràng trong trung hạn, tạo ra bước tiến mới trong phát triển đất nước suốt thời kỳ Đổi mới.

Thứ hai, luôn nghiêm túc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với tư duy đổi mới, đột phá trong cải cách thể chế kinh tế phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước.

Thứ ba, luôn là cơ quan được giao nhiều đề án quan trọng nghiên cứu các mô hình, định hướng phát triển đất nước với chất lượng được Đảng và Nhà nước đánh giá cao.

Đồng thời, Bộ cũng là một trong số các bộ, ngành luôn có số lượng đề án, báo cáo lớn nhất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đi đầu trong nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh tế mới, đột phá như: Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

Thứ tư, đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, cải cách trong quản lý nhà nước về đầu tư, đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư toàn xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; phát triển doanh nghiệp.

Thứ năm, luôn đổi mới và đi tiên phong cả về tư duy và hành động, hành động trách nhiệm và hiệu quả để tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp điều hành KTXH kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng lấy ví dụ, năm 2020 này, dịch COVID-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh và sự nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế và suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.

Ngay từ thời điểm ban đầu và xuyên suốt quá trình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã luôn chủ động theo dõi, cập nhật sát tình hình dịch bệnh; đưa ra những đánh giá, dự báo về ảnh hưởng của đại dịch để kịp thời tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo, ban hành những định hướng, giải pháp chính xác, kịp thời nhằm hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân.

Thủ tướng cho rằng, “những kết quả đáng ghi nhận nêu trên đến từ tư duy của các đồng chí là cải cách phát triển và không ngừng đổi mới, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngại khó, không ngại khổ, phát huy tinh thần trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Thứ sáu, ngành thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê, thể hiện rõ "con số biết nói" thông qua phân tích, giải thích, trình bày và tổ chức dữ liệu thống kê để phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, sau 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 2016-2020, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, Thủ tướng khái quát hóa thành 9 thách thức chủ yếu của chúng ta trong thập niên tới.

Một là, bối cảnh thế giới tiếp tục bất định, nhất là tác động của đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị mà chúng ta phải đối đầu.

Thứ hai, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển có thể đuổi kịp nước giàu nhưng cũng đi kèm theo nhiều thách thức bị bỏ lại, hoặc lệ thuộc lớn hơn vào nước giàu.

Thứ ba, thế và lực của nước ta mặc dù đã mạnh hơn trước nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều nút thắt vẫn chưa được khơi thông.

Thứ tư, nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn, nhất là một số nhóm yếu tố, nhóm dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế.

Thứ năm, cạnh tranh giữa các đô thị trong khu vực, kể cả trong nước, trong việc trở thành các trung tâm giao dịch, trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn.

Thứ sáu, nhiều vấn đề văn hóa, xã hội, an ninh, nhất là an ninh phi truyền thống, an ninh mạng nổi lên, có thể đặt ra nhiều thách thức hơn dự báo.

Thứ bảy, chênh lệch giàu nghèo có xu hướng tăng lên theo vùng miền và giữa các nhóm, đi cùng sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu.

Thứ tám, vấn đề nhân khẩu học, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội của nước ta.

Thứ chín, những thách thức về biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên tăng lên.

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/9-thach-thuc-cua-viet-nam-trong-thap-nien-toi-77828.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/9-thach-thuc-cua-viet-nam-trong-thap-nien-toi-a244556.html