Hôm nay, 11 luật và bộ luật chính thức có hiệu lực

Từ ngày 1/1/2021, 11 luật và bộ luật sẽ chính thức có hiệu lực. Trong số này có nhiều quy định mới, nổi bật mà nhiều người sẽ rất quan tâm.

Thu hẹp các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021.

Theo đó, luật PPP thu hẹp các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP chỉ còn 5 lĩnh vực sau: Giao thông vận tải; Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; Y tế; Giáo dục & đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, theo luật, dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT từ 2021; Quy định rõ việc lựa chọn nhà đầu tư

Nếu như luật Đầu tư và nghị định hướng dẫn chỉ dẫn chiếu việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì luật PPP đã quy định rõ việc lựa chọn nhà đầu tư.

Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư được áp dụng trong đầu tư theo phương thức PPP như sau: Đấu thầu rộng rãi; Đàm phán cạnh tranh; Chỉ định nhà đầu tư; Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội tăng thêm một điều kiện về quốc tịch của đại biểu Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội “phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.

Ngoài ra, luật mới cũng quy định tăng thêm 5% tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ít nhất 40% trong tổng số đại biểu Quốc hội).

Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách, góp phần tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Luật quy định hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh; là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Bổ sung đối tượng không được phép thành lập doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều. Những cải cách quan trọng nhất của Luật bao gồm: Cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phát triển.

Ngoài ra, luật góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

Đáng chú ý, luật Doanh nghiệp bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, như: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước); tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Công trình được miễn giấy phép xây dựng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hoá Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

9 công trình được miễn giấy phép xây dựng.

Theo đó, luật quy định có 9 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, như: Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng khẩn cấp; công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị-xã hội, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, các công trình xây dựng tạm theo quy định tại điều 131 của luật; công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường đô thị… cũng được miễn giấy phép xây dựng.

"Khai tử" dịch vụ đòi nợ thuê

Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 chính thức “khai tử” dịch vụ đòi nợ.

Theo Điều 6 luật Đầu tư 2020, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ; mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người (bổ sung việc cấm mua, bán xác, bào thai người); hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; kinh doanh pháo nổ…

Các hình thức ưu đãi đầu tư, bao gồm: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Tăng tuổi nghỉ hưu, thưởng Tết có thể không phải bằng tiền

Từ ngày 1/1/2021, bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực.

Tăng tuổi nghỉ hưu, thưởng Tết có thể không phải bằng tiền từ ngày 1/1/2021.

Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Bên cạnh đó, bộ luật nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng; bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 2/9; đảm bảo sự tự do giao kết hợp đồng lao động; Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động tự quyết định chính sách tiền lương; bảo đảm bình đẳng giới; mở rộng sự bảo vệ đối với lao động chưa thành niên và sửa đổi các luật liên quan.

Bộ luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm thưởng không chỉ là tiền mà còn bằng các hình thức khác. Cụ thể, Điều 104 của bộ luật mới quy định về thưởng thay vì tiền thưởng như bộ luật Lao động 2012. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, bộ luật Lao động 2019 không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết, thưởng vào các ngày lễ khác… cho người lao động.

Ngoài ra, hợp đồng lao động được giao kết theo 1 trong 2 hình thức: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn (hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực hợp đồng); hợp đồng lao động xác định thời hạn (hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng).

Tòa án sẽ hòa giải trước, thụ lý sau

Cũng từ 1/1, luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ có hiệu lực. Theo đó, việc tổ chức hòa giải sẽ được thực hiện trước khi tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính.

Thời hạn hòa giải, đối thoại tại tòa án là 20 ngày kể từ ngày hòa giải viên được chỉ định. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Các bên cũng có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không được quá 2 tháng.

Viện kiểm sát được quyền giám định hình sự

Từ 1/1, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp chính thức có hiệu lực.

Theo luật mới, các tổ chức giám định công lập về kỹ thuật hình sự gồm Viện Khoa học hình sự bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh; Phòng Giám định kỹ thuật hình sự bộ Quốc phòng và Phòng Giám định kỹ thuật của Viện KSND tối cao.

Trong đó, phòng giám định của viện kiểm sát thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Viện trưởng VKSND Tối cao sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của phòng giám định hình sự thuộc đơn vị mình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Đây là điểm mới so với luật giám định cũ.

Đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán

Luật Chứng khoán gồm 10 chương, 135 điều; thay đổi phạm vi điều chỉnh; quy định các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chào bán chứng khoán ra công chúng; công ty đại chúng; thị trường giao dịch chứng khoán, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; thanh tra, xử lý vi phạm.

Về việc thành lập của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, luật quy định: Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của luật này và luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Lần đầu tiên quy định tháng thanh niên

Luật Thanh niên gồm 7 chương, 41 điều; áp dụng với thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân.

Luật cũng xác định rõ 7 nguyên tắc để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của thanh niên.

Lần đầu tiên, Luật quy định về Tháng Thanh niên (vào tháng 3 hàng năm); đồng thời quy định cụ thể về các chính sách của nhà nước đối với thanh niên trong 6 nhóm lĩnh vực: Học tập và nghiên cứu khoa học; lao động, việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc.

Bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi có một số nội dung đáng chú ý.

Cụ thể, luật sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã; lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cơ quan đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Luật bổ sung thêm 2 loại văn bản quy phạm pháp luật: Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; không ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/hom-nay-11-luat-va-bo-luat-chinh-thuc-co-hieu-luc-a501565.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hom-nay-11-luat-va-bo-luat-chinh-thuc-co-hieu-luc-a244471.html