Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng của nền kinh tế

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hay giấc mơ Việt Nam Thịnh Vượng, khu vực kinh tế tư nhân cần phải là một động lực quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tới. Theo đó, có rất nhiều việc phải làm từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp.

Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh

Trong công cuộc phát triển, doanh nghiệp (DN) Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân mà nòng cốt là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có cơ hội và trách nhiệm phát huy vai trò động lực của nền kinh tế.

Báo cáo Việt Nam 2035 đã nêu rõ vai trò trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân. Đó là: Hiện đại hóa nền kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm. Một trong 5 chỉ số của mức thu nhập trung bình cao mà Việt Nam mong muốn đạt được vào năm 2035 cũng là tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP chiếm tối thiểu 80%.

Cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh

Để khu vực kinh tế tư nhân có thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, có rất nhiều việc phải làm từ cả phía Nhà nước và phía DN. Việc quan trọng nhất của phía Nhà nước là tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Đây là tiền đề số 1 và cần được coi là trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế trong những năm tới. Đối với khu vực kinh tế tư nhân, việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển cao và bền vững trong những thập niên tới.

Sau gần 35 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã thành công trong việc làm cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường trở nên không thể đảo ngược được, nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm để hoàn tất quá trình này và thiết lập nền tảng vững chắc của kinh tế thị trường.

Nguyên tắc quan trọng nhất của kinh tế thị trường là tự do cạnh tranh. Nguyên tắc này, cần được thực hiện trên nền tảng của một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh giữa các DN, những người chơi chính trên thị trường. Những méo mó, bất cập do sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, không chỉ làm cho khu vực kinh tế tư nhân không thể phát triển, mà còn kìm hãm sự phát triển đúng đắn và vai trò tích cực của DNNN và DN FDI, của sự liên kết cần thiết giữa các loại hình DN, khiến cho nền kinh tế tăng trưởng với hiệu quả không cao và thiếu bền vững.

Tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh, đòi hỏi Nhà nước tập trung thực hiện bằng được 2 việc lớn: Tăng cường các thể chế thị trường và tự do hóa các thị trường.

Tăng cường các thể chế thị trường

Nhà nước đã khẳng định sự cam kết tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình DN, mọi thành phần kinh tế, đảm bảo quyền tài sản của DN và người dân, thể hiện trong Hiến pháp, cũng như trong các luật về DN, về đầu tư và các lĩnh vực liên quan.

Tuy nhiên, có những quy định trong vô số các văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa tương thích với cam kết đó, hoặc không đủ minh bạch, tạo điều kiện cho các cơ quan và công chức có trách nhiệm tùy nghi thực hiện theo hiểu biết, năng lực, đạo đức và lợi ích của họ. Việc thi hành luật pháp, chính sách còn quá nhiều vấn đề, một phần do chất lượng của bộ máy và con người trong bộ máy Nhà nước, một phần do chính cấu trúc nhà nước bị phân mảnh và thương mại hóa, như phân tích trong Báo cáo Việt Nam 2035.

Trên thực tế, nhiều hành xử của một số cơ quan nhà nước gần như đi ngược với các quy định pháp luật và tuyên bố chính sách về cạnh tranh bình đẳng và quyền tài sản của DN, kể cả tài sản vật chất và tài sản trí tuệ. Nâng cao chất lượng của bộ máy và con người, tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ cương, chế tài trong hệ thống nhà nước, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thiết kế và thực thi chính sách, tăng cường sự tham gia, giám sát và tiếng nói của DN và xã hội là những công cụ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước trong việc này.

Trong những vấn đề cạnh tranh bình đẳng ở nước ta, việc tiếp cận các nguồn lực là vấn đề luôn nóng bỏng nhất đối với DN. Hệ thống phân bổ nguồn lực của Nhà nước, cần được cải cách mạnh mẽ, theo hướng các nguồn lực được dành cho những DN, dự án nào có thể đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất, mang lại lợi ích KT-XH lớn nhất cho đất nước, cho đông đảo người dân. Nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình phải được áp dụng trong mọi quyết định về phân bổ hay tái phân bổ nguồn lực, kể cả khi đề xuất, thiết kế và quyết định thực hiện các dự án đầu tư công hay tư cần sử dụng nhiều nguồn lực.

Trước mắt, Nhà nước cần thực hiện đầy đủ, thực chất chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào sân chơi bằng phẳng, buộc doanh nghiệp nhà nước áp dụng hệ thống quản trị hiện đại, nâng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và quan hệ giữa Nhà nước với họ.

Cần rà soát lại các chính sách ưu đãi dành cho khu vực FDI và các doanh nghiệp khác. Những ưu đãi tràn lan, quá mức, thiếu chính đáng, thiếu công bằng dành cho doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp thân hữu phải được xóa bỏ. Các doanh nghiệp này cũng phải được đặt vào một sân chơi bằng phẳng, công bằng, minh bạch với đông đảo doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân.

Các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp cũng cần được bố trí lại, chủ yếu để khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến, đào tạo nâng cao kỹ năng, hoặc thông tin, tư vấn giúp các DN, đặc biệt là MSMEs chuyển đổi, cùng nhau tạo lập hoặc tham gia các liên kết, các chuỗi cung ứng mới với giá trị gia tăng cao hơn. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần cùng Nhà nước và cùng nhau thúc đẩy việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh ở nước ta.

Các doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật, thực hiện các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, liêm chính và trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, chống sự hình thành các nhóm lợi ích đi ngược lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp hay của xã hội.

Tự do hóa thị trường các nhân tố sản xuất

Đây là mảng vô cùng quan trọng trong nền tảng của kinh tế thị trường, bởi nó tác động rất lớn đến khả năng tiếp cận các nguồn lực cần thiết của doanh nghiệp, tính hiệu quả của việc quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.

Ở nước ta, tự do hóa thị trường các nhân tố đến chậm hơn nhiều so với tự do hóa thị trường hàng hóa và dịch vụ. Hệ thống pháp luật, chính sách cho thị trường các nhân tố cũng chưa đầy đủ, minh bạch, khó tiên liệu, nhiều quy định còn cứng nhắc, bất hợp lý. Trong những thị trường mà Nhà nước còn kiểm soát nhiều như đất đai, tài chính, KH&CN, bóng dáng cơ chế xin - cho vẫn tồn tại, các rào cản thủ tục còn nhiều, hiện tượng đối xử bất bình đẳng, thân hữu, tham nhũng khá phổ biến. Hoạt động của các thị trường này cần được cải thiện về nhiều mặt theo hướng cởi mở, tự do hóa hơn nữa để mang lại hiệu quả KT-XH cao hơn, đảm bảo sự công bằng về khả năng tiếp cận và lợi ích của đông đảo doanh nghiệp, nhất là MSMEs, và người dân hơn.

Thị trường tài chính nước ta tới nay đã đạt mức trung bình của thế giới về trình độ phát triển, năm 2017, xếp hạng 71/137 theo GCI của WEF. Tuy nhiên, thị trường này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của DN, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Khó khăn về tiếp cận tín dụng luôn nhằm trong nhóm những khó khăn lớn nhất của DNTN, nhất là MSMEs.

Chi phí vay (lãi suất) cũng cao hơn hẳn các nước trong khu vực, tạo nên gánh nặng làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của DN. Nhu cầu vốn cho các dự án cần số vốn lớn và dài hạn luôn gặp nhiều khó khăn, trừ khi có sự can thiệp của nhà nước. Cần phát triển khu vực tài chính với quy mô lớn hơn, đa dạng và ổn định hơn, tăng cường độ bao phủ về tài chính ở nước ta.

Thị trường mua bán quyền sử dụng đất chưa hình thành đầy đủ, khiến cho mô hình kinh doanh dựa trên quan hệ thân hữu thịnh hành, gây nhiều xung đột lợi ích trong xã hội, đồng thời làm giảm hiệu quả kinh doanh, gây méo mó cho quá trình đô thị hóa và khó khăn cho tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, sửa đổi Luật Đất đai và các văn bản pháp lý liên quan, phát triển thị trường đất đai minh bạch và đầy đủ chức năng phải là một ưu tiên chính sách quan trọng và cấp thiết.

Nguồn cung lao động dồi dào, tỷ lệ có việc làm cao, quan hệ lao động tương đối tốt khiến nước ta được đánh giá khá tốt về hiệu quả thị trường lao động. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy sự bấp bênh của nhiều loại việc làm và tính dễ bị tổn thương của nhiều lĩnh vực.

Về lâu dài, kỹ năng lao động thấp sẽ là một trở ngại lớn cho thị trường lao động. Tự động hóa và sự giảm sút nhu cầu tiêu dùng trên thị trường toàn cầu cũng là một thách thức lớn, đặc biệt đối với DN và lao động trong các ngành gia công xuất khẩu.

Thị trường KH&CN mới hình thành và phát triển trong những năm gần đây ở nước ta, nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu tăng lên nhanh chóng về đổi mới, nâng cấp công nghệ trong đông đảo DN Việt Nam.

Hệ thống thông tin, tư vấn, các rào cản về thủ tục đánh giá, thẩm định công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… rất cần được cải thiện để tạo thuận lợi, khuyến khích các nhà công nghệ và DN tham gia thị trường nhiều hơn.

Nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh

Đối với khu vực kinh tế tư nhân, để có thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, việc quyết định nhất là khu vực này phải nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của mình.

Trong những năm qua, hầu hết DN đều có nhiều nỗ lực để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Song bối cảnh cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới đã thay đổi, khiến ngay cả những việc chúng ta đã làm thành công trước đây, cũng không thể đảm bảo cho sự phát triển.

Trong tương lai, để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, cần tập trung vào 2 lĩnh vực mà nhiều DN khu vực kinh tế tư nhân còn yếu đó là học hỏi - sáng tạo về công nghệ và quản trị, liên kết và hội nhập.

Đa số doanh nghiệp tư nhân đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc học hỏi, sáng tạo, đổi mới công nghệ và quản trị trong DN, và đã chủ động từng bước thực hiện việc này. Một trong những thách thức lớn nhất đối với đa số DN, nhất là MSMEs, chính là khó khăn trong việc lựa chọn hướng đi mới trong bối cảnh thị trường đang thay đổi quá nhiều và tương lai rất bất định; tiếp đó là lựa chọn sản phẩm, công nghệ, mô hình kinh doanh, hệ thống quản trị phù hợp với hướng đi và năng lực của mình.

Tìm kiếm các nguồn lực cần thiết như tài chính, nhân lực… cũng không hề dễ. Các DN rất cần cùng nhau tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, dự báo tương lai, chia sẻ thông tin, giúp nhau định hướng lại và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, trước khi bắt tay thực hiện sự đổi mới.

Thay vì xin cứu trợ, DN nên đề nghị Nhà nước tập trung hỗ trợ DN đổi mới công nghệ và quản trị để phát triển. DN nên nhớ rằng, đổi mới, sáng tạo là công việc liên tục, nâng cấp liên tục, không thể dừng nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi. Đây là yêu cầu sống còn đối với DN trong thời đại hiện nay, và cũng là cách đóng góp thiết thực của DN cho việc hiện đại hóa nền kinh tế.

Liên kết và hội nhập chính là chiếc chìa khóa mở cánh cửa cho khu vực kinh tế tư nhân bước vào không gian phát triển mới. Trong hơn 3 thập niên qua, nhiều DNTN đã thành công khi tham gia các hoạt động kinh doanh trong nước và toàn cầu, nhờ làn sóng tự do hóa thương mại và đầu tư diễn ra trên thế giới trong những năm 1990, đúng lúc đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập với thế giới bên ngoài.

Nhờ đó, DN khu vực kinh tế tư nhân có thêm những cơ hội thị trường mới, các nguồn cung - cầu mới phong phú, đa dạng, đã nhanh chóng chuyển dịch hoạt động sang nhiều ngành sản xuất, dịch vụ cung ứng cho thị trường trong nước và gia công xuất khẩu. Trong khi tạo lập những liên kết cho cuộc chơi mới, khu vực kinh tế tư nhân rất nên mở rộng sự tìm kiếm trong chính những đồng bào của mình, cả ở trong nước và ở các nước khác.

Mở lòng với nhau, tin tưởng - tôn trọng nhau, thành tâm hợp tác, liên kết những bàn tay, khối óc Việt với nhau và với thế giới bên ngoài, chắc chắn khu vực kinh tế tư nhân sẽ thực hiện được vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần biến giấc mơ Việt Nam Thịnh Vượng thành hiện thực trong tương lai không xa.

Theo thuonghieucongluan.com.vn

Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-a122456.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-a244029.html