Nông thôn mới tại huyện Gia Lâm (Hà Nội): Xây dựng theo hướng bền vững và đô thị hóa

Gia Lâm là huyện có vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội với truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa, anh hùng; nhân dân cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Huyện có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: gốm sứ Bát Tràng, quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ, bào chế thuốc Nam, thuốc Bắc Ninh Hiệp… Trên địa bàn huyện có các cơ sở nghiên cứu, đào tạo lớn về khoa học kỹ thuật nông nghiệp như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu ra quả… Đây là những tiềm năng, lợi thế rất lớn để huyện Gia Lâm triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Hội nghị lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về việc xây dựng NTM nâng cao xã Dương Xá năm 2020

Sau khi 20/20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2018), huyện Gia Lâm tiếp tục rà soát, đánh giá và đặt mục tiêu phấn đấu sớm hoàn thành tiêu chí nông thôn mới nâng cao tại các xã. Việc đạt huyện nông thôn mới năm 2018 là bước đệm quan trọng để huyện Gia Lâm phát huy nội lực, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao. Sau khi rà soát, năm 2019, toàn huyện có 2/20 xã là Yên Viên và Phù Đổng cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đã được thành phố thẩm định và họp thông qua Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố; 7 xã đạt từ 11 đến 14 tiêu chí; 11 xã đạt từ 9 đến 10 tiêu chí. Cùng với đó, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay nhiều nhóm tiêu chí nông thôn mới đạt kết quả cao như: 100% đường trục chính, liên thôn được cứng hóa, bê tông, thảm nhựa; 100% trạm y tế xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; thu nhập bình quân đạt 62,5 triệu đồng/người/năm. Vừa qua, Gia Lâm có thêm 2 xã là Bát Tràng và Dương Xá được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để đáp ứng được các tiêu chí từ huyện lên quận, Gia Lâm đã và đang xây dựng nông thôn mới tiệm cận với các tiêu chí đô thị. Theo đó, các giải pháp để đạt các chỉ số về phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, đáp ứng tiêu chuẩn đơn vị hành chính quận theo lộ trình Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2025, trong đó tập trung vào những tiêu chí quan trọng như: Quy hoạch, trường học, thu nhập, môi trường…Qua ghi nhận, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện đã triển khai 306 dự án với kinh phí 5.506 tỷ đồng; đơn cử dự án đầu tư cải tạo nâng cấp 190,5 km đường giao thông trục chính, đường liên thôn, trục thôn; rà soát, đầu tư xây dựng đồng bộ 411,8 km hệ thống chiếu sáng công nghệ cao… Giờ đây, huyện Gia Lâm đã định hình dáng vóc một vùng đô thị hiện đại. Ở khu hữu ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có bốn tuyến đường lớn song song với nhau, gồm: đường đê Long Biên - Xuân Quan, đường 39B (Hà Nội - Hưng Yên), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 (cũ). Cắt ngang bốn tuyến đường lớn đó là quốc lộ 17. Ở phía tả ngạn sông Ðuống, Gia Lâm có đường quốc lộ 1 (cũ), cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Từ những trục đường lớn này, Gia Lâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông khớp nối với tuyến đường liên xã, liên thôn một cách đồng bộ, hiện đại.

Diện tích trồng cam Vinh theo hướng VietGap tại xã Kiêu Kỵ

Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP; thực hiện có hiệu quả kế hoạch, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh năm 2020; nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường; tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia, đóng góp xây dựng xã nông thôn mới nâng cao gắn với trật tự văn minh đô thị.

Gia Lâm tổ chức Lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng Nông thôn mới năm 2020

Đăng Công

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nong-thon-moi-tai-huyen-gia-lam-ha-noi-xay-dung-theo-huong-ben-vung-va-do-thi-hoa-a243809.html