Tác động của độ mở thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế: Nghiên cứu ở các quốc gia đang phát triển1

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này kiểm tra tác động độ mở thương mại của nền kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến tăng trưởng kinh tế các quốc gia đang phát triển. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng của 16 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 1998 - 2018. Kết quả cho thấy, độ mở thương mại của nền kinh tế có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng FDI thì không có tác động. Kết quả này đặt ra cho những nhà làm chính sách ở các nước đang phát triển những vấn đề liên quan đến việc làm thế nào để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ bên ngoài cho phát triển kinh tế của quốc gia mình.

Từ khóa: FDI, độ mở thương mại, tăng trưởng kinh tế, đầu tư trước tiếp nước ngoài, các quốc gia đang phát triển.

1. Đặt vấn đề

Tăng trưởng kinh tế luôn là một trong những vấn đề dành được sự quan tâm của không chỉ những người làm chính sách mà còn các nhà kinh tế và cả dân chúng. Tăng trưởng kinh tế có thể góp phần tạo ra công ăn việc làm, cải thiện thu nhập người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và nhiều tác động tích cực khác.

Đã có nhiều nghiên cứu về các yếu tố có thể giúp một nền kinh tế tăng trưởng. Đó có thể là đầu tư, thương mại quốc tế, công nghệ, vị trí địa lý theo Rick (2009), hay thể chế, thương mại quốc tế và vị trí địa lý theo Rodrik (2002). Còn Acemoglu và cộng sự (2005) cho rằng, thể chế là nguyên nhân nền tảng của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể giúp các quốc gia nhận vốn tiếp cận được các công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, cũng như tận dụng được các nguồn lực trong nước (Hofmann, 2013), qua đó đóng góp vào việc lan tỏa công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, theo Barro và Sala-i-Martin (1997) và Rivera-Batiz và Romer (1991) thì trong dài hạn, độ mở thương mại có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, nâng cao hiệu quả trong việc phân bổ các nguồn lực và cải thiện năng suất các yếu tố tổng hợp nhờ sự phổ biến kiến thức và công nghệ. Vì vậy, điều này tạo ra kỳ vọng rằng những quốc gia có độ mở thương mại lớn hơn có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Vì vậy, để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, chính sách của nhiều nước đã hướng đến mục tiêu tự do hóa thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, xem đó như là những động lực cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia (Belloumi, 2014).

Tuy nhiên, không phải các nhà kinh tế đều đồng thuận về vai trò tích cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như độ mở thương mại trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của Woo (1995) cho thấy rằng, FDI không có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế còn các nghiên cứu của Foreman - Peck (1995), Williamson và O’Rourke (1999), Vamvakidis (2002) cho rằng độ mở thương mại không có mối liên hệ với tăng trưởng, thậm chí còn có tác động ngược.

Vì vậy, một nghiên cứu để đánh giá về tác động của độ mở thương mại và FDI đối với tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.

2. Tổng quan các nghiên cứu trước

Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tăng trưởng kinh tế là một trong những đề tài nghiên cứu dành được nhiều sự quan tâm. Vì vậy, rất nhiều các nghiên cứu theo hướng này đã được thực hiện.

Behname (2012) trong một nghiên cứu với dữ liệu của các nước Đông Nam Á, giai đoạn 1977 - 2009 cho thấy rằng, FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng của các quốc gia nghiên cứu trong giai đoạn này.

Đánh giá về vai trò của FDI đối với tăng trưởng ở khu vực châu Phi, Jugurnath và cộng sự (2016) trong một nghiên cứu với 32 quốc gia khu vực Hạ Sahara cho thấy rằng FDI có vai trò cực kỳ quan trọng, thậm chí quan trọng hơn so với vai trò của các nguồn vốn trong nước.

Một nghiên cứu với bộ dữ liệu lớn hơn, gồm 129 quốc gia trên toàn thế giới giai đoạn 2003 - 2009 của Jawaid và cộng sự (2012) cũng khẳng định rằng ở tất cả các quốc gia, không phân biệt thuộc các nhóm có thu nhập thấp, trung hay cao, FDI đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một kết quả ngược lại được Tang (2015) tìm thấy khi nghiên cứu về Liên minh Châu Âu trong giai đoạn 1987-2012, rằng FDI không đóng vai trò gì trong sự phát triển các quốc gia này.

Bên cạnh đó, trong điều kiện hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, độ mở của các nền kinh tế hầu hết theo hướng ngày càng mở rộng. Khi đó, việc đánh giá vai trò của độ mở nền kinh tế nói chung và độ mở thương mại nói riêng đối với sự phát triển của các quốc gia cũng dành được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.

Mohsen và cộng sự (2015) trong một nghiên cứu với dữ liệu của Syria giai đoạn 1980-2010 cho thấy rằng, độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ thuận chiều. Trong một nghiên cứu khác, độ mở thương mại thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng khi xem xét dữ liệu của 10 quốc gia Đông Nam châu Âu trong giai đoạn 1996-2012, theo Fetahi-Vehapi và cộng sự (2015).

Với các quốc gia châu Phi, nghiên cứu của Yeboah và cộng sự (2012) được tiến hành trên 38 quốc gia, giai đoạn 1980 - 2008 cũng tìm thấy bằng chứng về sự tác động tích cực của độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế. Kết quả này cũng phù hợp với những gì Ahmed và cộng sự (2008) đã chỉ ra trước đó.

Còn rất nhiều những nghiên cứu cho thấy vai trò tích cực của độ mở thương mại với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, SandraTrejos và Gustavo Barboza (2015) tìm thấy bằng chứng cho rằng độ mở thương mại không phải là động lực chính cho sự tăng trưởng của các quốc gia châu Á. Nghiên cứu của Blent Ulaþan (2015) cũng cho kết quả tương tự.

3. Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu

Dựa trên các lý thuyết kinh tế về vai trò của độ mở nền kinh tế và FDI đối với tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, cũng như các mô hình nghiên cứu thực nghiệm đã được Borensztein và cộng sự (1998), Behname (2012) sử dụng. Nghiên cứu này sử dụng mô hình định lượng, trong đó FDI và độ mở thương mại là những yếu tố đầu vào của quá trình tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia đang phát triển. Cụ thể như sau:

GDPit = β0 + β1FDIit+ β2Opennessit + β3DomInvit + β4GovExpit + β5BankCredit + β6Laborit + εit

Trong đó: i, t đại diện cho các chiều quốc gia và thời gian của mẫu nghiên cứu.

Mẫu nghiên cứu gồm 16 quốc gia đang phát triển theo phân loại của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF (IMF, 2020). Số liệu bảng được thu thập trong giai đoạn 1998 - 2018 với 336 quan sát từ nguồn dữ liệu thứ cấp của IMF và World Development Indicators2.

4. Phương pháp và kết quả ước lượng

Kết quả phân tích cho thấy mô hình không gặp vấn đề đa cộng tuyến khi sử dụng thước đo là hệ số VIF. Bên cạnh đó, các biến cũng không tồn tại hiện tượng tự tương quan theo phương pháp kiểm định Wooldridge test (Wooldridge, 2002), đồng thời không tồn tại phương sai sai số thay đổi theo phương pháp Breusch-Pagan test (Breusch và Pagan, 1979).

Bảng 1. Các biến sử dụng

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Đối với dữ liệu bảng cân bằng, nghiên cứu thực hiện kiểm định F-test để lựa chọn phương pháp hồi quy giữa Pooled OLS và Fixed effect. Kết quả kiểm định cho thấy. Fixed effect là phương pháp ước lượng phù hợp hơn. Tiếp theo, tác giả sử dụng Hausman test để lựa chọn giữa Fixed effect và Random effect. Kết quả cho thấy, Fixed effect là ước lượng phù hợp hơn với mô hình nghiên cứu. Vì vậy, tác giả sử dụng ước lượng Fixed effect để hồi quy mô hình đánh giá tác động của độ mở thương mại và FDI lên tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia đang phát triển, kết quả ước lượng như Bảng 2.

Bảng 2. Kết quả ước lượng

Nguồn: Tính toán của tác giả, sử dụng Stata 12

Ghi chú: hệ số của các biến giải thích được trình bày trong cột kết quả, trong ngoặc đơn là độ lệch chuẩn của các hệ số. Các dấu ***, **: các hệ số có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%, 5%. Các kiểm định F-test, Hausman test cho thấy ước lượng Fixed effect là phù hợp. Kiểm định tự tương quan và phương sai sai số thay đổi cho thấy không tồn tại các hiện tượng này.

Kết quả ước lượng cho thấy độ mở thương mại giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hệ số hồi quy của độ mở thương mại có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Điều đó cho thấy, độ mở nền thương mại càng lớn thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong mẫu nghiên cứu càng lớn và ngược lại.

Tuy nhiên, với FDI thì kết quả ngược lại. Hệ số của FDI trong mô hình không có ý nghĩa thống kê. Kết quả này cho thấy, trong nhóm các quốc gia của mẫu thì FDI không có vai trò trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ít nhất là trong giai đoạn nghiên cứu.

Giải thích cho kết quả này, có thể FDI là nguyên nhân gây trở ngại cho quá trình phân bổ các nguồn lực của nền kinh tế, sự ưu ái dành cho các doanh nghiệp FDI có thể khiến các thành phần kinh tế khác bị chèn lấn. Điều này có thể không đem lại tăng trưởng, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, nơi mà cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu, nguồn vốn lao động thiếu chất lượng, công nghệ còn lạc hậu, theo Boyd và Smith (1992).

5. Kết luận

Bài nghiên cứu này đã tiến hành kiểm tra tác động của độ mở thương mại và FDI đến tăng trưởng kinh tế của 16 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 1998 - 2018.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã củng cố nhận định của lý thuyết kinh tế về vai trò tích cực của độ mở thương mại, rằng tăng cường hội nhập kinh tế, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu là chìa khóa đem lại tăng trưởng cho kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên, kết quả thực nghiệm cho thấy FDI không phải là động lực cho tăng trưởng của các quốc trong mẫu nghiên cứu.

Điều này đặt ra câu hỏi cho các quốc gia đang phát triển, nơi mà nhiều nước đánh giá đây là nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Câu trả lời mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý có thể nằm ở việc cải thiện các điều kiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời có giải pháp áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra sự đồng bộ, tương thích giữa các thành phần kinh tế khác với các doanh nghiệp FDI, qua đó khai thác một cách hiệu quả nguồn vốn này cho phát triển kinh tế.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1. Nghiên cứu này được Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh tài trợ trong đề tài mã số: T2019.06.2

2. Danh sách 16 quốc gia trong mẫu nghiên cứu: Algeria, Bangladesh, Bolivia, Chile, Ghana, Hungary, India, Indonesia, Madagascar, Mexico, Mongolia, Nigeria, Pakistan, Philippines, Thailand và Vietnam.

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tac-dong-cua-do-mo-thuong-mai-va-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-den-tang-truong-kinh-te-nghien-cuu-o-cac-quoc-gia-dang-phat-trien1-77230.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tac-dong-cua-do-mo-thuong-mai-va-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-den-tang-truong-kinh-te-nghien-cuu-o-cac-quoc-gia-dang-phat-trien1-a243556.html