Vai trò của các chính sách phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp

Phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện chưa nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nắm vững hoặc có các hiểu biết nhất định về chính sách pháp luật phòng vệ thương mại hoặc có các kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương.

Để doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hiểu biết nhất định về chính sách phòng vệ thương mại hay có các kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này, PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập có cuộc phỏng vấn ông Lê Triệu Dũng- Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại Bộ Công Thương.

PV: Thưa ông, khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phép áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như thế nào?

Ông Lê Triệu Dũng: Trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến hoặc cạnh tranh không công bằng, cho phép áp dụng một số biện pháp hạn chế nhập khẩu, các biện pháp đó có tên gọi chung là các biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm: biện pháp chống bán phá giá; biện pháp chống trợ cấp; biện pháp tự vệ

PV: Xin ông cho biết vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế?

Ông Lê Triệu Dũng: Việc thực hiện cam kết trong WTO và các Hiệp định FTA đã tạo ra cơ hội to lớn cho nền kinh tế nhưng cũng đặt các ngành sản xuất của ta trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước trong khu vực.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để đảm bảo môi trường thương mại công bằng. Đây là nhóm gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ mà WTO và các Hiệp định FTA cho phép áp dụng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và công ăn việc làm, đảm bảo an ninh kinh tế và an sinh xã hội. Cùng với diễn biến phức tạp của kinh tế khu vực và toàn cầu, chính sách bảo hộ thương mại của một số nền kinh tế lớn đang gia tăng và xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài, các nước trên thế giới cũng đang tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đối phó với tình trạng nhập khẩu.

PV: Các biện pháp phòng vệ thương mại được triển khai như nào, thưa ông?

Ông Lê Triệu Dũng: Bộ Công Thương đã và đang sát cánh cùng doanh nghiệp làm việc với cơ quan quản lý các nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng hóa xuất khẩu của ta. Đồng thời, nỗ lực tăng cường sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để ổn định sản xuất cũng như ứng phó với các biện pháp do nước ngoài áp dụng như:

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng vệ thương mại phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng.

Sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ, xây dựng và phát triển năng lực sản xuất trong nước, bảo đảm việc làm cho người lao động;

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.

PV: Ông cho biết về tình hình thực tế khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới cũng như ở Việt Nam?

Ông Lê Triệu Dũng: Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia với mục đích bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa.

Theo số liệu thống kê của WTO, tính đến 31 tháng 12 năm 2019, các nước đã điều tra tổng cộng 5.944 vụ chống bán phá giá, 577 vụ việc chống trợ cấp, 377 vụ việc tự vệ. Trong số đó, các nước kết luận áp dụng 3.958 biện pháp chống bán phá giá, 320 biện pháp chống trợ cấp và 185 biện pháp tự vệ.

Nếu như trước đây, Hoa Kỳ là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất thì trong thập kỷ vừa qua Ấn Độ đã trở thành quốc gia sử dụng biện pháp chống bán phá giá và tự vệ nhiều nhất (706 biện pháp chống bán phá giá và 22 biện pháp tự vệ). Hoa Kỳ vẫn là thành viên tích cực sử dụng biện pháp chống trợ cấp nhất (160 biện pháp). Ngoài ra, các thành viên nhiều kinh nghiệm trong điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gồm có: EU, Ca-na-đa, Úc, Bra-xin, Thổ Nhĩ Kỳ, In-đô-nê-xi-a…

Theo thống kê của WTO, các biện pháp phòng vệ thương mại có phạm vi áp dụng rộng trong đó đối tượng chính là sắt, thép (chiếm 40,2%); nhựa và sản phẩm nhựa (chiếm 11,2%); xe cộ và phụ tùng (chiếm 10,2%); các thành phẩm từ sắt, thép (chiếm 9,0%) và máy móc, thiết bị điện (chiếm 6,0%).

Tính đến tháng 11 năm 2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường… Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng 07 biện pháp chống bán phá giá, 05 biện pháp tự vệ và 01 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.

Thực tế cho thấy các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững và từng bước phát triển các ngành sản xuất trong nước liên quan. Hầu hết các hàng hóa là đối tượng áp dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại là những mặt hàng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/vai-tro-cua-cac-chinh-sach-phong-ve-thuong-mai-doi-voi-doanh-nghiep.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vai-tro-cua-cac-chinh-sach-phong-ve-thuong-mai-doi-voi-doanh-nghiep-a243427.html