Vụ nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines làm lây lan COVID-19: cần xem xét cả trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý cách ly y tế.

(Pháp lý) - Theo luật sư Đặng Văn Cường, có đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với trường hợp bệnh nhân số 1342 về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người. Bên cạnh đó cần xem xét trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý cách ly y tế trong trường hợp này.

Chính thức khởi tố vụ án hình sự liên quan đến tiếp viên hàng không Vietnam Airlines làm lây lan COVID-19

Lần đầu tiên khởi tố vụ án liên quan đến vi phạm phòng chống dịch Covid-19, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Trưa 3/12, trong buổi họp báo tại Trung tâm báo chí TP.HCM, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM đã thông báo chính thức về việc khởi tố vụ án hình sự "Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người tại TP.HCM".

ông Nguyễn Sỹ Quang cho biết liên quan trường hợp lây lan COVID-19 từ bệnh nhân 1342 là nam tiếp viên hàng không, Công an TP.HCM đã bước đầu điều tra và xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Công an TP.HCM đã chỉ đạo Cơ quan an ninh điều tra của Công an TP.HCM khởi tố vụ án ‘‘Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’ theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015.

Được biết, đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống COVID-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng bị xem xét xử lý hình sự.

Việc khởi tố này được đưa ra sau khi bệnh nhân 1342 (BN1342) - nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vi phạm các quy định phòng dịch khi thực hiện cách ly tập trung, cũng như không tuân thủ quy định phòng dịch khi cách ly tại nhà khiến mình mắc COVID-19 và làm lây lan thêm cho người khác.

Liên quan đến vụ việc này, Vietnam Airlines đã lên tiếng xin lỗi. UBND TPHCM cũng đã quyết định đóng cửa khu cách phi hành đoàn của Vietnam Airlines, chuyển toàn bộ phi công, tiếp viên cách ly tại đây về khu cách ly tập trung của TP.

Cần xem xét trách nhiệm của Vietnam Airlines và cá nhân tổ chức có liên quan trong việc quản lý cách ly y tế tại cơ sở cách ly.

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên Pháp lý luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết có đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với trường hợp này về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người. Bên cạnh đó cần xem xét trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý cách ly y tế trong trường hợp này.

Có thể nói rằng đối với bệnh dịch covid- 19 thì chỉ cần một người thiếu ý thức, không tuân thủ quy định về phòng chống bệnh truyền nhiễm và thiếu trách nhiệm của một số người trong khâu phòng dịch là có thể khiến bệnh dịch bùng phát, có thể cướp đi mạng sống của hàng trăm ngàn người, gây tổn hại nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội.

Bởi vậy những hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội cần phải xem xét xử lý hình sự. Cần truy trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật sư Cường nói.

Cũng theo vị luật sư, trong vụ việc xảy ra đối với tiếp viên hàng không Vietnam Airlines thì hành vi thiếu ý thức của nam tiếp viên này trong việc tuân thủ quy định về cách ly y tế tập trung và cách ly tại nhà đã khiến ít nhất 03 người mắc covid, nhiều người phải bị cách ly y tế do được xác định là F1, F2..

Các cơ quan chức năng, áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh, nhiều đơn vị cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng, việc học tập của học sinh cũng ảnh hưởng gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhiều tổ chức, cá nhân, phát sinh chi phí phòng chống dịch. Do đó, hành vi của nam bệnh nhân này rất đáng lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Vì sao đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, trước đây nhiều hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh đã bị xử lý hành chính hoặc hình sự như: Tung tin sai sự thật, đưa truyền dữ liệu trái phép trên mạng internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Tuy nhiên với hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, trốn tránh cách ly, khai báo gian dối, không tuân thủ quy định về cách ly y tế thì chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta chưa áp dụng chế tài hình sự đối với những người vi phạm quy định về cách ly như: thời kỳ đầu thông tin về dịch bệnh chưa đầy đủ, một số trường hợp sai phạm do nhận thức chưa đầy đủ là có thể châm trước; Chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; Hệ thống pháp luật còn chưa đầy đủ để có cơ sở pháp lý vững chắc trong việc xử lý hình sự… nên một số hành vi không đề cập xử lý hình sự.

Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và tình trạng vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh gia tăng, đòi hỏi phải bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật, chế tài trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống bệnh dịch thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/03/2020 về việc hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã quy định rõ:

Đối với người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Theo đó, người thực hiện bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng như gây chết người thì hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 đến 12 năm tù theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.

Như vậy, những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc covid-19, tiếp xúc với nguồn lây bệnh hoặc đi qua vùng dịch, được thông báo phải cách ly y tế nhưng không tuân thủ quy định cách ly y tế dẫn đến lây lan dịch bệnh thì được xác định là “hành vi khác” làm lây lan gây dịch bệnh theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên. Bởi vậy, căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh làm rõ hành vi, làm rõ mức độ nhận thức và trách nhiệm của người này, làm rõ những thiệt hại đã gây ra cho xã hội để xem xét khởi tố hình sự, đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Luật sư cường cho biết thêm, Công văn số 45 cũng quy định đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện hành vi không tuân thủ quy định cách ly hoặc từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự. Theo đó, mức hình phạt đối với tội danh này có thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm hoặc cao nhất đến 12 năm tù trong trường hợp làm chết từ 03 người trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.500.000.000 đồng trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật hình sự.

Do đó, đến nay có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với những người vi phạm quy định về cách ly y tế gây lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án đồng thời trong qua trình điều tra cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi, làm rõ mức độ nhận thức và hậu quả để xử lý xử lý thật nghiêm minh hành vi vi phạm theo quy định để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Cần xem xét trách nhiệm của Vietnam Airlines và cá nhân tổ chức có liên quan trong việc quản lý cách ly y tế.

Theo Luật sư Cường, qua thông tin sự việc cho thấy việc tiếp viên hàng không có một loạt các hành vi vi phạm quy định về cách ly có sự nơi lỏng quản lý của đơn vị cách ly của Vietnam Airlines và chính quyền địa phương trong việc cách ly y tế tại nơi ở.

Cụ thể, trong quá trình cách ly tập trung thì cần phải đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày, Trường hợp cách ly chưa đủ 14 ngày, xét nghiệm chưa đủ ba lần thì chưa có gì chắc chắn là đã an toàn. Nếu trong thời gian cách ly tập trung mà có sự tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp giữa những người cách ly không đảm bảo an toàn thì hành vi này là vi phạm quy định về cách ly tập trung theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Nghị định 101/2010/NĐ-CP và các quyết định của bộ y tế về cách ly y tế.

Bởi vậy, trong trường hợp có vi phạm quy định về cách ly tập trung thì cần phải xem xét trách nhiệm của đơn vị cách ly và cán bộ phụ trách đơn vị này. Có thể truy trách nhiệm pháp lý để xem xét xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn đối với thời gian cách ly tại nơi ở thì theo quy định người bị cách ly phải đo nhiệt độ một ngày hai lần, phải có nhân viên y tế đến kiểm tra, phải thực hiện quy trình cách ly tại nhà theo đúng quy định của bộ y tế. Trường hợp có vi phạm mà cơ sở y tế, chính quyền địa phương không biết, không kiểm soát, buông lỏng quản lý dẫn đến lây lan dịch bệnh thì cũng cần phải xem xét kỷ luật và truy trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.

Trong quá trình điều tra xác minh, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra để làm rõ trách nhiệm của tổ chức, của cá nhân trong vụ việc này, làm rõ chức trách nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cá nhân và việc thực hiện nhiệm vụ của họ trường hợp có lỗi làm lây lan dịch bệnh thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thời gian qua dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế xã hội đẩy nhiều doanh nghiệp, cá nhân vào bước đường khó khăn, phá sản. Đến nay khi chúng ta kiểm soát tốt được tình hình, kinh tế đang dần phục hồi thì chỉ vì ý thức kém của một số người mà thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị có thể đổ bể, nhiều doanh nghiệp có thể phá sản, tính mạng của người dân có thể bị đe dọa, đời sống của nhiều người dân bị đảo lộn.

Thời điểm này tết nguyên đán đang cận kề, nếu không làm tốt thì người dân không thể có niềm vui trọn vẹn trong ngày đoàn viên. Cũng không lâu nữa sẽ đến đại hội đảng toàn quốc và các sự kiện chính trị quan trọng. Nếu chúng ta không nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ý thức phòng bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mà để dịch bệnh bùng phát khiến phải giãn cách toàn xã hội thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của hàng triệu người dân Việt Nam. Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Nam Kiên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-nam-tiep-vien-hang-khong-vietnam-airlines-lam-lay-lan-covid-19-can-xem-xet-ca-trach-nhiem-phap-ly-cua-to-chuc-ca-nhan-trong-viec-quan-ly-cach-ly-y-te-a243119.html