Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại – Nhiều vấn đề đặt ra

(Pháp lý) - Kể từ khi Bộ luật hình sự năm 2015 được ban hành, cho đến nay vẫn chưa có pháp nhân thương mại nào bị đưa ra xét xử tại Tòa án. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại trên thực tế còn gặp phải một số vướng mắc về căn cứ xử phạt, về hình phạt. Những vướng mắc này đòi hỏi cơ quan chức năng sớm nghiên cứu sửa đổi bổ sung hoàn thiện pháp luật liên quan.

Hội thảo về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại do TANDTC phối hợp cùng JICA - cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản ngày 25/11/ 2020 tại Hải Phòng đã đặt ra nhiều nội dung đáng quan tâm trong lĩnh vực pháp nhân thương mại phạm tội.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Cảnh Dinh

32 tội danh

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự của Việt Nam, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn 4 điều kiện: Hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương; Hành vi phạm tội vì lợi ích pháp nhân thương mại: Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành, chấp thuận của pháp nhân thương; Còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm về 32 tội danh quy định tại BLHS năm 2015: Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);

Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố) và Điều 324 (tội rửa tiền).

Cảnh sát môi trường tỉnh Bình Dương kiểm tra khu vực bị xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường - Ảnh: Minh Phúc

Có thể khẳng định rằng, đây là các tội danh đã được các nhà lập pháp khái quát từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm thời gian qua đã diễn ra rất phức tạp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và thiệt hại đối với xã hội. Đồng thời, đây cũng là các tội danh được yêu cầu nội luật hóa từ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia như: Công ước Kiểm soát ma tuý năm 1998 của Liên hợp quốc (Công ước Viên); Công ước quốc tế về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố (1999), Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 của Liên hợp quốc (Công ước Palermo); Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) 2003, và gần đây nhất là Công ước ASEAN về chống khủng bố (2007)…

Theo qui định của BLHS 2015, Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn 4 điều kiện: Hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân thương mại; Hành vi phạm tội vì lợi ích pháp nhân thương mại: Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành, chấp thuận của pháp nhân thương; Còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về căn cứ xử phạt pháp nhân

TS Phạm Minh Tuyên cho rằng phạm vi áp dụng của chế định trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội là không phù hợp với nội dung của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Thêm vào đó, việc mở rộng phạm vi áp dụng theo khoản 2, Điều 6 BLHS 2015 đối với hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam chỉ áp dụng đối với người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài.

Công ước Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia được thông qua cùng với 2 Nghị định thư đòi hỏi các quốc gia cần áp dụng nghiêm chỉnh thực hiện những biện pháp đấu tranh đối với hành vi nhập lậu người nhập cư và buôn bán phụ nữ, trẻ em. Khái niệm tổ chức tội phạm có nội dung rộng lớn hơn nhiều so với khái niệm pháp nhân thương mại trong BLHS 2015 và do đó có thể khẳng định chúng ta nội luật hóa chưa đúng với yêu cầu của Công ước. Thực tiễn cũng đã chứng minh các tổ chức tội phạm khi thực hiện các hành vi rửa tiền, buôn lậu, không nhất thiết phải thực hiện dưới vỏ bọc là pháp nhân thương mại.

Cần phải hiểu pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm theo quy định của BLHS là bất cứ loại hình doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nào như công ty cổ phần, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh. miễn là họ có tư cách pháp nhân, trong đó có cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nagahashi Masanori ( Nhật Bản) cho biết trước tiên cần xác định pháp nhân đó có năng lực phạm tội hay không? Liên quan đến vấn đề này tại Nhật Bản có hai quan điểm, đó là thuyết phủ định và thuyết đồng tình. Trên thực tế, BLHS của Nhật Bản không có quy định nào về xử phạt hình sự pháp nhân thương mại phạm tội, tuy nhiên trong các luật chuyên ngành lại có các quy định về việc xử phạt và chỉ có thể xử phạt nếu có quy định. Tức là nếu tội đó không được quy định trong các luật chuyên ngành thì tội phạm đó sẽ không bị xử phạt.

Về căn cứ xử phạt pháp nhân, luật pháp Nhật Bản quy định hành vi của người đại diện pháp nhân chính là hành vi của pháp nhân. Trường hợp nhân viên của pháp nhân có hành vi vi phạm, nếu hành vi phạm tội của một người được chứng minh, có thể giả định rằng đã có lỗi trong việc bổ nhiệm, giám sát và ngăn chặn vi phạm khác của pháp nhân. Do đó, trừ khi có thể chứng minh rằng pháp nhân đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn vi phạm thì pháp nhân cũng sẽ bị xử phạt theo quy định song phạt (xử phạt cả người có hành vi phạm tội và pháp nhân).

Trường hợp một pháp nhân quản lý một pháp nhân khác mà pháp nhân khác phạm tội thì pháp nhân quản lý sẽ không bị truy cứu, trừ trường hợp pháp nhân quản lý xúi giục, giúp đỡ.

TS Phạm Minh Tuyên đề nghị cần xác định rõ tư cách tham gia tố tụng của người đại diện cho pháp nhân thương mại phạm tội khi tham gia tố tụng. Tại khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định nguyên tắc xác định mối quan hệ giữa trách nhiệm hình sự của cá nhân và trách nhiệm của pháp nhân, cụ thể là “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Quy định này nhằm chống lại việc một số cá nhân phạm tội, lợi dụng vỏ bọc pháp nhân, đổ tội cho pháp nhân để thoát tội.

Những vấn đề về hình phạt

Chuyên gia Nagahashi Masanori cho biết, ở Nhật Bản hình phạt chính là hình phạt về tài sản như phạt tiền (về nguyên tắc có giới hạn tối đa); Tịch thu, trưng thu với tư cách là hình phạt bổ sung (dựa trên mệnh lệnh bảo toàn tịch thu).

Về hình phạt, TS Phạm Minh Tuyên nêu quan điểm: Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn về việc áp dụng một số biện pháp tư pháp được áp dụng đối với pháp nhận thương mại phạm tội theo quy định tại Điều 82 của BLHS 2015 như: (i) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu?; (ii) Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra?; (iii)Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường?. Các biện pháp này chưa được quy định trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội, TS Phạm Minh Tuyên cho rằng việc quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội, theo BLHS 2015 là chưa khả thi và không bảo đảm công bằng. Điều 33 BLHS 2015 quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm 3 hình phạt chính là: Phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và 3 hình phạt bổ sung là: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính. Những hình phạt trên, khi áp dụng vào thực tiễn sẽ phát sinh nhiều bất cập và ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, các cá nhân, pháp nhân có liên quan như người lao động và các cổ đông. Do đó, về hình phạt, nếu hình phạt tiền thì cũng cần phân định rõ và cá thể hóa chỉ buộc những cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm chứ không thể lấy từ nguồn vốn cố định của pháp nhân để tránh ảnh hưởng đến các cố đông hoặc người lao động khác của pháp nhân thương mại.

Do vậy, cần bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người lao động, người thứ ba tham gia giao dịch với pháp nhân thương mại, khi pháp nhân thương mại phải chịu các hình phạt trên và các Cơ quan tố tụng Trung ương cần sớm có những văn bản cụ thể về các quy định này để áp dụng thống nhất trong việc điều tra, truy tố, xét xử trong toàn quốc.

Ông Nguyễn Đình Tiến - Phó chánh tòa hình sự, TAND thành phố Hà Nội cho rằng, trong các loại hình phạt trên thì các hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn là những loại hình phạt có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của pháp nhân thương mại. Trong quá trình hoạt động của mình một pháp nhân thương mại tham gia, ký kết nhiều hợp đồng thương mại nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận và trong đó có những hợp đồng đã kết thúc, có hợp đồng đang thực hiện và có cả những hợp đồng đang có tranh chấp; tài sản đang trong tiến trình Tòa án giải quyết phá sản.

Khi pháp nhân bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn đồng nghĩa với việc các giao dịch thương mại của pháp nhân đó bị tạm đình chỉ. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của pháp nhân tham gia ký kết hợp đồng và những thiệt hại có thể có sẽ được xem xét góc độ lỗi thì xác định lỗi có thuộc về pháp nhân bị xét xử hay đo là tình huống bất khả kháng?

Ví dụ: Một pháp nhân sản xuất đệm vật liệu cao su gia công cho nước ngoài, quá trình thực hiện hợp đồng pháp nhân đó đã xả thải gây nguy hại môi trường và bị xét xử về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 và hình phạt là đình chỉ hoạt động có thời hạn là 02 năm trong lĩnh vực sản xuất liên quan đến cao su, composite. Trong hai năm đó các nguyên liệu sản xuất, gia công do đối tác cung cấp bị hư hỏng, hợp đồng không thể thực hiện… Hoặc trường hợp pháp nhân đó bị xử phạt đình chỉ vĩnh viễn lĩnh vực sản xuất gia công cao su, composite thì các tài sản máy móc do đối tác đã đầu tư, chuyển giao công nghệ… sẽ bị thiệt hại không nhỏ.

Trong trường hợp pháp nhân đang vướng trong các vụ kiện tại Tòa án về tranh chấp thương mại, hoặc trong tiến trình Tòa án xem xét theo thủ tục phá sản thì bị tuyên hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn thì vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại có phải tạm đình chỉ hay không? Nếu mức hình phạt là đình chỉ pháp nhân thì việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại, phá sản sẽ được tiến hành như thế nào? Tòa án có đình chỉ vụ án vì pháp nhân đã chấm dứt hoạt động hay không? Các quyền về tài sản liên quan được giải quyết theo thủ tục phá sản, giải thể hay chấm dứt hoạt động theo Luật doanh nghiệp?

Khi pháp nhân bị xử phạt đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động thì ai sẽ là người đại diện trong các vụ kiện dân sự? thủ tục chỉ định người đại diện được thực hiện theo thủ tục nào?

Những vấn đề nêu trên là thực tế có thể xảy ra trong quá trình xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cần được hướng dẫn đầy đủ để các cơ quan tố tụng có căn cứ áp dụng.

Thái Đăng

Link nội dung: https://phaply.net.vn/trach-nhiem-hinh-su-cua-phap-nhan-thuong-mai-nhieu-van-de-dat-ra-a242677.html