Nhận diện các thủ đoạn gian lận, trốn thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu

(Pháp lý) – Với việc tích cực tham gia các FTA thế hệ mới, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Hoạt động thương mại song phương và đa phương với các nước diễn ra sôi động. Cùng với đó là tội phạm kinh tế , trong đó có tội trốn thuế cũng tăng lên và ngày càng tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Để có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn được tình trạng gian lận và trốn thuế trong hoạt dộng xuất nhập khẩu, điều quan trọng trước tiên là cần nghiên cứu và nhận diện rõ được các hành vi , thủ đoạn, chiêu thức gian lận của đối tượng nộp thuế…

Báo động tình trạng DN cố tình khai sai tên hàng, chủng loại, mã hàng đối với mặt hàng sắt thép nhập khẩu để trốn thuế…

Khai sai tên, mã hàng hoá

Chiêu thức đầu tiên mà các DN sử dụng để gian lận thuế đó là lợi dụng sự phức tạp trong cơ cấu sản phẩm cũng như tên gọi, đặc biệt là những sản phẩm mới, là hỗn hợp của nhiều chất hoặc linh kiện khó có thể phân biệt bằng cảm quan để kê khai hàng hoá vào mã số có thuế suất thấp.

Đặc biệt, để trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá… DN nhập khẩu cố tình khai sai tên hàng, chủng loại, mã hàng đối với nhiều lô hàng hoá nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Theo đó, các doanh nghiệp thường khai báo hàng hoá vào nhóm mã hàng có mức thuế thấp (thuế suất nhập khẩu: 0% và 5% theo Biểu thuế ưu đãi) mà không khai đúng vào các dòng mã số HS có thuế suất nhập khẩu cao (thuế nhập khẩu: 10% theo Biểu thuế ưu đãi).

Điển hình như, mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra hàng hoá nhập khẩu thuộc 3 tờ khai hải quan của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp P.N (TPHCM), phát hiện DN này khai báo sai mã số hàng hoá, thuế suất, dẫn đến thiếu trên 400 triệu đồng tiền thuế.

Tương tự, trường hợp khai sai mã số, thuế suất hàng nhập khẩu của Công ty Cổ phần XNK K.L.P cũng vừa bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện, truy thu và xử phạt trên 300 triệu đồng. Hàng hoá vi phạm của công ty này là thép không hợp kim (hàm lượng carbon dưới 0,6% tính theo trọng lượng), có thuế suất thuế nhập khẩu 10%, nhưng DN khai báo thuế suất chỉ có 0%, dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Trị giá hàng vi phạm trên 2,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thép không hợp kim, dạng cuộn, cán phẳng khai báo sai tên hàng, chủng loại, mã số hàng hóa nhập khẩu để gian lận trốn thuế nhập khẩu và thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá đang rất báo động.

Hành vi khai mã số thuế, thuế suất hàng hóa thấp khi bị phát hiện sẽ phải tính lại để truy thu và phạt, với số thuế từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế …hoặc có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 200 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).

Lợi dụng “luồng xanh” để trốn thuế

Áp dụng quản lý rủi ro trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, theo đó, cơ quan Hải quan sẽ phân loại hàng hóa dưới hình thức 3 luồng: Luồng xanh, vàng và đỏ. Mỗi luồng hàng được phân loại nói lên mức độ đánh giá của cơ quan Hai quan đối với hàng hóa trong quá trình quản lý rủi ro. Luồng xanh: Miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; Luồng vàng: kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; Và Luồng đỏ: Kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa.

Lợi dụng “luồng xanh” được miễn kiểm tra lô hàng, nhiều doanh nghiệp trốn thuế hàng trăm triệu, đến cả tỷ đồng đã bị Hải quan phát hiện

Tuy nhiên, một số DN xuất nhập khẩu đã lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro, cố ý khai sai tên hàng, chủng loại, khối lượng, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất với mục đích che giấu tên hàng thực xuất khẩu, nhằm gian lận thuế, trốn thuế.

Trong thời gian gần đây, cơ quan Hải quan liên tiếp phát hiện nhiều lô hàng xuất khẩu nghi vấn nên đã chuyển luồng kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp trốn thuế hàng trăm triệu, đến cả tỷ đồng.

Việc phân luồng kiểm tra thông quan khác nhau tạo điều kiện cho DN xuất hàng hóa đi nhanh nhưng cũng có một số DN lợi dụng điều này để giảm số thuế phải nộp.

Khai báo không trung thực về giá, chất lượng hàng hóa

Là cách mà các DN thường dùng đối với các mặt hàng có thuế suất cao, có nhiều biến động về giá và các mặt hàng chịu nhiều tác động do điều kiện giao hàng, phương thức giao dịch, phương thức thanh toán… DN nhập khẩu tự ý hoặc thông đồng với người bán làm giả các giấy tờ giao dịch để khai báo sai giá trịhải quan nhằm gian lận về thuế như doanh nghiệp khai báo thấp trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, khai giảm số lượng hàng hóa để làm giảm trị giá nhập khẩu…

Ngoài ra, lợi dụng cơ chế tự kê khai, tự tính, tự nộp thuế các không khai báo đầy đủ các khoản phải cộng. Theo đó, cơ sở tính thuế đối với hàng hóa NK là giá bán cộng với các khoản phí giao dịch của hàng nhập khẩu khi đến cảng bao gồm cả chi phí vận tải và phí bảo hiểm phí bản quyền… Tuy nhiên, DN sẽ không khai báo đầy đủ các khoản phí này làm giảm giá trị hải quan của hàng hoá.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn khai báo hàng hóa của họ là hàng hóa thứ phẩm, hàng tồn kho, hàng loại A,B,C,D… nhằm trốn thuế qua giá. Tuy nhiên, thực tế thì cơ quan Hải quan không có cơ sở xác định, đối chiếu khai báo.

Thủ đoạn chia nhỏ linh kiện, phụ tùng của sản phẩm nguyên chiếc để gian lận thuế suất

Lợi dụng chính sách ưu đãi, thuế suất đối với linh kiện hoặc nguyên liệu nhập khẩu thấp hơn hàng nguyên chiếc nhập khẩu. Bằng cách lập nhiều công ty khác nhau hoặc móc nối giữa các công ty với nhau và mỗi công ty nhập khẩu một bộ phận cấu thành của hàng nguyên chiếc về các cửa khẩu khác nhau trong các thời điểm khác nhau để tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan. Hoặc, DN nhập khẩu sẽ tháo rời các chi tiết rời của một sản phẩm, chia nhỏ lô hàng để nhập khẩu làm nhiều chuyến theo từng chi tiết linh kiện nhằm gian lận thuế NK qua thuế suất…

Sau khi về Việt Nam, làm thủ tục xong, hàng nhập khẩu sẽ được lắp đầy đủ trang thiết bị đúng như thiết kế của nhà sản xuất. Các trang thiết bị này thường được nhập khẩu riêng và có thuế suất thấp. Sau khi hoàn thiện đầy đủ trang thiết bị, giá lại được đẩy lên…

Thay lời kết

Thiết nghĩ, trong điều kiện Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, hoạt động thương mại song phương và đa phương giữa nước ta với các nước sẽ diễn ra sôi động hơn thì tội phạm và các vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong đó có các hành vi trốn thuế sẽ diễn ra rất phức tạp.

Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật cũng như các chính sách về thuế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, phát hiện kịp thời các sơ hở, thiếu sót trong các văn bản pháp luật để chấn chỉnh.

Đồng thời, tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nắm bắt và phân loại doanh nghiệp tiềm tàng về gian lận để tập trung kiểm soát.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh kiểm tra việc kê khai và làm thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng với số lượng, kim ngạch lớn hoặc gia tăng đột biến. Đặc biệt, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, thu hồi tiền thuế cho Nhà nước, bảo vệ kỷ cương pháp luật và hoạt động lành mạnh trong xuất nhập khẩu.

Nam Kiên

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhan-dien-cac-thu-doan-gian-lan-tron-thue-trong-hoat-dong-xuat-nhap-khau-a242601.html