Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới nhận định tích cực về Hiệp định RCEP

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 15 quốc gia thành viên đã được ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020, mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với tổng GDP tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% tổng thương mại toàn cầu. Lãnh đạo các quốc gia và chuyên gia kinh tế trên thế giới nhận định tích cực về thoả thuận thương mại này.

Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi khẳng định hiệp định RCEP là một sự kiện lịch sử khối ASEAN

Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi nhận định “Việc ký kết hiệp định RCEP là một sự kiện lịch sử vì nó củng cố vai trò của khối ASEAN trong việc dẫn dắt một hiệp định thương mại đa phương tầm cỡ, bất chấp những thách thức toàn cầu và khu vực và 8 năm đàm phán. RCEP sẽ tạo ra động lực rất cần thiết nhằm phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và người dân trong khu vực, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 hiện nay.”

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhận định hiệp định RCEP đem lại niềm hy vọng phát triển mới cho các nền kinh tế (Ảnh: Xinhua)

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhận định: "Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chững lại như hiện nay, việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết sau 8 năm đàm phán đem lại niềm hy vọng phát triển mới cho các nền kinh tế. Trong dài hạn, hiệp định RCEP không chỉ là thành tựu mang tính bước ngoặt trong hợp tác giữa các nước khu vực Đông Á mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Hiệp định RCEP cho phép mọi người lựa chọn đoàn kết và hợp tác khi đối mặt với thách thức thay vì lựa chọn xung đột và đối đầu. Hiệp định RCEP được ký kết cho thấy việc mở cửa và hợp tác là phương thức duy nhất để các bên cùng đạt được lợi ích".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) cùng Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee chào lãnh đạo các quốc gia thành viên khối RCEP trong lễ ký kết hiệp định (Nguồn: Yonhap)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết: “Hiệp định RCEP, thoả thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, sẽ đi vào hiện thực với trung tâm là khối ASEAN trẻ, năng động để giải quyết nhiều thách thức cùng lúc bao gồm đại dịch Covid-19, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và mối đe doạ đối vối chủ nghĩa đa phương. Hiệp định RCEP sẽ vượt qua các rào cản biên giới và góp phần khôi phục chủ nghĩa đa phương và trật tự thương mại tự do.”

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (đứng) chứng kiến Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Chan Chun Sing (ngồi) đại diện Singapore ký hiệp định RCEP (Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore)

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định “Việc ký kết hiệp định RCEP là một bước tiến lớn đối với thế giới, vào thời điểm khi mà chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại. Thoả thuận thương mại này cho thấy cam kết tập thể của chúng ta đối với việc duy trì các chuỗi cung ứng mở và kết nối, đối với việc thúc đẩy thương mại tự do hơn và sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ hơn, đặc biệt trong bối cảnh khi đối mặt với đại dịch COVID-19, các nước trở nên hướng nội và theo xu hướng bảo hộ hơn. Sự đa dạng của các nước tham gia RCEP cho thấy các nền kinh tế ở những giai đoạn phát triển khác nhau đều có thể hợp tác với nhau và đóng góp cho sự phát triển của nhau, cũng như cho hệ thống thương mại đa phương. Sự đa dạng này và những mối liên kết mạnh mẽ giữa các nước tham gia với Hoa Kỳ, châu Âu và các nước còn lại trên thế giới cũng phản ánh tính bao trùm và rộng mở của hiệp định.”

Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia ông Simon Birmingham đại diện Australia (ngồi) ký hiệp định RCEP dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Australia Scott Morrison (đứng) (Ảnh: AAP)

Phát biểu tại buổi họp báo sau khi ký hiệp định RCEP, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia ông Simon Birmingham đánh giá: “Hiệp định RCEP là thoả thuận cực kỳ quan trọng, mang tính biểu tượng trong bối cảnh bất ổn hiện nay của thương mại toàn cầu. Nói một cách hình tượng, chúng ta đã thấy những áp lực lớn đối với hệ thống thương mại toàn cầu trong thời điểm hiện tại, bao gồm cả những áp lực mà Australia đang phải đối mặt.

Việc ký kết hiệp định RCEP thể hiện rằng các nước trong hiệp định, vốn là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới trong những thập kỷ gần đây, vẫn cam kết mở cửa kinh tế và thương mại và chúng tôi, các nước thành viên khối RCEP sẽ tận dụng điều này làm nền tảng và bàn đạp để phục hồi kinh tế trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.”

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhận định hiệp định RCEP sẽ giúp nền kinh tế thế giới phục hồi khỏi các tác động của đại dịch Covid-19 Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor cho biết: “Đối với New Zealand, hiệp định RCEP là thoả thuận kinh tế cấp khu vực nhưng mang ý nghĩa toàn cầu, mang đến cơ hội hợp tác trong nhiều vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề khác vốn đang nhận được nhiều sự quan tâm. Hiệp định RCEP củng cố các quy tắc thương mại quốc tế mà các nền kinh tế nhỏ như New Zealand đâng dựa vào trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng. Hiệp định RCEP sẽ mang lại khoảng 186 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.”

Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự phiên họp trực tuyến của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) nhận định: “Việc ký kết hiệp định RCEP là đánh dấu cam kết mạnh mẽ của Indonesia về chủ nghĩa đa phương. Thực sự là một vinh dự cho Indonesia khi được trở thành quốc gia điều phối viên trong quá trình đối thoại lâu dài của thoả thuận thương mại. Tôi xin trân trọng cảm ơn và đánh giá cao mọi sự ủng hộ và đóng góp mang tính xây dựng của các quốc gia trong quá trình đàm phán ký kết hiệp định RCEP.”

Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin (đứng) chứng kiến Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia ông Mohamed Azmin Ali (ngồi) đại diện Malaysia ký hiệp định RCEP (Nguồn: Bernama pic)

Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia ông Mohamed Azmin Ali đánh giá: “Việc các nước ký kết hiệp định RCEP là minh chứng cho thấy nỗ lực củng cố hệ thống thương mại đa phương và duy trì chương trình nghị sự phát triển của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Hiệp định RCEP sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cũng như bảo vệ môi trường đầu tư của các nước thành viên tham gia hiệp định.”

Ông Mohamed Azmin Ali cũng cho biết: “Hiệp định RCEP bao gồm một chương riêng biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các yêu cầu về trao đổi thông tin và tăng cường tính minh bạch, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư nội khối, bao gồm các hợp tác kinh tế - kỹ thuật đối với khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các đơn vị cung ứng dịch vụ bao gồm các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ được quyền tiếp cận thị trường rộng hơn bao gồm hoạt động cung ứng xuyên biên giới và thiết lập đại diện thương mại tại các quốc gia thành viên trong khối. Hiệp định RCEP có thể được xem như một liều thuốc giúp nền kinh tế phục hồi trở lại trước các tác động của đại dịch Covid-19, bảo đảm sự mở cửa của các thị trường và duy trì chuỗi cung ứng.”

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/lanh-dao-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-nhan-dinh-tich-cuc-ve-hiep-dinh-rcep-76581.htm

Link nội dung: https://phaply.net.vn/lanh-dao-cac-quoc-gia-tren-the-gioi-nhan-dinh-tich-cuc-ve-hiep-dinh-rcep-a242162.html