Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 1% GDP của Việt Nam

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới, làm gia tăng làn sóng các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang dùng ưu đãi thuế để tạo ra cuộc cạnh tranh ngầm nhằm thu hút FDI.

Tập đoàn bán lẻ Lotte là một trong những cái tên rời Trung Quốc đến Việt Nam. (Ảnh: Int)

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng thuế và chi ngân sách cho dịch vụ công thiết yếu ở các nước ASEAN đã thiếu bền vững, dù tăng trưởng kinh tế cao và thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) dồi dào. Nguyên nhân là nguồn thu chính từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ở nhiều quốc gia thành viên đang giảm mạnh vì các ưu đãi thuế và phi thuế dành cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, gây tổn hại đến cơ sở thuế trong khu vực.

Chẳng hạn, để “lôi kéo” một doanh nghiệp FDI đầu tư vào nước mình, các nước sẵn sàng đưa ra những chính sách ưu đãi khá lớn. Ví dụ, năm 2014, để lôi kéo khoản đầu tư của Samsung, Indonesia cung cấp ưu đãi thuế trong 10 năm, trong khi Việt Nam đề nghị một khoản ưu đãi trong 15 năm.

Hay như để kêu gọi đầu tư từ Canon, Việt Nam đã miễn thuế cho tập đoàn này trong 10 năm, nhưng Philippines cạnh tranh với Việt Nam bằng cách miễn thuế trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 năm.

Quá trình cạnh tranh hút vốn FDI của các nước ASEAN liên tục trong suốt nhiều năm qua. Hiện tại, mức thuế suất TNDN trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020.

Đáng lưu ý, chi phí của các ưu đãi tài khóa không cần thiết có khả năng vượt quá lợi ích mà FDI mang lại. Việc cắt giảm thuế TNDN quá mức gây ra mối đe dọa đối với thu ngân sách quốc gia dưới hình thức chi qua thuế.

Ví dụ, tại Campuchia thất thu ngân sách do ưu đãi thuế doanh nghiệp ước tính bằng 6% GDP, Việt Nam và Philippines khoảng 1% GDP. Hay như tổn thất thuế tiềm năng ở Indonesia khoảng 14 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 2009 đến 2017.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra trên toàn thế giới. Điều này kéo theo quá trình dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực ASEAN có thể khiến cạnh tranh giữa các nước ASEAN trở nên tồi tệ hơn. Lợi ích từ việc thu hút FDI trở nên quan trọng hơn để các quốc gia thành viên thúc đẩy phát triển kinh tế trong khi quan điểm chung của toàn khu vực ASEAN bị lờ đi.

Ông Ah Maftuchan, Giám đốc tổ chức PRAKARSA nhấn mạnh: “Các ưu đãi về thuế có thể tạo ra các ngoại ứng tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu tới hiệu quả kinh tế. Các nước ASEAN khó có thể đương đầu với các hệ quả đó, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và y tế mà tất cả các nước đang đối mặt đó là dịch Covid-19.

Ước tính ban đầu từ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến thu thuế ngày càng gia tăng do các Chính phủ nỗ lực triển khai các gói hỗ trợ để đối phó với đại dịch.

Chẳng hạn, Singapore và Thái Lan lần lượt chi khoảng 13% và 9% GDP cho các biện pháp kích thích tài khóa trên quy mô rộng, trong khi con số này ở Philippines, Indonesia và Việt Nam ước khoảng 3% GDP…

Trong bối cảnh tính bền vững nguồn thu ngân sách từ thuế ngày càng báo động, để ngăn chặn cuộc đua xuống đáy giảm thuế và phi thuế tại ASEAN, các chuyên gia VERP kiến nghị, cần quy định một mức thuế TNDN tối thiểu cho các nước trong khu vực ASEAN và đảm bảo không đưa ra các ưu đãi thuế TNDN khiến cho thuế trung bình thực nộp hạ xuống dưới mức thuế suất tối thiểu.

Theo đó, tỷ lệ thích hợp được đề xuất nằm trong khoảng 12,5% đến 20%. Điều này sẽ bảo vệ nguồn thu từ thuế của các quốc gia và ngăn chặn vấn đề hoạch định chính sách có lợi cho nước mình nhưng có hại cho các nước láng giềng vẫn đang tồn tại hiện nay.

Ngoài ra các nước ASEAN cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện các chỉ số khác về môi trường kinh tế vĩ mô và chất lượng thể chế như tự do kinh tế, hiệu quả của chính phủ, chất lượng quản lý, chất lượng cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp thu công nghệ để thu hút FDI.

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/thue-ngan-sach/uu-dai-thue-cho-doanh-nghiep-fdi-chiem-khoang-1-gdp-cua-viet-nam-1074712.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/uu-dai-thue-cho-doanh-nghiep-fdi-chiem-khoang-1-gdp-cua-viet-nam-a241896.html