Quản lý thuế đối với giao dịch liên kết: Những qui định mới nhất Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý

(Pháp lý) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây được cho là một nghị định toàn diện thay thế hoàn toàn quy định của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 với nhiều quy định mới mà cộng đồng doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm như: Quy định đối tượng được xác định giao dịch liên kết; mức khống chế chi phí lãi vay; đối tượng được miễn áp dụng quy định khống chế lãi vay…

Quy định cụ thể hơn về giao dịch liên kết.

Theo đó, so với Nghị định 20 thì Điều 5 Nghị định 132 bổ sung thêm đối tượng được xác định là bên có quan hệ liên kết làm căn cứ để cơ quan quản lý xác định các giao dịch liên kết như: Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp; Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ…

Nghị định 132/2020/NĐ-CP được cho là kế thừa một số qui định cũ và bổ sung một số quy định mới.

Giữ nguyên quy định mức trần chi phí lãi vay, mở rộng thêm đối tượng loại trừ

Kế thừa quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Nghị định 132 tiếp tục giữ nguyên quy định mức trần chi phí lãi vay 30%, cho phép khống chế chi phí lãi vay sau khi đã trừ lãi tiền gửi, tiền vay và mở rộng đối tượng áp dụng quy định khống chế. Đồng thời, cho chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm tiếp theo như quy định hiện hành.

So với Nghị định 20/2017/NĐ-CP, Nghị định 132 giữ nguyên mức trần chi phí lãi vay, nhưng mở rộng thêm đối tượng loại trừ ( ảnh minh họa)

Theo đó tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định 132 quy định cụ thể về xác định chi phí để tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Trong đó nêu rõ, tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

Quy định tại điểm a không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác)…

Quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế

Nghị định 132 quy định nghĩa vụ trong kê khai giao dịch liên kết và nghĩa vụ chứng minh giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập thuộc về người nộp thuế. Do đó, căn cứ quy định tại Luật Quản lý thuế, nghị định quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan thuế trong quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết theo hướng: quản lý giá giao dịch liên kết theo rủi ro.

Tuy nhiên, trong trường hợp người nộp thuế không tuân thủ việc nộp tờ khai, kê khai thuế đối với giao dịch liên kết theo quy định, cơ quan thuế thực hiện quyền ấn định thuế. Đồng thời, nghị định kế thừa các quy định tại Nghị định 20 về trách nhiệm của cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Quy đinh mới về báo cáo lợi nhuận liên quốc gia

Một nội dung mới đáng chú ý khác của Nghị định 132/2020/NĐ-CP là quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia đảm bảo thuận lợi cho người nộp thuế và cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn BEPS của OECD.

Theo đó, khoản 5 Điều 18 Nghị định 132 quy định, người nộp thuế là Công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ 18.000 tỷ đồng trở lên, có trách nhiệm lập Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia tại Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết; Trong khi trước đây, Nghị định 20 quy định người nộp thuế tại Việt Nam có công ty mẹ tại nước ngoài chỉ có nghĩa vụ lưu trữ và cung cấp cho cơ quan thuế báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ và cùng thời điểm nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN.

Người nộp thuế tại Việt Nam có công ty mẹ tại nước ngoài mà công ty mẹ có nghĩa vụ lập Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia theo quy định của nước cư trú phải nộp cho Cơ quan thuế trong các trường hợp: Quốc gia, vùng lãnh thổ nơi Công ty mẹ là đối tượng cư trú có Thỏa thuận quốc tế về thuế với Việt Nam nhưng không có Thỏa thuận của Nhà chức trách có thẩm quyền tại thời điểm đến hạn nộp Báo cáo theo quy định; Quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài nơi Công ty mẹ là đối tượng cư trú có Thỏa thuận giữa Nhà chức trách có thẩm quyền với Việt Nam nhưng đã đình chỉ cơ chế trao đổi thông tin tự động hoặc không tự động cung cấp được cho Việt Nam Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của tập đoàn là đối tượng cư trú tại các quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài đó…

Như vậy, Nghị định 132 đã bổ sung quy định mới theo thông lệ quốc tế đảm bảo phù hợp với cam kết khi tham gia diễn đàn BEPS. Đó là: báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhận được qua hình thức trao đổi thông tin tự động, nếu nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước có ký thoả thuận, người nộp thuế chỉ phải cung cấp cho cơ quan thuế trong trường hợp nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước không ký thoả thuận.

Đối với Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của các công ty mẹ tối cao có doanh thu hợp nhất toàn cầu áp dụng theo ngưỡng chung trên thế giới là 750 triệu Euro (tương đương khoảng 18.000 tỷ đồng) đã được các nước thành viên BEPS thống nhất áp dụng trong chính sách quản lý nội địa và hướng tới cơ chế trao đổi thông tin tự động trong giai đoạn 2019 – 2020. Từ góc độ hội nhập thuế quốc tế, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định về kê khai Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia phù hợp cam kết quốc tế tại các Diễn đàn BEPS mà Việt Nam là thành viên.

Nghị định 132/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết hết hiệu lực kể từ ngày 20/12/2020.

Văn Chiến (t/h)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/quan-ly-thue-doi-voi-giao-dich-lien-ket-nhung-qui-dinh-moi-nhat-doanh-nghiep-can-dac-biet-luu-y-a241701.html