Thủ tướng yêu cầu đấu tranh với nhóm lợi ích chi phối các cuộc đấu giá

Thủ tướng yêu cầu bộ Công an phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, nhóm lợi ích trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tăng cường quản lý nhà nước hoạt động đấu giá tài sản

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị số 40/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Trong thời gian qua, nhất là sau khi thực hiện luật Đấu giá tài sản năm 2016, hoạt động đấu giá tài sản đã đạt được nhiều kết quả cụ thể như: Pháp luật về đấu giá tài sản ngày càng hoàn thiện đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động đấu giá, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật; hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, được xã hội hóa một cách mạnh mẽ với các tổ chức đấu giá tài sản phát triển rộng khắp trên cả nước đáp ứng yêu cầu xử lý tài sản của tổ chức, cá nhân; các loại tài sản đấu giá ngày càng mở rộng, đa dạng với nhiều loại tài sản mới bắt buộc phải bán thông qua đấu giá như kho số viễn thông, tài nguyên internet, phổ tần số vô tuyến điện…

Ảnh minh họa

Qua đó nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công; giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, đóng góp vào việc thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đấu giá tài sản trong một số trường hợp vẫn còn tồn tại, hạn chế, yếu kém như: Việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát với giá thị trường; việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, còn trường hợp lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản “sân sau” để đấu giá; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên, thậm chí có biểu hiện buông lỏng; chất lượng, năng lực của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế; xuất hiện hiện tượng thông đồng, dìm giá, băng nhóm “xã hội đen” gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Tình trạng nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước khi luật Đấu giá tài sản có hiệu lực chưa được rà soát, sửa đổi kịp thời nên còn chồng chéo, mâu thuẫn; việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản còn chưa nghiêm; một số cơ quan, người có tài sản đấu giá còn thiếu trách nhiệm trong việc giám sát xử lý tài sản, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; tình trạng thông đồng, dìm giá, dàn xếp kết quả, cò mồi, đe dọa, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, phức tạp, khó phát hiện; công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên, việc xử lý chưa mang tính răn đe cao.

Đấu tranh với nhóm lợi ích chi phối các cuộc đấu giá

Thủ tướng yêu cầu bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phát hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá, hoạt động mang tính xã hội đen (đe dọa, khống chế, hành hung người tham gia đấu giá…); chỉ đạo công an địa phương triển khai các biện pháp hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự các cuộc đấu giá nhất là các cuộc đấu giá tài sản công có giá trị lớn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản bảo đảm trình tự, thủ tục đấu giá công khai, minh bạch, khách quan; nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; tiếp tục hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn đấu giá viên và đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo việc thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đấu giá tài sản với các hình thức phù hợp với yêu cầu, điều kiện, tình hình thực tiễn; nâng cao nhận thức về chủ trương xã hội hóa hoạt động đấu giá tài sản;…

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra tổ chức đấu giá tài sản

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đấu giá tài sản với các hình thức phù hợp với yêu cầu điều kiện, tình hình thực tiễn tại địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản tại địa phương, trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức đấu giá tài sản, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các đấu giá viên tại địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ chức có liên quan.

Đề nghị, phối hợp với cơ quan công an thực hiện các biện pháp hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự cho hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương theo đề nghị của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường thực hiện các biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm trong hoạt động đấu giá tài sản thông qua các chuyên án, nhất là các băng nhóm tội phạm, thông đồng, dìm giá trong các cuộc đấu giá tài sản.

Chỉ đạo người có tài sản thuộc thẩm quyền quản lý phối hợp, thông tin cho sở Tư pháp các vụ việc đấu giá tại địa phương nhất là các vụ việc đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản có trụ sở ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thực hiện tại địa phương để theo dõi, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm (nếu có); tăng cường các đoàn theo dõi, giám sát trực tiếp việc tổ chức đấu giá tài sản của các tổ chức đấu giá tài sản, nhất là việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/thu-tuong-yeu-cau-dau-tranh-voi-nhom-loi-ich-chi-phoi-cac-cuoc-dau-gia-a495414.html

Link nội dung: https://phaply.net.vn/thu-tuong-yeu-cau-dau-tranh-voi-nhom-loi-ich-chi-phoi-cac-cuoc-dau-gia-a241474.html